Bài Tập Tình Huống Để Trao Đổi Quan Điểm Tư Vấn và Bào Chữa Giữa Các Luật Sư

Bài Tập Tình Huống Để Trao Đổi Quan Điểm Tư Vấn và Bào Chữa

Giữa Các Luật Sư

Bài Tập Tình Huống Để Trao Đổi Quan Điểm Tư Vấn và Bào Chữa Giữa Các Luật Sư

Đề xuất:

  1. Đề nghị các luật sư chia làm hai nhóm, nghiên cứu tóm tắt vụ việc và cách giải quyết của Công ty để đưa ra quan điểm tư vấn và bào chữa cho Công ty trước Tòa án, và bảo vệ quyền lợi của ông K.
  2. LS hướng dẫn sẽ đề nghị 3 luật sư làm giả định LS của Công ty và 3 luật sư làm giả định LS của ông K nêu ý kiến của mình để các luật sư cùng nghiên cứu, tham khảo.
  3. LS hướng dẫn sẽ đóng vai trò là thẩm phán cùng tranh luận với hai nhóm luật sư và tất cả các luật sư tham gia.
  4. Mục đích là để tranh luận về bằng chứng, sự kiện pháp lý, cách lập luận (không tranh luận hay xác định đúng hay sai).

Vụ số 1 – Vụ việc về kỷ luật sa thải người lao động (NLĐ):

  1. Ông K là nhân viên phụ trách bán hàng và chương trình khuyến mại của Công ty A, có trụ sở tại Hà Nội. Theo hai đơn tố cáo và kết quả điều tra của Công ty, ông K được xác định là đã thực hiện các hành vi sau:
  2. thiếu minh bạch, thường xuyên nhũng nhiễu và gây khó dễ cho việc kinh doanh của Đại lý Z, nhằm trục lợi cá nhân;
  3. nhận hối lộ từ Đại lý Z;
  4. không thông báo một cách đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn cho Đại lý G tại Hải Phòng biết và thực hiện các chương trình hỗ trợ của Công ty dành cho đại lý mới;
  5. nhiều lần yêu cầu Đại lý G đưa tiền để được nhận các chương trình hỗ trợ của Công ty (cụ thể là đã có lần gọi điện thoại cho Trưởng Đại lý G yêu cầu chia sẻ 1/3 số tiền hỗ trợ này);
  6. đã nhận hối lộ của Đại lý G;
  7. ngoài ra ông K đã nhờ Trưởng Đại lý G mua một chiếc xe máy Vespa cho mình từ Hải Phòng và Trưởng Đại lý đã tự bỏ tiền để trả tiền mua xe máy Vespa có hóa đơn VAT đứng tên anh K.
  8. Bằng chứng cụ thể về các vi phạm trên là một điểm quan trọng trong vụ việc này. Ngoài bản copy Hóa đơn VAT mua xe máy, chỉ có hai thư tố cáo từ các đại lý của công ty.
  9. Sau khi điều tra nội bộ, Công ty lấy thêm được ý kiến của hai nhân chứng về việc đưa và nhận tiền của ông K.
  10. Điều 33.5 Nội quy Lao động của Công ty (“Nội quy Lao động”) quy định về các hành vi gây thiệt hại được coi là nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của Công ty để làm căn cứ quyết định việc sa thải người lao động như sau: “Hành động, mà không được phép, trái với lợi ích của Công ty như quy định tại Điều 20 của Nội quy này”. Điều 20 Nội quy Lao động quy định như sau: “Xung đột lợi ích: Theo pháp luật và chuẩn mực đạo đức, Người lao động phải hành động với phương châm vì lợi ích cao nhất của Công ty. Các mối quan hệ cá nhân giữa Người lao động với nhà cung cấp, đại lý hoặc khách hàng không ngăn cản quyết định hoặc khả năng của Người lao động hành động vì lợi ích của Công ty. Người lao động không được thực hiện bất cứ hành vi nào có thể được hiểu là đưa hoặc nhận hối lộ hoặc những hành động khác có tính chất xung đột lợi ích”.
  11. Ngày 13/7/2012, Công ty tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật theo qui định (đúng theo thủ tục). Trong cuộc họp kỷ luật, ý kiến của ông K là không có chứng cứ. Và ý kiến của đại diện Ban Chấp hành Công đoàn là không rõ ràng: “ “Công đoàn Công ty nhận thấy chứng cứ chưa đủ rõ ràng, quyền quyết định hình thức kỷ luật đối với anh K sẽ do Công ty quyết định”. Công ty đã ban hành Quyết định về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông K. Quyết định này có hiệu lực vào ngày 12/8/2012 (“Quyết định Sa thải 1”).
  12. Ngày 11/08/2012 (một ngày trước ngày Quyết định Sa thải 1 có hiệu lực), Công ty đã ban hành Quyết định về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông K (“Quyết định Sa thải 2”) để thay thế Quyết định Sa thải 1.
  13. Ngày 25/8/2012, Công ty ban hành Quyết định về việc thi hành kỷ luật lao động đối với ông K (“Quyết định Sa thải 3”), trong đó ghi rõ kỷ luật sa thải đối với ông K có hiệu lực kể từ ngày 26/8/2012, để thay thế Quyết định Sa thải 2.
  14. Ngày 20 tháng 11 năm 2013 Công ty nhận được Thông báo của Tòa án thông báo cho Công ty biết việc ngày 19 tháng 11 năm 2013, Tòa án đã thụ lý vụ án lao động số 2013/XXX/TLST-LĐ về việc tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải theo đơn khởi kiện của ông K. Ông K đề nghị Tòa án các vấn đề sau đây:
  • Hủy quyết định thi hành kỷ luật ngày 13/7/2012 và các quyết định khác có liên quan;
  • Phục hồi chức vụ và công việc cho ông K như trước khi bị sa thải;
  • Chính thức xin lỗi bằng văn bản, cam kết không trù dập người lao động khi có quyết định của Tòa án;
  • Thanh toán cho ông K tiền lương và các chế độ phúc lợi theo quy định của Công ty trong thời gian ông K bị sa thải.

Vụ số 2: Tranh chấp về việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) cho người lao động (NLĐ) thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ

  1. Công ty A – một Công ty chuyên sản xuất gas – đã tiến hành giải thể toàn bộ Đội bảo vệ của Công ty để thuê dịch vụ bảo vệ của công ty bảo vệ chuyên nghiệp bên ngoài, với lý do đội bảo vệ trong Công ty hoạt động không hiệu quả, không chuyên nghiệp dẫn đến mất mát nhiều tài sản của Công ty và nhằm mục đích chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa hoạt động bảo vệ, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, an ninh trong sản xuất gas.
  2. Công ty A đã tiến hành cuộc họp với toàn thể NLĐ trong đội bảo vệ, thông báo về quyết định giải thể Đội bảo vệ của Tổng Giám đốc Công ty và cho các nhân viên của Đội bảo vệ thôi việc, chi trả trợ cấp mất việc làm, đồng thời cũng thông báo về việc công ty dịch vụ bảo vệ đồng ý ký hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) mới với các nhân viên của Đội bảo vệ theo thỏa thuận. Cuộc họp có sự tham dự của Đại diện công đoàn của Công ty.Tại cuộc họp, các nhân viên bảo vệ không đồng ý với quyết định giải thể Đội bảo vệ của Công ty và cũng không đồng ý ký HĐLĐ với Công ty bảo vệ. Đại diện công đoàn cũng không đồng ý với quyết định giải thể Đội bảo vệ và cho nhân viên Đội bảo vệ thôi việc của Tổng Giám đốc Công ty.
  3. Công ty A cho rằng quyết định giải thể Đội bảo vệ và cho toàn thể nhân viên Đội bảo vệ thôi việc là hoàn toàn phù hợp với pháp luật nên vẫn tiến hành các thủ tục liên quan theo trình tự. Cụ thể: Công ty A đã thông báo với Sở Lao động Thương binh và xã hội (“Sở LĐTBXH”) Thành phố H về quyết định giải thể Đội bảo vệ của Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, do sơ suất của nhân viên nhân sự, việc gửi thông báo đến Sở LĐTBXH không có Giấy biên nhận và không có báo phát của bưu điện.
  4. Sau 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo đến Sở LĐTBXH, Công ty A đã cho toàn thể nhân viên của Đội bảo vệ thôi việc, chi trả trợ cấp mất việc làm và các chế độ lao động khác cho NLĐ (qua tài khoản ngân hàng) đến tài khoản cá nhân của từng NLĐ.
  5. Về phần mình, các nhân viên Đội bảo vệ cho rằng Công ty A đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với mình nên đã khởi kiện ra TAND quận A1, yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau:
  • Nhận NLĐ trở lại làm việc;
  • Trả lương cho những ngày không được làm việc và bồi thường thêm 2 tháng lương do chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật;
  • Trả trợ cấp thôi việc cho cả thời gian NLĐ làm việc ở Công ty cũ (một doanh nghiệp Nhà nước) trước khi làm việc cho Công ty A.

Vụ số 3 – Tư vấn về việc xử lý hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ.

  • Tháng 05/2008, Văn phòng đại diện tại Việt Nam của công ty A – một pháp nhân mang quốc tịch Nhật Bản (“VPĐD Công ty A”) – đã ký HĐLĐ với bà X, thời hạn 1 năm. Các năm tiếp theo sau đó, VPĐD Công ty A lại ký các HĐLĐ mới với bà X với thời hạn là 1 năm.
  • Tháng 6 và tháng 7/2014, bà X được giao nhiệm vụ đặt vé máy bay cho hai nhân viên của VPĐD Công ty A đi công tác với số tiền 19,342,000VNĐ. Số tiền trên đã được thanh toán bằng tiền mặt cho đại lý bán vé máy bay. Tuy nhiên, theo bà X giải thích tại thời điểm đó, vì gặp khó khăn tài chính nên bà X đã gửi thông báo tới đại lý bán vé máy bay về việc sẽ thanh toán tiền 02 vé máy bay bằng chuyển khoản và đề nghị phòng vé hoàn lại khoản tiền mặt đã thanh toán và tự ý sử dụng số tiền đó cho mục đích cá nhân. Đại lý bán vé máy bay đã nhiều lần liên hệ với bà X để đề nghị bà X thanh toán, tuy nhiên bà X đã không thanh toán đúng hạn, do đó đại lý đã gửi đề nghị thanh toán tới VPĐD Công ty A và Trưởng VPĐD đã phát hiện ra sự việc này.
  • Trước vi phạm trên của bà X, Trưởng VPĐD Công ty A dự định sẽ xử lý kỷ luật lao động đối với bà X và hỏi ý kiến Luật sư về vấn đề này.

Luật sư của VPĐ D Công ty A và Luật sư của bà X sẽ đưa ra ý kiến tư vấn như thế nào để bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng của mình.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *