Chuyên đề 2: “THỜI ĐIỂM GIAO KẾT VÀ THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005” CÒN ĐÓ NHIỀU QUY ĐỊNH CHƯA ĐẦY ĐỦ

Chuyên đề 2: “THỜI ĐIỂM GIAO KẾT VÀ THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005” CÒN ĐÓ NHIỀU QUY ĐỊNH CHƯA ĐẦY ĐỦ

Chuyên đề 2: “THỜI ĐIỂM GIAO KẾT VÀ THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005” CÒN ĐÓ NHIỀU QUY ĐỊNH CHƯA ĐẦY ĐỦ

 

Trên cơ sở phạm vi của Hội thảo khoa học chuyên đề “Thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2005”, chúng tôi có một số ý kiến tham luận như sau :

  1. Phân tích và góp ý kiến về Điều 405 Bộ luật dân sự 2005 (Hiệu lực của hợp đồng dân sự).

Điều 405 Bộ luật dân sự 2005 quy định :

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 405 Bộ luật dân sự quy định quá chung chung dễ phát sinh tranh chấp.

  1. Khái niệm về ‘được giao kết hợp pháp’ chưa được quy định cụ thể. Cần quy định rõ giao kết hợp pháp là theo đúng quy định tại Điều nào của Bộ luật dân sự (như Điều 122 – Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự ; Điều 123 – Mục đích của giao dịch dân sự ; Điều 124 – Hình thức giao dịch dân sự ; Điều 125 – Giao dịch dân sự có điều kiện ; Điều 389 – Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự).
  2. Nội hàm của cụm từ “thỏa thuận khác” chưa được xác định rõ (như có hiệu lực trước ngày ký kết hay sau ngày ký kết, kể từ ngày nào). Thực tế, các bên ký kết hợp đồng đã căn cứ Điều 405 Bộ luật dân sự để thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực trước ngày ký nhưng cơ quan thuế có nơi không chấp nhận, có nơi chấp nhận.
  3. Nội hàm của cụm từ “pháp luật có quy định khác” quá rộng, không hiểu là quy định nào.
  4. Phân tích và góp ý kiến về Điều 404 Bộ luật dân sự 2005 (Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự).

Điều 404 Bộ luật dân sự 2005 quy định :

1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.

2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Quy định tại Điều 404 Bộ luật dân sự 2005 liên quan đến một số điều khác của Bộ luật dân sự 2005.

    1. K1 Điều 404 rất phức tạp vì quy định này liên quan đến các Điều 390 (đề nghị giao kết hợp đồng) ; Điều 391 (thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực) ; Điều 396 (chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng) ; Điều 397 (thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng).
    2. Điều 391 K2 Bộ luật dân sự 2005 quy định cụ thể các trường hợp được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng như sau :

Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

a. Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

b. Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

c. Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

    1. Về việc thời điểm bên đề nghị chấp nhận được trả lời chấp nhận giao kết, Bộ luật dân sự 2005 không quy định các trường hợp như Điều 391 K2 và cũng không quy định áp dụng Điều 391 K2. Do đó thực tế phát sinh việc xác định thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
    2. K2 Điều 404 quy định :

Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

Quy định này liên quan đến Điều 397 (thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng) như sau :

1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

2. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời.

Điều 397 có khó khăn khi áp dụng đối với trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan (thế nào là lý do khách quan) mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này (quy định này rất khó giải thích và áp dụng).

  1. Phân tích và góp ý kiến về Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 (Hình thức hợp đồng dân sự).

Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 quy định :

1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      1. Thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được chi phối bởi hình thức của hợp đồng dân sự. Theo Điều 401 K1 thì Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, nhưng Bộ luật dân sự không quy định cụ thể trường hợp nào, mức độ giá trị hợp đồng bao nhiêu thì giao kết bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể (ở Hoa Kỳ, hợp đồng mua bán hàng hóa từ 500 USD trở lên phải bằng văn bản, hợp đồng liên quan đến các tài sản cá nhân từ 5.000 USD trở lên phải bằng văn bản, hợp đồng ủy quyền phải bằng văn bản, …). Do Điều 401 Bộ luật dân sự không quy định rõ ràng, vì vậy trong thực tế có nhiều vụ kiện tranh chấp nhau mấy trăm lượng vàng bản án tuyên xử bác yêu cầu của nguyên đơn vì giao dịch dân sự có giá trị lớn phải bằng văn bản. Trong khi đó Bộ luật dân sự không có quy định giao dịch dân sự giá trị lớn thì phải bằng văn bản. Vấn đề hình thức của hợp đồng trong trường hợp này là do quan điểm của Hội đồng xét xử.
      2. Hình thức của hợp đồng dân sự là cơ sở để xác định thời điểm giao kết vì nếu bằng văn bản thì thời điểm giao kết khác với giao dịch dân sự theo hình thức bằng lời nói, bằng hành vi.

Điều 404 đoạn 3 Bộ luật dân sự quy định : Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Nhưng thỏa thuận về nội dung của hợp đồng bao gồm những vấn đề gì thì Điều 404 không quy định. Trong trường hợp này có cần phải áp dụng Điều 402 Bộ luật dân sự hay không ? vì Điều 402 Bộ luật dân sự quy định nội dung của hợp đồng như sau :

Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:

1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

2. Số lượng, chất lượng;

3. Giá, phương thức thanh toán;

4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

7. Phạt vi phạm hợp đồng;

8. Các nội dung khác.

* *

*

Qua phân tích một số điều của Bộ luật dân sự như trên, theo chúng tôi, liên quan đến vấn đề thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định còn chưa đầy đủ. Vì vậy, trong lần sửa đổi Bộ luật dân sự sắp đến, các chuyên gia về pháp luật cần tham gia góp nhiều ý kiến để Quốc hội thông qua một Bộ luật dân sự hoàn chỉnh hơn, đầy đủ hơn.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi xin chia sẻ trong cuộc Hội thảo này. Xin trân trọng lắng nghe ý kiến của Quý Vị.

Trân trọng.

Thạs sĩ Ls. Trương Thị Hòa

 

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *