Chuyên đề 7: “THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG THEO QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH – THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN”
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận nhằm tạo lập hiệu lực pháp lý[1], tức là tạo ra sự ràng buộc pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên.[2] Một trong những vấn đề quan trọng của sự ràng buộc pháp lý giữa các bên trong hợp đồng chính là thời điểm bắt đầu của sự ràng buộc. Đây được gọi là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Việc xác định đúng đắn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng, chọn luật áp dụng, và tính thời hiệu khởi kiện khi các bên xảy ra tranh chấp.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đã được pháp luật Việt Nam hiện hành qui định khá cụ thể. Tuy nhiên, các qui định này hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện. Thực tế đó không chỉ gây khó khăn, lúng túng cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật mà còn tạo ra không khí tranh luận khá sôi nổi trong giới luật học, trước và sau khi qui định nói trên được ban hành.[3] So với pháp luật của nhiều nước trên thế giới và các Bộ Nguyên tắc về Luật hợp đồng quốc tế, qui định trên vẫn còn có sự khác biệt ở một mức độ nhất định. Điều đó cũng có thể sẽ gây khó khăn, bất lợi cho các công dân Việt Nam khi thương thảo hợp đồng cũng như khi tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng quốc tế với công dân của các nước khác. Trong bối cảnh có sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia, cũng như xu hướng hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật về hợp đồng trên thế giới ngày càng tăng,[4] pháp luật hợp đồng nói chung và qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nói riêng, rất cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Với các tiếp cận vấn đề như trên, tôi chọn và thực hiện đề tài “Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo qui định của pháp luật Việt Nam” để tham gia hội thảo. Chuyên đề này nghiên cứu về khái niệm thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, các qui định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Từ đó đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện các qui định pháp luật hiện hành về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG: KHÁI NIỆM VÀ QUI ĐỊNH CHUNG
2.1. Khái niệm thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Hiệu lực của hợp đồng xét về mặt thời gian, là thời hạn mà hợp đồng có hiệu lực. Đó là khoảng thời gian được xác định từ khi hợp đồng bắt đầu phát sinh hiệu lực cho đến khi hợp đồng chấm dứt. Trong đó, thời điểm hợp đồng bắt đầu có hiệu lực là một trong những yếu tố pháp lý quan trọng để xác định hiệu lực của hợp đồng, và là mốc để xác định thời hạn có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, có thể hiểu thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là mốc để xác định thời điểm khởi lưu của hiệu lực của hợp đồng. BLDS 2005 không đưa ra định nghĩa thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là gì, mà chỉ qui định về các thời điểm có hiệu lực của hợp đồng: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Thời điểm giao kết hợp đồng nói ở đây đã được qui định cụ thể tại Điều 404 BLDS 2005.
Với qui định này, nhà làm luật Việt Nam thừa nhận đồng thời hai loại thời điểm khác nhau: thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Có thể nói, qui định này là một điểm pháp lý khá thú vị và đặc thù, vì các BLDS trên thế giới hoặc các Bộ Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế đều không có qui định tương tự như vậy.
Một số ý kiến cho rằng, các qui định của BLDS Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các BLDS của Pháp[5], Đức, Nga,[6] thậm chí là của Nhật. Nhưng tìm trong BLDS của các nước nói trên, cũng như các Bộ Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế đều không thấy các qui định tương đồng như Điều 405 BLDS 2005. Trong hầu hết các bộ pháp điển về Luật Hợp đồng trên thế giới đều qui định về một loại thời điểm là thời điểm giao kết hợp đồng, và thời điểm giao kết cũng là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng trong hầu hết các bộ pháp điển này đều dựa vào phương thức giao kết.
Thời điểm giao kết hợp đồng với người có mặt thường là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, qui định về thời điểm giao kết hợp đồng với người vắng mặt trong các bộ pháp điển lại có một sự khác biệt cơ bản. Theo các luật gia, việc qui định về thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp này thường dựa theo một trong các học thuyết: thuyết tuyên bố ý chí, thuyết vận tống (hay bày tỏ), thuyết tiếp nhận và thuyết thông đạt.[7] BLDS Đức không qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, nhưng có qui định chung về thời điểm có hiệu lực của sự tuyên bố ý chí, và qui định này cũng được áp dụng cả với việc giao kết hợp đồng: “Tuyên bố ý chí đối với một người vắng mặt có hiệu lực vào thời điểm người đó nhận được tuyên bố” (khoản 1 Điều 130). BLDS Liên bang Nga cũng có qui định tương tự: “hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận” (khoản 1 Điều 433). Qui định này của BLDS Nga tương đồng với qui định tại khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 của Việt Nam. Khác với các BLDS của Đức và Nga, BLDS của Pháp không có qui định về thời điểm giao kết hợp đồng nói chung, mà chỉ có qui định về thời điểm có hiệu lực của hai hợp đồng cụ thể là hợp đồng tặng cho (Điều 932) và hợp đồng ủy quyền (khoản 2 Điều 1985). Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nói chung, án lệ của Pháp cho rằng, “việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng…thuộc thẩm quyền của tòa án”, và theo quan điểm mới đây của Tòa Phúc thẩm, “trường hợp các bên không có ý kiến ngược lại, thì áp dụng thuyết bày tỏ”, tức là khi bên được đề nghị “trao thư trả lời chấp nhận cho bưu điện”.[8] BLDS của Nhật Bản cũng dựa trên thuyết “bày tỏ” (‘vận tống’) khi qui định rằng: “Hợp đồng giao kết với những người vắng mặt có hiệu lực từ thời điểm trả lời chấp nhận đã được chuyển đi” (đoạn 1 Điều 526). Qui định này của Nhật cũng tương đồng với nguyên tắc thư được gửi đi – ‘postal rule’ (hay ‘mail-box’ rule) của các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ: hợp đồng được giao kết tại thời điểm thư trả lời chấp nhận được gửi đi.[9]
Xem xét qui định tại khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 cho thấy, luật Việt Nam chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi thuyết “tiếp nhận”: thời điểm hợp đồng giao kết với người vắng mặt là thời điểm bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận.
Nói tóm lại, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bắt đầu sự ràng buộc pháp lý giữa các bên, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, mà kể từ thời điểm đó các bên không được đơn phương thay đổi hoặc rút lại các cam kết trong hợp đồng và phải chịu trách nhiệm dân sự nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng.
Việc xác định đúng thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa pháp lý quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn sau đây:
(1) Về mặt lý luận, việc xác định hiệu lực và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là cơ sở phân loại hợp đồng. Dựa vào tiêu chí này, hợp đồng được chia thành hợp đồng ưng thuận và hợp đồng thực tế.[10] Theo đó, hợp đồng ưng thuận là hợp đồng mà theo qui định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ giữa các bên phát sinh ngay sau khi các bên thỏa thuận xong nội dung chủ yếu của hợp đồng. Ví dụ: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản. Còn hợp đồng thực tế là những hợp đồng mà sau khi thỏa thuận, hiệu lực của nó chỉ phát sinh tại thời điểm khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng. Ví dụ: hợp đồng cho mượn tài sản, hợp đồng cầm cố tài sản…
(2) Về mặt pháp lý, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là cơ sở pháp lý để xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Kể từ thời điểm này, các bên đã chính thức tạo lập nên quan hệ pháp luật về hợp đồng, đồng thời các bên không thể tự ý rút lại, sửa đổi, hủy bỏ cam kết trong hợp đồng. Cũng từ thời điểm này, hợp đồng có hiệu lực ràng buộc các bên giống như pháp luật. Bên có quyền được phép yêu cầu bên có nghĩa vụ thi hành nghĩa vụ trong hợp đồng, và được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp phát sinh từ hợp đồng. Còn bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng, và phải chịu trách nhiệm dân sự trước bên có quyền về việc vi phạm hợp đồng.
(3) Đối với các hợp đồng được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký theo qui định của pháp luật, việc xác định đúng thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hợp đồng có giá trị pháp lý đối kháng với người thứ ba, thực hiện quyền ưu tiên thanh toán, và bảo vệ người thứ ba ngay tình. Ví dụ: hợp đồng được công chứng thì có giá trị pháp lý đối với các bên liên quan;[11] hoặc một tài sản dùng để bảo đảm cho nhiều món nợ khác nhau mà giá trị không đủ để thanh toán cho toàn bộ các món nợ, hợp đồng bảo đảm giữa các chủ nợ với người mắc nợ đều được đăng ký, thì áp dụng nguyên tắc ai đăng ký hợp đồng trước thì được ưu tiên thanh toán trước từ tiền bán tài sản bảo đảm;[12] hoặc để bảo vệ quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm ngay tình theo pháp luật về bảo đảm.[13]
(4) Việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là căn cứ pháp lý để tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định thời điểm các bên bị xem là vi phạm hợp đồng, và đưa ra đường lối xét xử phù hợp nhằm buộc bên vi phạm phải gánh chịu trách nhiệm dân sự tương ứng. Theo đó, nếu hợp đồng đã có hiệu lực mà các bên không tuân thủ, thì tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc bên vi phạm phải thực hiện đúng hợp đồng và/hoặc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; nếu hợp đồng chưa có hiệu lực, thì tùy trường hợp cụ thể mà tòa án có thể công nhận hoặc không công nhận hợp đồng; nếu hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực thì có thể xác định hiệu lực ràng buộc nghĩa vụ tiền hợp đồng và trách nhiệm dân sự tương ứng: trách nhiệm do đã từ chối giao kết hợp đồng một cách trái pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời gian chờ trả lời làm thiệt hại cho bên kia, trách nhiệm do sửa đổi hoặc rút lại đề nghị một cách trái pháp luật…
2.2. Qui định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Theo qui định tại khoản 1 Điều 405 BLDS 2005, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định là một trong ba thời điểm sau đây:
2.2.1. Thời điểm giao kết hợp đồng
Về nguyên tắc, khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có qui định khác, thì hợp đồng mặc nhiên có hiệu lực vào thời điểm giao kết. Thời điểm giao kết hợp đồng thường là thời điểm các bên thỏa thuận xong nội của hợp đồng, hay khi bên đề nghị đã nhận được trả lời chập nhận hợp lệ[14] của bên được đề nghị. Như đã phân tích, pháp luật Việt Nam xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa trên nguyên tắc tuyên bố ý chí, tức dựa vào hình thức công bố ý chí thể hiện sự thỏa thuận. Cụ thể:
– Hợp đồng được thỏa thuận trực tiếp bằng lời thì hợp đồng giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận của bên kia;
– Nếu hợp đồng giao kết bằng văn bản thì thời điểm giao kết là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản;
– Nếu hợp đồng giao kết bằng thư tín, qua bưu điện thì hợp đồng được giao kết vào ngày bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận hợp lệ;
– Nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng, thì hợp đồng cũng được xem là đã giao kết tại thời điểm hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng. Ví dụ: khoản 1 Điều 460 qui định về việc người mua dùng thử vẫn im lặng khi hết thời hạn dùng thử thì coi như chấp nhận giao kết hợp đồng.
– Hợp đồng giao kết bằng phương tiện điện tử thì việc giao kết còn phải tuân theo các qui định đặc thù của pháp luật về giao dịch điện tử. Theo Luật Giao dịch điện tử 2005, “trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu” (khoản 2 Điều 36). Theo qui định tại các Điều 18, 19, 20 của Luật Giao dịch điện tử 2005, và khoản 2 Điều 11 Nghị định 57/2006/NĐ-CP ngày 09/06/2006, thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là “thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử đó tại một địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra. Thời điểm nhận một chứng từ điện tử ở địa chỉ điện tử khác của người nhận là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử tại địa chỉ này và người nhận biết rõ chứng từ điện tử đã được gửi tới địa chỉ này”. Theo qui định này thì “Người nhận được coi là có thể truy cập được một chứng từ điện tử khi chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử của người nhận”.
Có thể thấy, tùy theo hình thức thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên mà pháp luật qui định thời điểm giao kết tương ứng. Nhìn nhận vấn đề này nhiều học giả cho rằng, không nên quá lệ thuộc vào yếu tố hình thức để xác định thời điểm giao kết hợp đồng vì làm như thế là trái với bản chất của hợp đồng.[15] Tuy vậy, tôi cho rằng không nên chỉ chú trọng vào ý chí đích thực, vì ý chí là yếu tố chủ quan của mỗi người. Ý chí sẽ không thể được biết đến, nếu không được công bố ra bên ngoài dưới một hình thức khách quan nhất định. Khi ý chí của mỗi bên không được công bố thì cũng không thể tạo ra sự thống nhất ý chí của các bên. Trên thế giới, không có Bộ pháp điển về Luật Hợp đồng nào thuần túy chỉ dựa trên yếu tố ý chí hoặc hình thức biểu lộ ý chí để xác định thời điểm giao kết hợp đồng. Ngay cả với BLDS của Đức vốn được xem là chấp nhận thuyết tuyên bố ý chí và BLDS Pháp được xem là chấp nhận lý thuyết ý chí đích thực, thì các qui định về giao kết hợp đồng vẫn dựa trên cả hai lý thuyết trên.[16]
Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng. Thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm xác định sự gặp gỡ ý chí và sự thống nhất ý chí của các bên. Thời điểm giao kết hợp đồng còn là cơ sở để công nhận hiệu lực của hợp đồng, và nếu hợp đồng mang tính chất ưng thuận thì sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý ràng buộc các bên tại thời điểm giao kết hợp đồng. Kể từ thời điểm hợp đồng được giao kết, các bên phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ pháp lý đối với nhà nước nhằm hoàn tất các yêu cầu pháp lý để hợp đồng có hiệu lực, như hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất, nộp thuế hoặc các khoản lệ phí theo qui định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, thời điểm giao kết hợp đồng còn là cơ sở để xác định thời điểm chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp hợp đồng, trừ những thỏa thuận có liên quan tới lợi ích chung hoặc trật tự công cộng.[17] Theo nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực dân sự, khi xem xét hiệu lực của hợp đồng, hiệu lực của các điều khoản liên quan trong hợp đồng, tòa án thường căn cứ vào văn bản pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng.[18] Mặt khác, thời điểm giao kết hợp đồng là cơ sở để xác định năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của chủ thể tham gia hợp đồng. Dựa vào thời điểm giao kết hợp đồng, người ta có thể xác định được địa điểm giao kết hợp đồng. Ngoài ra, thời điểm giao kết hợp đồng còn là mốc tính thời hiệu khởi kiện trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu (Điều 136 BLDS 2005).
2.2.2. Thời điểm do các bên thỏa thuận
Về nguyên tắc, hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao kết, nhưng các bên có thể thỏa thuận hợp đồng phát sinh hiệu lực tại một thời điểm khác. Qui định này dựa trên cơ sở nguyên tắc tự do hợp đồng. Vì các bên có quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng, nên cũng có quyền tự do lựa chọn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tất nhiên, các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với qui định của pháp luật, nhưng không được trái pháp luật hoặc trái với bản chất của hợp đồng.
Trong thực tiễn, khi các bên đàm phán và soạn thảo hợp đồng, không ít trường hợp các bên thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là một thời điểm xác định, khác với thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực do luật định. Ví dụ: Trong Qui tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm “Nhất niên gia hạn” của Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ AIA (Việt Nam), có nội dung như sau: “Ngày có hiệu lực của hợp đồng: nếu hồ sơ bảo hiểm được Công ty chấp thuận, ngày có hiệu lực của hợp đồng là ngày chủ hợp đồng hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và nộp đủ phí bảo hiểm đầu tiên…”.[19] Hay trong Điều 2 của Điều khoản “An khang thịnh vượng” của Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) qui định như sau: “Hợp đồng phát sinh hiệu lực khi Bảo Việt nhận được Giấy yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm đầu tiên theo Hóa đơn thu phí bảo hiểm đầu tiên do Bảo Việt phát hành.”[20]
Trong thực tiễn thương mại quốc, việc các bên thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm giao kết hợp đồng cũng diễn ra khá phổ biến. Trong đó, cũng có nhiều trường hợp, các bên loại trừ một cách có chủ ý hiệu lực của các tuyên bố giao kết hợp đồng[21]. Ví dụ: mặc dù các bên đã giao kết xong toàn bộ nội dung của hợp đồng, nhưng lại đưa ra điều khoản xác nhận hiệu lực: “cho đến khi hợp đồng này được phê chuẩn của người có thẩm quyền của công ty, hoặc cho đến khi được lãnh đạo của hai công ty ký kết chính thức…”. Hệ quả pháp lý của việc này là hợp đồng chỉ có thể phát sinh hiệu lực vào thời điểm được xác định kể trên. Trong các bộ nguyên tắc về hợp đồng quốc tế cũng có các điều khoản để dự liệu về những trường hợp này. Ví dụ: theo Điều 2.1.13 Bộ Nguyên tắc của UNDROIT, các bên có thể xác nhận việc giao kết hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận về một số vấn đề liên quan đến hình thức hay nội dung của hợp đồng.
2.2.3. Thời điểm do pháp luật qui định
Nếu pháp luật qui định thời điểm hợp đồng có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được lập theo đúng hình thức nhất định, thì chỉ khi các bên đã tuân theo hình thức đó, hợp đồng mới có hiệu lực.Trong những trường hợp đặc thù cần có sự kiểm soát chặt chẽ về thủ tục xác lập hợp đồng và để bảo vệ các bên thiếu kinh nghiệm trước những quyết định bất ngờ, nhà làm luật thường qui định hợp đồng phải được lập bằng các hình thức văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký. Theo pháp luật Việt Nam, thời điểm có hiệu lực của các hợp đồng sau đây là do pháp luật qui định:
– Hợp đồng tặng cho bất động sản có đăng ký có hiệu lực tại thời điểm hợp đồng đã được lập bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực và tài sản tặng cho đã được đăng ký quyền sở hữu (Điều 467 BLDS 2005);
– Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ “thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai” (Điều 692 BLDS 2005) và theo pháp luật đất đai thì “hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất được xác định theo thứ tự đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất” (khoản 4 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP);
– Hợp đồng bảo đảm, như: Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố; thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp; Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực trong trường hợp pháp luật có quy định (khoản 2 Điều 323 BLDS 2005, khoản 1 Điều 10 Nghị định 163/2006/NĐ-CP);
– Hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao chỉ có hiệu lực sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ (khoản 2 Điều 19 Luật Chuyển giao công nghệ 2006);
– Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (khoản 1 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)…
Thường thì thời điểm hoàn tất thủ tục luật định là thời điểm hợp đồng có hiệu lực đối với các bên. Nhưng trong nhiều trường hợp, thời điểm hoàn tất thủ tục chỉ là thời điểm hợp đồng có hiệu lực đối kháng (giá trị pháp lý) đối với người thứ ba. Ví dụ: giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký (khoản 3 Điều 323 BLDS 2005); hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, nếu đối tượng của hợp đồng đó là loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này (khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)…
Nói tóm lại, thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là hai loại thời điểm khác nhau. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm do pháp luật qui định. Nếu các bên không có thỏa thuận và pháp luật cũng không có qui định thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết hợp đồng.
2.3. Hợp đồng có điều kiện và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có điều kiện
2.3.1. Khái niệm hợp đồng có điều kiện
Ngoài việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dựa vào qui định chung như vừa trình bày, nguyên tắc tự do hợp đồng còn cho phép các bên thỏa thuận về các sự kiện, các điều kiện khác làm phát sinh, hoặc chấm dứt hiệu lực hợp đồng. Hợp đồng có thời điểm phát sinh hay chấm dứt hiệu lực lệ thuộc vào các điều kiện khác như vậy được gọi là hợp đồng có điều kiện.
Theo qui định tại khoản 6 Điều 406 BLDS 2005 thì “Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định”.
Về mặt lý luận, khái niệm hợp đồng có điều kiện còn được hiểu là “những hợp đồng mà khi giao kết, bên cạnh việc thỏa thuận về nội dung của hợp đồng các bên còn thỏa thuận để xác định về một sự kiện để khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng mới được thực hiện hoặc phải chấm dứt”;[22] hoặc “những hợp đồng trong đó các bên thỏa thuận về một hay nhiều sự kiện là điều kiện mà chỉ khi điều kiện đó xảy ra hoặc không xảy ra thì hợp đồng mới được coi là phát sinh hay chấm dứt hiệu lực”.[23]
Khi nói tới hợp đồng có điều kiện, người ta thường nói tới hai loại là hợp đồng có điều kiện phát sinh và hợp đồng có điều kiện chấm dứt. Để nhận thức thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, mục này chỉ trình bày về hợp đồng có điều kiện phát sinh. Theo TS. Phạm Công Lạc thì “Hợp đồng với các sự kiện là điều kiện phát sinh là hợp đồng đã được giao kết nhưng còn ‘chờ’ điều kiện mới làm phát sinh hiệu lực, mới làm phát sinh hậu quả pháp lý”.[24] Ví dụ: A thỏa thuận tặng cho B một căn nhà, với điều kiện B phải chăm sóc A lúc tuổi già. Ở đây, việc “B chăm sóc A lúc tuổi già” là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản. Sự kiện này hoàn toàn khác với các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, tức là khác với các yêu cầu pháp lý để hợp đồng được coi là hợp pháp.
Một trong những vấn đề pháp lý cơ bản của hợp đồng có điều kiện chính là ‘điều kiện’ để hợp đồng có hiệu phát sinh hoặc chấm dứt. BLDS 2005 tuy có qui định về giao dịch có điều kiện (Điều 125) và hợp đồng có điều kiện (khoản 6 Điều 406), nhưng không giải thích khái niệm “điều kiện” là gì. Tuy vậy, “điều kiện” nói ở đây không phải là “điều kiện” để giao dịch có hiệu lực như qui định tại Điều 122, mà “điều kiện” ở đây được hiểu là một hoặc nhiều “sự kiện” thực tế có thể xảy ra hoặc chấm dứt để làm cơ sở xác định hợp đồng (giao dịch) sẽ được thực hiện hoặc bị hủy bỏ. Theo qui định tại khoản 1 Điều 125 BLDS 2005 thì điều kiện bao gồm hai loại là điều kiện phát sinh và điều kiện hủy bỏ: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. Nhưng “điều kiện không có nghĩa chỉ là một sự kiện mà có thể bao gồm nhiều sự kiện, khi hội đủ các sự kiện này thì mới coi là sự kiện xảy ra”. Hơn nữa, sự kiện nói ở đây không chỉ là những sự kiện “xảy ra” mà còn có cả những sự kiện “không xảy ra”.[25]
2.3.2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có điều kiện
Thời điểm hợp đồng có điều kiện phát sinh hiệu lực là thời điểm hợp đồng đó đã được xác lập và điều kiện của hợp đồng đã xảy ra. Thiếu một trong hai yếu tố (như hợp đồng chưa được xác lập hoặc điều kiện chưa xảy ra) thì hợp đồng chưa có hiệu lực. Ví dụ: hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện có hiệu lực tại thời điểm tài sản đã được giao và công việc (điều kiện của hợp đồng) đã được thực hiện xong. Nếu công việc đã được thực hiện xong mà tài sản chưa giao thì hợp đồng tặng cho chưa có hiệu lực, và bên đã làm công việc chỉ có thể “yêu cầu thanh toán nghĩa vụ” chứ không được đòi bên kia giao tài sản (khoản 2 Điều 470 BLDS 2005); ngược lại, nếu tài sản đã giao mà công việc không được thực hiện thì hợp đồng cũng chưa có hiệu lực, “bên tặng cho có quyền lấy lại tài sản tặng cho và yêu cầu bồi thường thiệt hại” (khoản 3 Điều 470 BLDS 2005).
Để có giá trị làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, ‘điều kiện’ của hợp đồng phải đáp ứng được những yêu cầu pháp lý sau đây: (i) phải là những sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Các sự kiện đã xảy ra không thể là điều kiện của hợp đồng có điều kiện; (ii) Nếu điều kiện là hành vi, hoặc công việc cụ thể thì hành vi hoặc công việc đó không vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; (iii) Nếu điều kiện là công việc phải làm thì công việc đó phải khả thi.
Suy cho cùng, hợp đồng có điều kiện phát sinh là hợp đồng mà thời điểm có hiệu lực của nó là do các bên thỏa thuận, vì điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là sự kiện pháp lý do các bên thỏa thuận và thời điểm này hoàn toàn khác so với thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo qui định chung tại Điều 404 và Điều 405.
3. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUI ĐỊNH VỀ THỜI ĐIỂM CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG
3.1. Qui định về thời điểm giao kết hợp đồng tại Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005 vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sót và chưa hợp lý
3.1.1. Qui định như Điều 404 là chưa lô gích và chưa chặt chẽ
Điều 404 BLDS 2005 qui định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức giao kết hợp đồng. Điều này là chưa lô gích và chưa chặt chẽ, bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, trong các bộ pháp điển về hợp đồng trên thế giới, người ta thường xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hai yếu tố: phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận giao kết. Theo đó, trong các bộ pháp điển của các nước Châu Âu lục địa, cũng như các nước theo Thông luật đều thừa nhận thời điểm giao kết hợp đồng với người có mặt (giao kết trực tiếp) là thời điểm thỏa thuận xong nội dung hợp đồng vì qui định này bắt buộc người được đề nghị phải trả lời ngay hoặc gần như ngay lập tức – (‘virtually instantaneous’).[26] Còn giao kết hợp đồng gián tiếp (qua thư tín) thì tùy theo truyền thống pháp lý mà công nhận là hợp đồng giao kết khi thư trả lời được gửi đi, hoặc khi bên đề nghị nhận được thư trả lời chấp nhận, như đã phân tích trong phần trước.
Trong khoa học pháp lý, các luật gia cũng thừa nhận nguyên tắc của việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng là dựa trên phương thức giao kết.[27] Hợp đồng có thể được giao kết bởi một trong hai phương thức là phương thức giao kết trực tiếp và phương thức giao kết gián tiếp. Phương thức giao kết trực tiếp là việc các bên hoặc đại diện hợp pháp của các bên gặp gỡ trực tiếp (hoặc gọi điện thoại trực tiếp) để bàn bạc và đi đến sự thống nhất các nội dung của hợp đồng. Phương thức giao kết gián tiếp là phương thức các bên tham gia giao dịch không cần phải trực tiếp gặp nhau để đàm phán về nội dung của hợp đồng mà chỉ cần trao đổi thông tin, trong đó chứa đựng nội dung cần thỏa thuận với nhau với sự giúp đỡ của phương tiện thông tin, liên lạc như thư tín, điện tín, mạng Internet.[28] Mặt khác, thời điểm giao kết hợp đồng còn phụ thuộc vào hình thức trả lời chấp nhận.
Như vậy, bất luận bên đề nghị đã sử dụng hình thức đề nghị là gì, thì thời điểm giao kết hợp đồng vẫn phụ thuộc phương thức giao kết và hình thức của việc trả lời chấp nhận. Ví dụ: khách hàng A gửi thông điệp dữ liệu cho doanh nghiệp B (bán hàng trên mạng) đề nghị mua một máy ảnh loại X, với giá Y, phương thức thanh toán Z, và giao hàng tại địa chỉ K. Doanh nghiệp B đã gửi văn bản (bằng thư bảo đảm) xác nhận sự đồng ý đối với đơn đặt hàng của khách hàng A và hứa sẽ giao hàng đúng như đơn đặt hàng. Đây là phương thức giao kết gián tiếp và hình thức trả lời bằng văn bản, thông qua việc gửi thư bảo đảm. Như vậy, thời điểm giao kết không phải là “thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản”, mà là thời điểm “bên được đề nghị nhận được trả lời chấp nhận”. Cũng trong tình huống trên, nếu doanh nghiệp bán hàng B tuy không trả lời bằng lời nói hay gửi thư xác nhận (văn bản), mà lại im lặng mang hàng hóa hoặc gửi hàng hóa qua bưu điện để giao hàng cho A theo đúng yêu cầu của đơn đặt hàng. Đây là hình thức trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể. Tuy vấn đề này chưa được Điều 404 qui định rõ, nhưng nếu căn cứ vào phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận, thì trường hợp này hợp đồng được xem là đã giao kết tại thời điểm hành vi giao hàng được thực hiện hoàn thành.
Thứ hai, trong thực tiễn, không phải lúc nào các bên cũng chỉ sử dụng một hình thức duy nhất để giao kết hợp đồng với nhau, mà có thể sử dụng đồng thời nhiều hình thức khác nhau để giao kết hợp đồng. Mặt khác, pháp luật cũng không cấm và cũng không có qui định nào bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng bằng một hình thức duy nhất. Các bên có thể trực tiếp thỏa thuận giao kết hợp đồng bằng một hình thức duy nhất, hoặc cũng có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau để đề nghị và để trả lời chấp nhận. Ví dụ: bên đề nghị gửi chào hàng bằng văn bản, còn bên được đề nghị có thể trả lời bằng lời nói trực tiếp, hoặc bằng cách gọi điện thoại, bằng văn bản, hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong trường hợp này, chúng ta không thể xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa vào hình thức hợp đồng như qui định tại Điều 404 BLDS 2005, mà phải xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa trên hình thức của sự trả lời giao kết và phương thức giao kết.
Tóm lại, trong những trường hợp như vậy, nếu dựa vào qui định tại Điều 404 BLDS 2005 thì sẽ không xác định được là hợp đồng đã giao kết vào thời điểm nào, vì Điều 404 chỉ đề cập đến việc giao kết hợp đồng bằng một hình thức xác định, chứ không qui định việc giao kết hợp đồng bằng nhiều hình thức khác nhau. Điều này cho thấy nội dung của Điều 404 BLDS 2005 là chưa chặt chẽ.
Trong thực tiễn xét xử, tòa án cũng đã gặp nhiều lúng túng trong trường hợp các bên sử dụng đồng thời nhiều hình thức và phương thức khác nhau để giao kết một hợp đồng. Ví dụ: Bản án số 195/2007/KDTM-PT ngày 09-10-2007 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội “V/v: tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” giữa nguyên đơn là Công ty Vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông, với bị đơn là Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông (Xem phụ lục số 01). Trong vụ án này, các bên đã không thống nhất được với nhau về thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm cho rằng hợp đồng được giao kết vào 11h00 ngày 20/12/2004. Còn bị đơn lại cho rằng hợp đồng được giao kết sau 11h10 phút ngày 20/12/2004, tức sau khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và tài sản bảo hiểm đã không còn tồn tại.
Trên thực tế, vào khoảng 11h00 ngày 20/12/2004, bên mua bảo hiểm đã gọi điện thoại và gửi văn bản (mẫu đơn yêu cầu bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp trước đó) để đề nghị bên bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm. Còn bên được đề nghị là bị đơn (doanh nghiệp bảo hiểm) đã trả lời trực tiếp bằng điện thoại về việc đồng ý giao kết hợp đồng bảo hiểm vào cùng thời điểm bên mua bảo hiểm gọi điện thoại. Đồng thời ngay sau đó (khoảng 11h10 phút cùng ngày), bên bảo hiểm còn thể hiện sự đồng ý bằng cách ký tên, đóng dấu vào văn bản (đơn bảo hiểm). Tuy nhiên, việc bên bảo hiểm đã gửi văn bản này cho bên mua bảo hiểm hay chưa, thì không thấy đề cập trong các bản án.
Tại Bản án sơ thẩm số 21/2007/KDTM-ST ngày 05-3-2007, TAND Tp. Hà Nội kết luận hợp đồng đã được giao kết vào thời điểm bên bảo hiểm ký tên đóng dấu vào đơn bảo hiểm. Cấp phúc thẩm không phản bác lập luận nói trên của cấp sơ thẩm, nhưng đã hủy án sơ thẩm vì cho rằng, chưa có căn cứ xác định sự kiện cháy xảy ra trước hay sau thời điểm giao kết hợp đồng mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung.
Nhận xét:
1. Sự bất đồng của hai bên đương sự chủ yếu là vấn đề thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phát sinh trước hay sau thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trong hợp đồng bảo hiểm, yếu tố thời điểm phát sinh hiệu lực là vấn đề pháp lý đặc biệt quan trọng vì đây không chỉ thuần túy là thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên mà còn liên quan đến sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm là điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm. Đáng tiếc là trong khi thỏa thuận, các bên đã không có sự lưu ý đặc biệt đến nội dung này. Do vậy, thời điểm giao kết và có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm sẽ căn cứ vào Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết hoặc khi có bằng chứng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Nhưng “thời điểm giao kết” và “thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm” thì chưa xác định được, vì các bên đang tranh chấp, chưa thống nhất.
2. Trong vụ này, cả hai cấp xét xử vẫn còn lúng túng trong việc xác định thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do chưa xem xét kỹ phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. Trên thực tế, cả hai cấp tòa đã căn cứ vào phương thức giao kết gián tiếp, và dựa vào hình thức hợp đồng bằng văn bản để xác định thời điểm giao kết hợp đồng. Xác định như vậy là không hợp lý và cũng không chính xác vì ba lý do:
(i) Nếu căn cứ vào phương thức giao kết hợp đồng trực tiếp bằng điện thoại, thì theo khoản 3 Điều 404 BLDS 2005, hợp đồng đã được giao kết vào thời điểm thỏa thuận xong (bằng điện thoại) nội dung của hợp đồng, chứ không phải là lúc bên bảo hiểm ký tên, đóng dấu vào đơn bảo hiểm;
(ii) Nếu căn cứ vào hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản và phương thức giao kết hợp đồng gián tiếp, thì hợp đồng vẫn chưa được giao kết vì theo khoản 1 Điều 404 BLDS 2005, hợp đồng được giao kết từ thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. Việc bên bảo hiểm mới ký và đóng dấu vào đơn bảo hiểm, chưa phải là quyết định cuối cùng về việc chấp nhận giao kết hợp đồng, vì bên bảo hiểm vẫn có quyền không gửi đi, hoặc thay đổi nội dung, hoặc hủy bỏ đơn bảo hiểm trên;
(iii) Nếu dựa vào hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản để xác định thời điểm giao kết hợp đồng là khi doanh nghiệp bảo hiểm ký tên, đóng dấu vào đơn bảo hiểm (bên sau cùng ký vào văn bản), thì sẽ dẫn tới mâu thuẫn với qui định tại khoản 1 Điều 404: thời điểm giao kết hợp đồng với người vắng mặt là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. Mặt khác, trong các bản án, tòa đã từ chối áp dụng qui định tại khoản 4 Điều 404, nên tòa cũng không thể căn cứ vào qui định này để kết luận hợp đồng đã giao kết vào thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.
Như vậy, bất luận dựa vào căn cứ nào được qui định tại Điều 404 BLDS 2005 để xem xét thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp nói trên, tòa án cũng đều rơi vào tình huống khó khăn để có thể đưa ra kết luận có căn cứ và thuyết phục. Vì vậy, Điều 404 BLDS 2005 rất cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Tóm lại, để xác định đúng thời điểm giao kết và có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp này, cần phải xác định đúng phương thức giao kết hợp đồng giữa các bên, và hình thức trả lời chấp nhận của bên được đề nghị. Trong vụ án trên, các bên đã sử dụng đồng thời hai phương thức khác nhau để giao kết hợp đồng, và bên được đề nghị đã trả lời bằng hai hình thức khác nhau: bằng điện thoại và bằng văn bản. Trong trường hợp đó, tòa án nên xác định phương thức giao kết đầu tiên, cũng như chọn hình thức trả lời hợp lệ đầu tiên để xác định thời điểm giao kết hợp đồng mới là hợp lý.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 404 BLDS 2005 cũng chưa chặt chẽ và cũng chưa phù hợp với thực tế.[29] Bởi lẽ, qui định này chỉ đúng trong một trường hợp: các bên trực tiếp giao kết, việc giao kết được thực hiện bằng ‘bút đàm’, trên cùng một văn bản truyền thống. Ngoài tình huống trên, khoản 4 Điều 404 khó có thể áp dụng cho các trường hợp khác. Trên thực tế, không phải lúc nào các bên cũng giao kết hợp đồng với nhau chỉ bằng một văn bản, mà có thể bằng nhiều văn bản khác nhau, có thể giao kết qua phương tiện thông tin, liên lạc như bưu điện, fax, telex, hoặc gửi thông điệp dữ liệu, hoặc thậm chí các bên bàn bạc trực tiếp và giao kết hợp đồng tại phòng công chứng, trước sự chứng kiến của công chứng viên; hoặc các bên đàm phán hợp đồng làm nhiều lần, mỗi lần đều có làm biên bản ghi nhớ về nội dung đàm phán; hoặc một bên có thể đề nghị giao kết hợp đồng bằng lời, còn bên kia trả lời bằng văn bản, nhưng gửi đi bằng fax hoặc bằng đường bưu điện.v.v.
Cũng có trường hợp một bên cấp cho bên kia một văn bản để xác nhận đồng ý giao kết hợp đồng, với chữ ký đơn phương của bên đó (ví dụ: giấy vay tiền thường chỉ do một bên vay lập ra). Do vậy, nếu chỉ dựa vào qui định “bên sau cùng ký vào văn bản”, thì các trường hợp trên rất khó xác định đâu là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản. Ví dụ: trong các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe gắn máy, người mua bảo hiểm đề nghị giao kết hợp đồng bằng việc điền vào phiếu yêu cầu được bảo hiểm, và nộp tiền bảo phí. Đại lý bảo hiểm (được công ty bảo hiểm ủy quyền hợp pháp) chấp nhận giao kết bằng cách điền các thông tin liên quan vào Giấy chứng nhận bảo hiểm đã có đầy đủ chữ ký của giám đốc và đã được đóng dấu của công ty bảo hiểm, và giao giấy đó cho người mua bảo hiểm. Tại thời điểm đó, hợp đồng bảo hiểm được giao kết. Ở đây, không có việc “bên sau cùng ký vào văn bản”. Thực tiễn này được doanh nghiệp bảo hiểm, người tiêu dùng, cơ quan chức năng chấp nhận, và cũng được các luật gia đồng tình.[30] Trong những trường hợp như vậy, qui định “bên sau cùng ký vào văn bản” không thể áp dụng để xác định thời điểm giao kết hợp đồng. Bởi vậy, qui định này cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Vấn đề chứng minh việc “bên sau cùng ký vào văn bản” cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tiễn pháp lý ở Việt Nam cho thấy, những giấy tờ giao dịch chính thức của tổ chức, nhất là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thì phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của người đại diện hợp pháp và còn phải được đóng dấu của đơn vị.[31] Theo ý kiến của các luật gia, thực tế cũng có quan niệm cho rằng, hợp đồng bằng văn bản của tổ chức phải được đóng dấu thì mới có giá trị pháp lý.[32] Đôi khi, thực tiễn xét xử cũng xem “đóng dấu là một hình thức ký vào văn bản”.[33] Do đó, cụm từ “bên sau cùng ký vào văn bản” rất cần được làm rõ về mặt nội hàm.
Trong thực tiễn xét xử, nhận thức của các tòa án, cũng như giữa các bên liên quan về vấn đề giao kết hợp đồng bằng văn bản vẫn chưa có sự nhất quán. Ví dụ: trong Quyết định giám đốc thẩm số 08/KDTM-GĐT ngày 08-12-2005 của HĐTP – TANDTC về vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ bảo trì trạm biến áp”(xem Phụ lục số 02), bên bán đã fax cho bên mua một văn bản chào hàng 04 chiếc đồng hồ đo điện vạn năng. Tổng giám đốc của bên mua đã ký tên chấp nhận trực tiếp lên bản fax nói trên, nhưng không được đóng dấu của công ty. Cùng ngày ký hợp đồng, bên bán đã giao hàng cho bên mua. Bên mua đã nhận hàng. Sau đó hai ngày, bên mua có gửi cho bên bán văn bản với nội dung: hàng có giá quá cao so với giá thị trường tại cùng thời điểm và yêu cầu bên bán điều chỉnh giá. Nguyên đơn cho rằng, trên thực tế, bên mua ký tên vào đơn chào hàng và đã nhận hàng, nên hợp đồng đã được giao kết và có hiệu lực ràng buộc đối với các bên.
Tòa cấp sơ thẩm (TAND Tp. Hồ Chí Minh) xử hợp đồng mua bán đã được giao kết và có hiệu lực. Tòa cấp phúc thẩm xử hợp đồng chưa được giao kết vì cho rằng, bên mua mới chỉ đề nghị giao kết hợp đồng chứ chưa phải đã chấp nhận đề nghị. Còn việc hai ngày sau bên mua có văn bản yêu cầu điều chỉnh giá, là một sự sửa đổi nội dung chào hàng, nên phải xem đây là đề nghị mới. Cấp giám đốc thẩm (HĐTP- TANDTC) đồng ý với quan điểm của cấp sơ thẩm, nên đã hủy Bản án số số 03/KTPT ngày 17-01-2005 của Toà phúc thẩm – TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhận xét:
(1) Trong vụ án trên, các bên và các cấp tòa án đang xem xét về thời điểm giao kết hợp đồng, trong đó các bên sử dụng phương thức giao kết gián tiếp, bằng văn bản (fax).
(2) Cả nguyên đơn, bị đơn, tòa cấp sơ thẩm, toà cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm không thống nhất với nhau về thời điểm giao kết hợp đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thống nhất này là vì các bên liên quan chưa nhất trí với nhau bên nào là bên đề nghị giao kết và bên nào là bên chấp nhận đề nghị, cũng như chưa thống nhất về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Theo bị đơn và tòa phúc thẩm, bên đề nghị giao kết hợp đồng trong vụ này là bên mua. Bởi vì, việc bên mua gửi trả lại bên bán bản fax báo giá, mới có chữ ký của tổng giám đốc nhưng chưa được đóng dấu của công ty, thì chưa phải là một chấp nhận đề nghị, đây cũng chưa phải là một đề nghị giao kết hợp đồng. Sau đó, bên bán không trả lời mà tự ý mang máy đến giao cho bên mua. Tuy bên mua đã nhận máy, nhưng sau đó, bên mua đã gửi văn bản đề nghị bên bán giảm giá. Đây chưa phải là chấp nhận giao kết mà chỉ là một đề nghị mới. do vậy, hợp đồng chưa xem là đã được giao kết.
Nguyên đơn, tòa cấp sơ thẩm, tòa cấp giám đốc thẩm cho rằng fax chào hàng của bên bán là đề nghị giao kết, còn việc tổng giám đốc của bên mua ký tên vào bản chào hàng này là đã chấp nhận giao kết hợp đồng. Hơn nữa, sau đó bên bán giao máy và bên mua nhận máy, nên hợp đồng đã phát sinh hiệu lực.
(3) Vấn đề mấu chốt trong vụ này là việc xác định hợp đồng đã được giao kết hay chưa. Ở đây, cần phải làm rõ bản fax của bên bán đã gửi cho bên mua có đúng là một đơn chào hàng hay chỉ là một bảng báo giá hoặc catalogue giới thiệu sản phẩm có ghi giá; và nếu đây đúng là đơn chào hàng, thì sau khi nhận được fax chào hàng, thì bên mua có gọi điện đặt hàng, hoặc có gửi lại bản fax đã có chữ ký của tổng giám đốc cho bên bán để đặt hàng hay chưa. Đáng tiếc là các của cấp tòa án đều không có phân tích cụ thể về bản fax và tiến trình thực hiện việc trao đổi thông tin giữa các bên như vừa phân tích, nên đã đưa ra những phán quyết có phần trái ngược nhau. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc phán xử thiếu nhất quán giữa các cấp tòa án trong vụ án trên là do qui định tại khoản 4 Điều 404 BLDS 2005 chưa chặt chẽ. Nội dung của qui định này chỉ điều chỉnh việc giao kết hợp đồng trực tiếp, bằng văn bản. Còn vụ việc đang phân tích thì vừa được giao kết bằng văn bản, thông qua việc truyền tín hiệu bằng fax (gián tiếp), vừa trả lời bằng hành vi cụ thể, và không có việc hai bên cùng ký vào văn bản.
Tóm lại, qui định như Điều 404 BLDS 2005 là chưa lô gích và chưa chặt chẽ, còn lẫn lộn và nhập nhằng giữa phương thức giao kết với hình thức hợp đồng, dẫn đến tình trạng thiếu nhất quán trong nhận thức và áp dụng điều luật của cơ quan tiến hành tố tụng, và cả với các bên trong việc giải quyết tranh chấp liên quan. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, thiết nghĩ nên sửa đổi Điều 404 BLDS 2005 theo hướng xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa trên phương thức giao kết (có mặt hay vắng mặt) và hình thức trả lời chấp nhận, chứ không nên dựa vào hình thức hợp đồng nói chung như hiện nay.
3.1.2. Điều 404 chưa dự liệu thời điểm giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể
Thực tế cuộc sống cho thấy, việc các bên giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể là rất phổ biến. Ví dụ: việc mua báo hay mua vé số của người bán rong, mua hàng hóa bằng máy bán hàng tự động, gửi giữ xe máy, mua vé xe buýt và kiểm soát vé bằng các thiết bị tự động. Trong những trường hợp này, người được đề nghị đã sử dụng hành vi cụ thể để giao kết hợp đồng, mà không cần kèm theo sự diễn đạt ý chí bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết.
Ví dụ: Công ty xây dựng X gửi đơn đặt hàng cho Nhà máy xi măng M để đặt mua T tấn xi măng, theo giá Y, giao hàng vào giờ G, tại địa chỉ Z. Phía nhà máy M không hồi đáp bằng văn bản, nhưng đã giao xi măng đúng theo các điều kiện của đơn đặt hàng. Giá xi măng trên thị trường giảm, X không nhận hàng, với lý do hợp đồng chưa được giao kết. Câu hỏi đặt ra là, hợp đồng giữa X và M đã được giao kết hay chưa (?). Nếu dựa vào Điều 404 BLDS 2005 thì khó có thể xác định hợp đồng đã được giao kết hay chưa, và nếu hợp đồng đã được giao kết rồi thì cũng khó xác định thời điểm giao kết hợp đồng là lúc nào. Bởi lẽ Điều 404 không dự liệu trường hợp các bên đồng thời nhiều hình thức khác nhau để giao kết hợp đồng, và Điều luật này cũng không dự liệu trường hợp trả lời giao kết bằng hành vi cụ thể.
Trong luật thực định, nhà làm luật cũng thừa nhận việc giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể. Ví dụ: hành vi giao tài sản trong các hợp đồng cầm cố, hợp đồng tặng cho, hợp đồng cho mượn và hợp đồng cho vay tài sản. Mặt khác, các Điều 124 và khoản 1 Điều 401 BLDS 2005 cũng đều qui định hành vi cụ thể là một trong ba hình thức của hợp đồng. Như vậy, Điều 404 BLDS 2005 chưa dự liệu thời điểm giao kết của hợp đồng bằng một hành vi cụ thể, là thiếu sót. Điều này có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thực tế liên quan đến việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể, vì thiếu căn cứ pháp lý cần thiết. Đây là một sự thiếu sót cần phải được nghiên cứu bổ sung.
Điều 404 BLDS 2005 cũng chưa qui định thời điểm giao kết hợp đồng trong các trường hợp đặc thù. Điều 404 chỉ qui định thời điểm giao kết hợp đồng trong các trường hợp thông thường mà chưa qui định thời điểm giao kết hợp đồng trong các trường hợp đặc thù, như thời điểm giao kết hợp đồng trong đấu thầu, giao kết hợp đồng có kèm theo điều khoản thương mại chung[34] hoặc hợp đồng mẫu[35]… Thời điểm giao kết hợp đồng trong trường hợp giao kết có kèm theo điều khoản thương mại chung hoặc theo hợp đồng mẫu, hiện cũng chưa được qui định trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo lần 4).[36] Đây là những trường hợp đặc biệt, nhưng lại rất phổ biến trong đời sống, có liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và công chúng. Để bảo vệ tốt quyền lợi của công chúng nói chung, người tiêu dùng nói riêng, thiết nghĩ cần phải bổ sung những qui định cụ thể và chặt chẽ hơn về thời điểm giao kết đối với các loại hợp đồng kể trên.
3.1.3. Khoản 2 Điều 404 chưa dự liệu trường hợp “im lặng” theo qui định của pháp luật là chấp nhận giao kết hợp đồng
Bản chất của hợp đồng là sự gặp gỡ ý chí giữa các bên, dựa trên “sự hiệp ý” và “sự ưng thuận”. Và về nguyên tắc, hợp đồng chỉ có thể được giao kết nếu bên đề nghị “nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng” (khoản 1 Điều 404). Bởi vậy, quan điểm coi im lặng là đồng ý không phải lúc nào cũng được các luật gia chấp nhận. Trong các Bộ Nguyên tắc quốc tế về hợp đồng và các tập quán hợp đồng thương mại quốc tế đều không xem sự im lặng là chấp nhận giao kết: “sự im lặng hoặc bất tác vi không mặc nhiên có giá trị một sự chấp nhận”,[37] hoặc “Bản thân sự im lặng hay bất tác vi không có giá trị như một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”,[38] hoặc “Im lặng hay bất tác vi tự thân nó không phải là sự chấp nhận đề nghị”.[39]
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến bênh vực cho việc công nhận sự im lặng là trả lời chấp nhận nếu có kèm theo những điều kiện khác. Theo luật Pháp, về nguyên tắc, im lặng không được coi là chấp nhận giao kết hợp đồng vì “người ta không thể dựa vào sự im lặng để suy ra ý chí chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của bên đó”, trừ một số trường hợp ngoại lệ do pháp luật qui định hoặc do án lệ thừa nhận.[40] Trong án lệ ở Mỹ, ban đầu, các thẩm phán cũng không thừa nhận im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng. Tuy vậy, đã có một sự thay đổi tư duy của các thẩm phán, sau khi Restatement of Contracts được ban hành. Tại Đoạn 72 Restatement of Contracts có đưa ra nguyên tắc: “…khi người được đề nghị không trả lời một đề nghị thì sự im lặng hoặc không hành động của họ có thể được xem như một sự chấp nhận… nếu người đề nghị xác định được hoặc có lý do để tin rằng sự đồng ý rõ ràng được biểu hiện bằng cách im lặng hoặc không hành động, và người được đề nghị giữ im lặng nghĩa là có ý định chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.” Với sự hiện diện của qui định này đã làm cho “nguyên tắc bất di bất dịch im lặng không phải là đồng ý trở nên khó giải thích thuyết phục”. [41]
Khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 công nhận im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng khi thỏa mãn hai điều kiện là các bên có thỏa thuận trước, và các bên có xác định thời hạn trả lời nhưng hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng. Xuất phát nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, thiết nghĩ việc công nhận im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận là cần thiết. Nhưng qui định này vẫn còn hạn chế vì chưa dự liệu các trường hợp sự im lặng chấp nhận giao kết hợp đồng do pháp luật qui định. Trong luật thực định, có nhiều trường hợp sự im lặng được qui định là chấp nhận giao kết hợp đồng. Ví dụ: qui định về trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản sau khi dùng thử: “…Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử.” (khoản 1 Điều 460 BLDS 2005). Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật có qui định một bên có nghĩa vụ phải phát biểu ý chí về việc từ chối giao dịch, nhưng người có nghĩa vụ đã không hành động như vậy thì được suy đoán là đồng ý. Ví dụ: khi người đại diện xác lập giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, nhưng người được đại diện “biết mà không phản đối…” thì phần giao dịch được xác lập vượt quá phạm vi đại diện đó vẫn có hiệu lực đối với người được đại diện (khoản 1 Điều 146 BLDS 2005).
Bởi vậy, cần bổ sung qui định về trường hợp pháp luật có qui định im lặng là chấp nhận giao kết hợp đồng tương ứng với các trường hợp vừa nêu.
3.2. Qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tại Điều 405 Bộ luật Dân sự 2005 chưa cụ thể và còn gây nhiều tranh cãi
3.1.2. Bộ luật Dân sự 2005 chưa dự liệu hết các thời điểm bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng
Theo qui định tại Điều 405, thì “hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo tinh thần của điều luật thì chỉ những “hợp đồng được giao kết hợp pháp” mới có hiệu lực. Còn những hợp đồng chưa được giao kết hợp pháp, thì nội dung điều luật chưa thể hiện là có hiệu lực hay không. Bởi vậy, ở đây có hai vấn đề cần phải được làm rõ: thế nào là “hợp đồng hợp pháp”, và nếu hợp đồng không hợp pháp thì có hậu quả pháp lý gì.
Khái niệm “hợp đồng hợp pháp” tuy chưa được nhà làm luật qui định rõ ràng, nhưng có thể giải thích được, vì “có thể áp dụng Điều 122 (BLDS 2005)”.[42] Theo đó, “hợp đồng hợp pháp” là hợp đồng được xác lập tuân thủ các điều kiện được qui định tại Điều 122 BLDS 2005. Nếu pháp luật chuyên ngành có qui định các điều kiện đặc thù cho các hợp đồng chuyên biệt, thì hợp đồng chỉ được coi là giao kết hợp pháp nếu đáp ứng đồng thời điều kiện có hiệu lực theo qui định của luật chung và luật chuyên ngành. Trên thực tế, nhiều khi người ta chỉ quan tâm tới luật chuyên ngành mà không lưu ý qui định chung, hoặc ngược lại, chỉ chú ý tới điều kiện chung của hợp đồng mà không quan tâm tới qui định của luật chuyên ngành. Vì thế, đã có quan điểm cho rằng áp dụng pháp luật như vậy là máy móc, phiến diện và sẽ dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực do áp dụng pháp luật thiếu chính xác.[43] Bởi vậy, qui định về thời điểm có hiệu lực của “hợp đồng hợp pháp” rất cần được xem xét thận trọng trong thực tiễn áp dụng BLDS và pháp luật chuyên ngành.
Vấn đề còn lại là khi hợp đồng không được “giao kết hợp pháp” có hậu quả pháp lý như thế nào, thì nội dung Điều 405 chưa qui định rõ. Để giải quyết vấn đề này, cần vận dụng qui định tại Điều 122 và Điều 127 BLDS 2005: giao dịch dân sự không hợp pháp thì vô hiệu. Hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, nên hợp đồng không hợp pháp thì cũng bị vô hiệu.[44] Về phương diện lý luận, hợp đồng vô hiệu được các luật gia chia làm hai loại là hợp đồng vô hiệu tuyệt đối và hợp đồng vô hiệu tương đối. Hợp đồng vô hiệu tương đối thì tùy trường hợp có thể vô hiệu hoặc cũng có thể có hiệu lực.[45] Ví dụ: hợp đồng được thiết lập vi phạm sự tự nguyện (trừ giả tạo), hợp đồng được xác lập bởi người chưa đủ năng lực hành vi dân sự (theo qui định với loại giao dịch dân sự tương ứng) mà không có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp là những trường hợp vô hiệu tương đối. Vậy, đối với các hợp đồng vô hiệu tương đối, mặc dù các bên có tranh chấp, nhưng hợp đồng vẫn được tòa án công nhận, thì vấn đề xác định thời điểm có hiệu lực của nó là như thế nào (?). Đây là vấn đề chưa được BLDS 2005 dự liệu. Sau đây là các trường hợp cụ thể:
(1) Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khi hợp đồng được lập không đúng hình thức luật định. Theo qui định hiện hành thì hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nếu pháp luật có qui định, và khi hợp đồng vi phạm hình thức thì có thể bị vô hiệu hoặc không có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.[46] Theo đó, nếu pháp luật có qui định hợp đồng phải tuân theo hình thức bắt buộc, đồng thời cũng qui định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đó là thời điểm hợp đồng được thực hiện đúng hình thức luật định, thì hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được lập đúng hình thức. Ví dụ: hợp đồng mua bán nhà giữa tư nhân với nhau “phải được lập bằng văn bản công chứng hoặc chứng thực”[47] và có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được công chứng, chứng thực;[48] hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất “phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo qui định của pháp luật”[49] và “có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai”, tức “có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”[50] tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[51] Đây là những hợp đồng mà thời điểm có hiệu lực của nó là do pháp luật qui định, nếu các bên không có thỏa thuận khác.[52] Bởi vậy, nếu hợp đồng loại này chưa được lập đúng hình thức, thì phải được coi là chưa có hiệu pháp luật. Trong trường hợp này, các bên phải yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết để ra quyết định buộc các bên thực hiện đúng hình thức, thủ tục luật định trong một thời hạn; nếu quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hợp đồng vô hiệu.[53]
Vấn đề đặt ra là, nếu hợp đồng vi phạm hình thức mà được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định buộc thực hiện đúng hình thức, thủ tục luật định, như ra phòng công chứng để làm lại hợp đồng, thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là lúc nào(?). Đây là vấn đề hiện còn gây nhiều tranh cãi. Khi bàn về vấn đề hợp đồng không tuân thủ hình thức, có nhiều ý kiến cho rằng pháp luật chưa xác định rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bị vi phạm hình thức[54] và kiến nghị “cần quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp hình thức hợp đồng được khắc phục”.[55] Thật vậy, pháp luật hiện hành chưa giải quyết triệt để vấn đề này. Các nhà bình luận thì cho rằng, về nguyên tắc, hợp đồng được giao kết thì có hiệu lực, không phụ thuộc vào thời điểm công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép.[56] Các nhà bình luận xem hiệu lực của hợp đồng từ thời điểm giao kết đến khi hợp đồng được công chứng, chứng thực theo thủ tục luật định là hợp đồng có hiệu lực “treo”, và việc công chứng, chứng thực chỉ là thủ tục xác nhận hợp đồng có hiệu từ khi giao kết chứ không có ý nghĩa quyết định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy vậy, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, cách giải thích này có phần chưa chính xác, nhất là đối với các hợp đồng mà thời điểm có hiệu lực của nó đã được pháp luật qui định minh thị. Ví dụ: hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho bất động sản hoặc động sản có đăng ký quyền sở hữu… Hơn nữa, pháp luật công chứng chỉ qui định văn bản công chứng có hiệu lực từ thời điểm văn bản đó được công chứng và đóng dấu của tổ chức công chứng, chứ không có qui định “hiệu lực hồi tố” của các văn bản này. Thêm vào đó, ngày các bên xác lập hợp đồng chính thức là ngày hợp đồng được lập lại theo đúng thủ tục công chứng, chứ không phải là thời điểm giao kết. Về lô gích pháp lý mà nói, hợp đồng thiếu hình thức trong trường hợp này phải được xem là hợp đồng chưa có hiệu lực, vì các bên chưa đi đến sự quyết định cuối cùng để xác lập hợp đồng, nhưng vì hợp đồng đã được giao kết, nên có thể xem đây là quan hệ tiền hợp đồng.[57] Theo đó, hợp đồng tuy chưa có hiệu lực ràng buộc các bên, nhưng các bên có những nghĩa vụ pháp định vì đã tự nguyện xác lập các cam kết đơn phương bằng việc đưa ra đề nghị hoặc chấp nhận giao kết hợp đồng.
Vấn đề này cũng được ngành tòa án giải thích và hướng dẫn áp dụng trong hoạt động xét xử bằng hai văn bản khác nhau cho hai loai hợp đồng khác nhau: hợp đồng mua bán nhà ở và hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Theo hướng dẫn của TAND tối cao, thì các trường hợp trên được giải quyết như sau: (i) Đối với hợp đồng mua bán nhà không tuân thủ hình thức luật định mà các bên có tranh chấp, thì Tòa án “quyết định buộc một hoặc các bên phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn một tháng, kể từ ngày Toà án ra quyết định thực hiện các thủ tục để hoàn thiện về hình thức của hợp đồng”;[58] (ii) Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất được xác lập từ sau ngày 15/10/1993 nhưng có vi phạm hình thức, thủ tục luật định mà các bên phát sinh tranh chấp và có đơn khởi kiện sau ngày 01/07/2004 thì Tòa án “không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này”. Có nghĩa các hợp đồng này vẫn được tòa án công nhận là có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện xác định: đã trả tiền, hoặc đã giao đất…[59]
Có thể thấy, đối tượng của hai loại hợp đồng đều là bất động sản có đăng ký (quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng), hình thức của hợp đồng đều không đúng qui định của pháp luật, nhưng hai văn bản trên lại đưa ra hai đường lối giải quyết không giống nhau. Cách giải thích vấn đề này trong Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP cũng vượt xa ý chí ban đầu của nhà làm luật, nếu không nói là trái luật. Bởi lẽ, theo qui định của BLDS 2005, khi hợp đồng vi phạm hình thức, thủ tục luật định thì tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần “buộc các bên phải thực hiện đúng hình thức của giao dịch trong một thời hạn…” theo Điều 134 BLDS 2005 mới đúng. Mặt khác, theo qui định tại Điều 692 BLDS 2005 và khoản 2 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi đã tuân thủ điều kiện về hình thức và đã được đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất. Như vậy, hợp đồng trong trường hợp này phải được xem là không có hiệu lực. Các bên phải hoàn nguyên cho nhau các lợi ích đã nhận theo hợp đồng. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền.
Tóm lại, việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vi phạm hình thức là vấn đề pháp lý phức tạp, mà cả về lý luận cũng như thực tiễn pháp lý ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có hướng giải quyết hợp lý. Sự phức tạp này xuất phát từ nguyên nhân luật hiện hành chưa xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa hình thức hợp đồng với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, cũng như chưa có sự phân biệt rõ ràng hiệu lực ràng buộc nghĩa vụ của hợp đồng trước (giai đoạn tiền hợp đồng) và sau khi hợp đồng bắt đầu có hiệu lực. Chính vì thế, qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo qui định của BLDS 2005 cần phải được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn, đặc biệt là cần bổ sung hiệu lực của các cam kết tiền hợp đồng và hậu quả pháp lý khi các bên vi phạm nghĩa vụ trong giai đoạn này.
(2) Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác lập bởi người không có quyền đại diện. Có nhiều hợp đồng được xác lập bởi người không có quyền đại diện, nhưng vẫn có thể được công nhận là hợp đồng có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật qui định. Theo khoản 1 Điều 145 BLDS 2005 thì giao dịch loại này vẫn có hiệu lực nếu “Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định” và phải được “người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý”. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này, hợp đồng bắt đầu có hiệu lực từ lúc nào: khi hợp đồng thực tế được xác lập, khi người có quyền nhận được thông báo, hay khi người có quyền thể hiện sự đồng ý. Tương tự, về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác lập bởi người đại diện, nhưng vượt quá phạm vi đại diện. Một hợp đồng được người đại diện xác lập vượt quá phạm vi đại diện thì phần vượt quá đó không có hiệu lực đối với người được đại diện. Nhưng nếu “người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối” thì phần hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện vẫn có hiệu lực[60]. Vấn đề là phần hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện đó có hiệu lực từ thời điểm nào, người được đại diện có thể xác định lại thời điểm có hiệu lực của phần hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện theo ý chí của mình hay không. Đây cũng là vấn đề mà BLDS 2005 còn để ngỏ, cần phải được làm rõ.
(3) Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác lập bởi người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và cần phải có sự đồng ý của người đại diện. Đối với các hợp đồng được xác lập bởi những cá nhân không có năng lực hành vi dân sự tương ứng với yêu cầu pháp lý của hợp đồng (do chủ thể bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự cần thiết để xác lập, thực hiện hợp đồng) và cần phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp, thì hợp đồng đó vẫn có thể không bị vô hiệu, nếu được người đại diện hợp pháp thể hiện sự đồng ý.[61] Vấn đề đặt ra là nếu hợp đồng đã được xác lập bởi người có năng lực hành vi chưa đầy đủ hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi, rồi sau đó người đại diện hợp pháp mới biết và thể hiện sự đồng ý, thì có được không, và nếu việc đồng ý thể hiện sau khi hợp đồng được xác lập, thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm nào: lúc các bên giao kết hợp đồng, hay khi người đại diện tuyên bố đồng ý. Vấn đề này chưa được pháp luật qui định rõ, nên cần phải được bổ sung vào BLDS.
Những thiếu sót nêu trên đã phản ánh nội dung điều luật qui định về thời điểm bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng là quá sơ sài, chưa dự liệu được hết các khả năng đặc biệt được qui định trong các phần khác của BLDS. Để bảo đảm tính toàn diện và bao quát của pháp luật, những nội dung trên đây cần được nghiên cứu để đưa vào qui định trong cơ chế điều chỉnh pháp luật về hiệu lực ràng buộc của hợp đồng.
3.1.3. Qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khi các bên “thỏa thuận khác” là chưa rõ ràng và còn gây nhiều tranh cãi
Theo Điều 405 BLDS 2005, về nguyên tắc chung thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp “các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật qui định khác”. Nhiều luật gia thống nhất quan điểm xem thời điểm giao kết hợp đồng là nguyên tắc chung, còn thời điểm do pháp luật qui định hoặc do các bên thỏa thuận là ngoại lệ của thời điểm bắt đầu hiệu lực của hợp đồng.[62] Do đó, qui định về thời điểm do các bên thỏa thuận và thời điểm do pháp luật qui định được ưu tiên áp dụng. Chỉ khi nào các bên không thỏa thuận và pháp luật không có qui định thì hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm giao kết. Vấn đề đặt ra là, liệu các bên có quyền thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm luật định có được không, hoặc thỏa thuận khác với nguyên tắc chung được không (?). Nhận thức vấn đề còn tồn tại ba quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm hợp đồng được giao kết, nhưng “việc lựa chọn này bị loại trừ trong trường hợp pháp luật qui định một hình thức cụ thể, bắt buộc áp dụng cho loại hợp đồng đó (Điều 404, Điều 405)”.[63] Theo đó, về nguyên tắc các bên có quyền thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, nhưng đối với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do pháp luật qui định thì các bên không được phép thỏa thuận. Quan điểm này cũng được sự đồng thuận của các luật gia khác, gồm cả nhà nghiên cứu cũng như người làm công tác thực tiễn.
Theo một nhà nghiên cứu, thời điểm do các bên thỏa thuận có thứ bậc ưu tiên áp dụng thấp hơn thời điểm do pháp luật qui định: “để áp dụng thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phải tuân thủ theo thứ tự: căn cứ vào qui định riêng của pháp luật, trong trường hợp không có qui định riêng, nhưng có thỏa thuận, thì phải căn cứ vào sự thỏa thuận, nếu không có qui định riêng và không có thỏa thuận thì căn cứ vào thời điểm giao kết”.[64] Ý kiến này không trực tiếp nói về việc các bên có thể thỏa thuận thay đổi thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm có hiệu lực do pháp luật qui định hay không, nhưng qua việc nêu lên thứ bậc áp dụng căn cứ chọn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng như trên, tác giả đã cho rằng, thời điểm do pháp luật qui định có thứ bậc ưu tiên áp dụng cao hơn so với thời điểm do các bên thỏa thuận. Điều đó có nghĩa, các bên không được thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nếu thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đó đã được pháp luật qui định.
Quan điểm thứ hai cho rằng, vì pháp luật hợp đồng chịu sự chi phối của nguyên tắc tự do hợp đồng, nên các bên có thể thỏa thuận bất kỳ vấn đề nào liên quan trong hợp đồng, miễn sao thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là nội dung cơ bản của hợp đồng. Và hiện cũng chưa tìm thấy có qui định nào cấm các bên thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm do pháp luật qui định. Như vậy, các bên có thể thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm giao kết hợp đồng, thậm chí có thể thỏa thuận sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do pháp luật qui định.
Quan điểm thứ ba cho rằng, đối với các hợp đồng mà “pháp luật có qui định về thời điểm phát sinh hiệu lực” thì “hiệu lực của hợp đồng phát sinh phụ thuộc vào qui định mang tính bắt buộc đó của pháp luật, các bên không được thỏa thuận thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực sớm hơn”.[65] Như vậy, theo quan điểm này, đối với các loại hợp đồng pháp luật có qui định về thời điểm có hiệu lực, thì các bên chỉ có quyền thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sau thời điểm do pháp luật qui định, mà không được thỏa thuận về một thời điểm có hiệu lực sớm hơn thời điểm do pháp luật qui định.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ ba, vì pháp luật hợp đồng dựa trên nền tảng của nguyên tắc tự do ý chí. Bởi vậy, không thể ngăn cấm các bên tự do thỏa thuận về một thời điểm mà các bên xác định phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi bên. Nhưng tự do nào cũng có giới hạn bởi lẽ công bằng và luật pháp. Để đảm bảo quyền tự do hợp đồng, cần thiết phải cho các bên được thỏa thuận chọn một thời điểm khác với thời điểm giao kết, hoặc thời điểm luật định. Nhưng xuất phát từ bản chất của quan hệ hợp đồng, đề phòng những trường hợp lẩn tránh pháp luật, phù hợp với các qui định tương ứng khác về thời hiệu, năng lực chủ thể, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba, chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp…, thiết nghĩ cần phải hạn chế sự thỏa thuận này, cho các bên được thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, nhưng không được lùi ngược về trước, sớm hơn thời điểm giao kết hoặc sớm hơn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do pháp luật qui định.
Trong thực tiễn xét xử, vấn đề này dường như chưa được quan tâm đúng mức và hiện vẫn còn chưa nhất quán trong nhận thức giữa các cấp tòa án. Ví dụ thực tế: Quyết định giám đốc thẩm số 23/2008/DS-GĐT ngày 28 tháng 8 năm 2008 của về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của HĐTP – TANDTC (Xem phụ lục 03). Trong vụ án này, các bên đã lập ra ba hợp đồng khác nhau về việc chuyển nhượng một mảnh đất. Đầu tiên, nguyên đơn làm hợp đồng với công ty kinh doanh nhà đất để nhận chuyển nhượng đất nền nhà, trả trước một số tiền. Sau đó, nguyên đơn lại ký hợp đồng với bị đơn để sang nhượng lại mảnh đất nói trên cho bị đơn (do ông Th. chồng của bị đơn đứng tên bên nhận) để lấy tiền chênh lệch. Tiếp đó, nguyên đơn đã đến thương lượng lại với công ty xin chuyển nhượng hợp đồng cho ông Th, và nhân danh ông Th nộp cho công ty khoản tiền còn lại. Công ty đồng ý cho nguyên đơn được chuyển nhượng hợp đồng cho ông Th, nhưng yêu cầu nguyên đơn nhân danh ông Th. ký tên vào hợp đồng mới, nhưng ghi lùi ngày ký hợp đồng về ngày tương ứng mà nguyên đơn đã ký hợp đồng lần đầu với công ty trước đây. Số hợp đồng mới này vẫn giữ nguyên theo số hợp đồng lần đầu giữa nguyên đơn với công ty.
Nhận xét:
(1) Trong cùng một vụ việc, nhưng ba cấp xét xử lại có 03 nhận định khác nhau về giá trị pháp lý của hợp đồng: cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng 180/HĐCN ngày 15/10/1994 giữa ông Th (do nguyên đơn ký thay) với công ty là hợp đồng vô hiệu, cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng này là hợp đồng trái pháp luật và tuyên hủy bỏ, còn cấp giám đốc thẩm cho rằng đây là hợp đồng hợp pháp và có hiệu lực pháp luật. Kết luận thiếu nhất quán của ba cấp xét xử về cùng một vấn đề với những luận điểm rất khác biệt, khiến cho người ta không khỏi nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật và của công tác xét xử. Từ đó, vấn đề thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cần phải được hiểu, giải thích, vận dụng nhất quán hơn.
(2) Một vấn đề pháp lý cần phải được làm rõ là hợp đồng 180/HĐCN ngày 15/10/1994 giữa ông Th (do nguyên đơn ký thay) với Công ty có ghi hiệu lực trước ngày ký hợp đồng (hiệu lực từ 10/10/1994). Như vậy, các bên đã ghi “lùi ngày có hiệu lực” của hợp đồng về trước ngày hợp đồng được giao kết, nhưng vẫn được cấp giám đốc thẩm chấp nhận. Phải chăng điều này là chưa phù hợp với qui định của pháp luật về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (?). Hơn nữa, nếu việc chuyển nhượng này được thực hiện đơn giản như trong vụ án mà vẫn được tòa chấp nhận thì tình trạng lẩn tránh pháp luật sẽ rất khó kiểm soát, nhất là trong chuyển nhượng quyền mua nền nhà tái định cư hoặc liên quan đến việc thu thuế chuyển quyền sử dụng đất sẽ không được đảm bảo thực hiện đúng qui định của pháp luật.[66]
Thiết nghĩ pháp luật cần qui định rõ về vấn đề này, theo hướng không cho phép các bên thỏa thuận lùi thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về trước thời điểm giao kết để “lẩn tránh” pháp luật hoặc xâm phạm tới lợi ích công cộng và quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Trước mắt khi chưa thể sửa đổi ngay qui định trên đây của BLDS 2005, TAND tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để qui định nói trên được nhận thức và áp dụng nhất quán.
3.3. Bất cập trong qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có điều kiện
Như đã phân tích trong phần trên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có điều kiện lệ thuộc vào việc giao kết và sự tồn tại của điều kiện hợp đồng. Một vấn đề quan trọng liên quan đến điều kiện phát sinh hiệu lực của hợp đồng có điều kiện là sự can thiệp của ý chí các bên làm cho điều kiện đó xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn hoặc cản trở làm cho điều kiện đó không thể xảy ra hoặc phải xảy ra không đúng bản chất của nó. Thông thường, mọi sự can thiệp bởi ý chí chủ quan của các bên làm cho sự kiện xuất hiện (xảy ra) hay mất đi (không xảy ra) trái với bản chất khách quan của chúng, thì sự kiện đã xảy được coi như đã không xảy ra, và sự kiện đã không xảy ra sẽ được coi như đã xảy ra. Ngoài ra, pháp luật còn dự liệu các trách nhiệm của các bên trong “thời gian chờ” từ lúc giao kết hợp đồng cho đến khi sự kiện xảy ra hoặc không xảy ra.
Trong thực tiễn xét xử, tòa án các cấp cũng chưa có sự nhận thức nhất quán về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có điều kiện. Ví dụ: Vụ án về “hợp đồng tặng cho nhà đất” tại Bản án số 14/GĐT ngày 26/01/1999 của Tòa Dân sự – TANDTC (Phụ lục số 04). Hợp đồng tặng cho nhà đất giữa cụ Tặng với bị đơn là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Điều kiện ở đây là bên được tặng cho phải làm một số công việc, như nuôi dưỡng người tặng cho khi còn sống, mai táng và cúng giỗ người tặng cho sau khi qua đời. Nội dung, hình thức của hợp đồng tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Thời điểm tặng cho trước 01/7/1980. Quyền sở hữu nhà được chuyển từ cụ Tặng sang cho bị đơn hoàn tất vào 1994.
Nhận xét:
(1) Vấn đề cần phải được xem xét là hợp đồng tặng cho này đã có hiệu lực hay chưa, có hiệu lực từ khi nào, và nguyên đơn có thể đòi lại nhà đã được tặng cho hay không. Cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng hợp đồng này đã có hiệu lực, nên nguyên đơn không thể đòi lại nhà. Cấp giám đốc thẩm cho rằng hợp đồng này chưa có hiệu lực và đáng lý phải bị hủy bỏ. Tuy không công nhận hợp đồng đã có hiệu lực, vì “đây là hợp đồng tặng cho nhà có điều kiện và những điều kiện được đặt ra mới chỉ thực hiện được một phần”, nhưng cấp giám đốc thẩm lại cho rằng, do “ông Ý đã nhận nhà đất, đã làm lại toàn bộ và thực hiện việc chăm sóc vợ chồng cụ Tặng trên một thời gian dài…” “nên cần chấp nhận cho ông Ý được sở hữu, sử dụng ½ nhà đất của cụ Tặng và xem xét việc thanh toán nghĩa vụ, thanh toán chênh lệch tài sản thỏa đáng”. Như vậy, cả ba cấp tòa vẫn chưa có sự thống nhất với nhau về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này.
(2) Theo cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm nhận định vụ việc theo hướng bên được tặng cho đã hoàn thành phần lớn công việc, nên công nhận hợp đồng tặng cho là có hiệu lực, nhưng phần nghĩa vụ còn lại chưa thực hiện xong thì thay thế bằng một nghĩa vụ khác là buộc người có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền để nguyên đơn thực hiện thay nghĩa vụ nuôi dưỡng. Trái lại, cấp giám đốc thẩm cho rằng “nguyên đơn xin hủy hợp đồng là có căn cứ” vì những điều kiện đặt ra “mới được bị đơn thực hiện một phần”, có nghĩa theo cấp đốc thẩm, công việc phải được thực hiện hoàn tất thì hợp đồng mới có hiệu lực. Nhưng cấp giám đốc thẩm cũng thừa nhận là bên được tặng cho đã thực hiện phần lớn nghĩa vụ, nên vẫn công nhận hợp đồng có hiệu lực một phần.
Bởi vì nội dung của các qui định liên quan chưa bao quát hết các trường hợp thực tế, nên việc áp dụng pháp luật của tòa án cần phải linh hoạt để phù hợp với yêu cầu của thực tế và nguyên tắc công bằng. Cách giải quyết của tòa các cấp về vụ án này tuy có thể xem là khá công bằng và có tình, nhưng lại không hoàn toàn đúng luật. Đáng lý phải cho phép bên tặng cho hủy hợp đồng và đòi lại tài sản tặng cho mới đúng. Qua thực tiễn giải quyết vụ này, nếu thừa nhận tính công bằng của hoạt động thực tiễn xét xử, thì cũng có nghĩa là thừa nhận qui định của pháp luật về vấn đề liên quan là còn nhiều bất cập và chưa bao quát hết thực tiễn phổ biến của đời sống. Từ đó, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung qui định của pháp luật hiện hành về nội dung này.
4.1. Sửa đổi, bổ sung Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005 về thời điểm giao kết hợp đồng
Như đã phân tích, nội dung Điều 404 là chưa chặt chẽ do qui định này chỉ dựa trên hình thức giao kết mà không dựa trên phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận. Bố cục các khoản trong điều luật này cũng chưa lô gích, vì việc qui định không theo trình tự đi từ nguyên tắc chung đến các trường hợp cụ thể. Các tình huống dự liệu trong điều luật là chưa đầy đủ, và có phần chưa phù hợp với thực tế đời sống. Để giải quyết những bất cập này, cần phải sửa đổi toàn diện nội dung điều luật và bổ sung những qui định còn thiếu. Từ thực trạng đó, tôi kiến nghị một số giải pháp sau:
4.1.1. Cần xác định đúng nguyên tắc chung của thời điểm giao kết hợp đồng, và thiết kế nội dung này thành khoản 1 Điều 404
Khoản 1 Điều 404 BLDS 2005 hiện hành qui định về trường hợp giao kết với người vắng mặt. Để Điều 404 trở nên hợp lý và lô gích, trước hết, cần sửa đổi kết cấu điều luật theo hướng nguyên tắc chung mang tính phổ biến được qui định trước, và các trường hợp cụ thể, ngoại lệ được qui định sau. Lẽ tất nhiên, trường hợp giao kết trực tiếp, bằng lời là trường hợp phổ biến nhất của thực tiễn đời sống, cần được xem là nguyên tắc chung, thì được qui định trước. Các trường hợp giao kết gián tiếp, hoặc việc trả lời giao kết bằng văn bản, bằng hành vi, hay bằng sự im lặng là những trường hợp ngoại lệ, ít phổ biến hơn và được qui định sau, theo thứ tự giảm dần.
Cụ thể, khoản 1 Điều 404 nên sửa đổi, bổ sung và nên qui định lại như sau: “1. Hợp đồng được giao kết tại thời điểm các bên đã thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phải được giao kết theo hình thức, thủ tục xác định thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm hoàn tất hình thức, thủ tục đó.”
Như vậy, nội dung điều luật đã định ra nguyên tắc chung của thời điểm giao kết hợp đồng là hợp đồng được giao kết khi các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng. Bên cạnh đó, qui định này cũng được trình bày theo hướng mở, làm cơ sở để thiết kế những khoản tiếp theo của điều luật trong việc điều chỉnh những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ: khi các bên đã thỏa thuận xong nội dung hợp đồng, nhưng lại thỏa thuận riêng điều khoản giao kết hợp đồng phụ thuộc vào một thủ tục nhất định, như hợp đồng phải được lập bằng văn bản, hoặc phải được sự phê chuẩn của người có thẩm quyền của bên tham gia đàm phán, thì hợp đồng chỉ được giao kết khi văn bản đó đã được lập đúng thể thức, hoặc khi người có thẩm quyền được xác định đã phê chuẩn.
4.1.2. Sửa đổi, bổ sung qui định về thời điểm giao kết hợp đồng khi hợp đồng được giao kết gián tiếp hoặc khi các bên dành thời gian chờ bên được đề nghị trả lời
Qui định thời điểm giao kết hợp đồng gián tiếp qua các phương tiện thông tin, liên lạc được đưa lên khoản 1 Điều 404, như qui định hiện hành là chưa lô gích. Nội dung của qui định này cũng chưa chặt chẽ. Để khắc phục những bất cập này, cần sửa đổi theo hướng xác định rõ, đây là ngoại lệ của qui định về thời điểm giao kết hợp đồng, và cần bổ sung thêm trường hợp “dành thời hạn để chờ bên được đề nghị trả lời”, đồng thời thiết kế qui định này thành khoản 2 của Điều 404. Về giải pháp, việc giao kết hợp đồng bằng phương thức gián tiếp thường được pháp luật các nước xây dựng trên các học thuyết khác nhau, như thuyết “tống phát”, “tiếp nhận”, “thông đạt”.[67] Tôi đề xuất qui định này vẫn chọn nguyên tắc “tiếp nhận”, tức là xác định thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. Từ lập luận đó, kiến nghị nội dung khoản 2 nên được viết lại như sau:
“2. Khi hợp đồng được giao kết gián tiếp thông qua thư tín hoặc các phương tiện thông tin, liên lạc khác, hoặc tuy được giao kết trực tiếp nhưng một hoặc các bên dành một thời hạn để chờ bên được đề nghị trả lời, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.”
Qui định như vậy tuy khác với quan điểm của Nhật và một số nước theo hệ thống Common Law, do các nước này theo nguyên tắc “tống phát” (hay ‘bày tỏ’) – tức “Postal rule” (hay ‘Mailbox rule’): hợp đồng được giao kết lúc thư trả lời được gửi đi, nhưng quan điểm này lại phù hợp với quan điểm của nhiều quốc gia khác theo hệ thống Châu Âu lục địa, Luật Hợp đồng Trung Quốc, và các tập quán thương mại quốc tế.[68] Cách qui định này cũng phù hợp với bản chất của hợp đồng, vì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên. Hợp đồng chỉ được xác lập khi có sự ưng thuận, tức phải có sự tuyên bố ý chí và có sự gặp gỡ ý chí giữa các bên. Hơn nữa, theo nguyên tắc công bằng, bên được đề nghị là bên “lựa chọn phương thức truyền đạt thông tin và biết rõ phương thức mình chọn có thể có những rủi ro hoặc chậm trễ”, và cũng là bên “có khả năng hơn trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm chấp nhận đến nơi nhận”,[69] nên bên được đề nghị phải là bên phải chịu rủi ro về việc truyền đạt thông tin. Do đó, nếu việc chuyển thư trả lời chấp nhận không đến được với bên đề nghị thì việc trả lời đó coi như chưa có hiệu lực.
4.1.3. Sửa đổi, bổ sung qui định về thời điểm giao kết hợp đồng khi các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản, hoặc khi bên được đề nghị trả lời bằng văn bản
Việc giao kết hợp đồng bằng văn bản trên thực tế là rất phong phú. Thực tiễn pháp lý ở Việt Nam cũng từng có quan niệm cho rằng, văn bản không có nghĩa chỉ là văn bản truyền thống, mà còn bao gồm cả những “tài liệu giao dịch: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng”,[70] thậm chí khái niệm văn bản ngày nay còn bao gồm cả các văn kiện dưới dạng “điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”.[71] Bởi vậy, Điều khoản này cần phân hóa cụ thể, theo hướng xác định các trường hợp giao kết bằng văn bản khác nhau thì thời điểm giao kết hợp đồng có thể không giống nhau, chứ không nên chỉ dự liệu bằng cách “bên sau cùng ký vào văn bản”, như khoản 4 Điều 404 BLDS hiện hành. Thiết nghĩ, qui định này nên dự liệu thời điểm giao kết cả trong các trường hợp giao kết gián tiếp, trên cùng một văn bản; giao kết bằng nhiều văn bản có nội dung giống nhau được mỗi bên lập ra để giao cho bên kia; và trường hợp chỉ có bên được đề nghị trả lời chấp nhận bằng hình thức văn bản dựa trên đề nghị của bên kia (không phân biệt đề nghị có được làm bằng văn bản hay không).
Mặt khác, để tránh sự tranh cãi không cần thiết, qui định này cũng cần giải thích về văn bản có chữ ký hợp lệ của các bên là đủ, mà không cần phải được đóng dấu, cũng như bất kỳ một thủ tục nào khác, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng ngược lại, theo qui định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên. Ngoài ra, các hình thức trả lời bằng thông điệp dữ liệu sẽ được qui định trong luật chuyên ngành. Tất cả các nội dung này được thiết kế thành khoản 3 Điều 404, cụ thể như sau:
“3. Trong trường hợp việc giao kết hợp đồng được các bên xác lập trực tiếp, trên cùng một văn bản, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản; nếu hợp đồng được lập thành nhiều văn bản có nội dung giống nhau, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm mỗi bên đã ký vào văn bản của bên kia. Văn bản được lập chỉ cần các bên hoặc người đại diện hợp pháp của các bên ký tên và ghi rõ họ tên là đủ mà không cần phải có thêm thủ tục nào khác, kể cả việc phải đóng dấu của các bên, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định điều này.
Nếu các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản được gửi qua bưu điện, hoặc phương tiện thông tin, liên lạc khác, hoặc nếu chỉ có trả lời chấp nhận là được làm bằng văn bản, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được văn bản trả lời chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác.
Thời điểm nhận được thông điệp dữ liệu được áp dụng theo qui định của Luật Giao dịch điện tử.”
4.1.4. Bổ sung qui định thời điểm giao kết hợp đồng khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết bằng hành vi cụ thể
Luật hiện hành không dự liệu việc giao kết hợp đồng và trả lời chấp nhận giao kết bằng hành vi cụ thể, mặc dù đây là hình thức giao dịch khá phổ biến trong đời sống. Cách giải quyết vấn đề này có thể bằng nhiều giải pháp khác nhau, với những hệ quả pháp lý khác nhau cần phải được cân nhắc thận trọng. Tôi cho rằng, việc trả lời chấp nhận giao kết bằng hành vi có ba khả năng: bên được đề nghị trả lời ngay bằng hành vi cụ thể; bên được đề nghị trả lời sau một thời gian xác định và có thông báo về việc thực hiện hành vi cụ thể; bên được đề nghị trả lời sau một thời hạn xác định nhưng không thông báo. Về nguyên tắc, việc giao kết là sự gặp gỡ ý chí giữa các bên, nên khi các bên không trao đổi bằng lời nói hay văn bản, mà được thực hiện bằng hành vi cụ thể, thì sự chấp nhận đó phải được thông tin cho bên đề nghị biết, trừ trường hợp bên kia có thể biết được điều này do tập quán thương mại, hoặc do thói quen giao dịch giữa các bên. Việc xác định thời điểm giao kết cũng có hai giải pháp có thể lựa chọn: khi bên được đề nghị đã thực hiện hoàn thành hành vi, hoặc khi bắt đầu thực hiện hành vi. Thiết nghĩ, cần phân biệt các trường hợp khác nhau như sau:
(i) Trả lời ngay: nếu việc trả lời được thực hiện ngay, bằng hành vi cụ thể thì thời điểm giao kết là thời điểm bắt đầu hành vi cụ thể. Ví dụ: khách hàng vào quán gọi thức ăn, tuy không trả lời nhưng chủ quán vẫn vào quán chuẩn bị thức ăn để mang ra cho khách đúng như yêu cầu; hoặc khách hàng lên xe taxi và thông báo địa chỉ để tài xế điều khiển xe đến vị trí xác định…, thì thời điểm giao kết là thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi cụ thể đó: chủ quán cho chuẩn bị món ăn, hoặc tài xế cho xe khởi hành. Nhưng cũng không ít các trường hợp mà do qui ước, hoặc do có thỏa thuận trước, bên được đề nghị phải thực hiện xong những hành vi cụ thể thì hợp đồng mới được giao kết. Ví dụ: bên được hứa thưởng phải đạt được kết quả và bàn giao kết quả đó cho bên hứa thưởng, thì sẽ được trả thưởng: “Trong trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì không công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng” (khoản 1 Điều 592 BLDS 2005). Bởi vậy, trong trường hợp này cần phải qui định theo hướng: nguyên tắc chung là giao kết tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc, trừ những ngoại lệ do pháp luật qui định, hoặc các bên có thỏa thuận khác.
(ii) Trả lời sau một thời hạn: Trong hoàn cảnh bình thường thì hợp đồng giao kết tại thời điểm bên được đề nghị đã bắt đầu thực hiện công việc và bên đề nghị đã nhận được thông báo về thời điểm bắt đầu công việc. Nhưng nếu bên thực hiện công việc không chịu thông báo về việc bắt đầu thực hiện công việc, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm công việc được thực hiện hoàn thành.
(iii) Nếu do ấn định trước trong đề nghị, hoặc do thói quen được xác lập giữa các bên, hoặc do tập quán mà việc chấp nhận bằng hành vi cụ thể không cần phải thông báo, thì hợp đồng giao kết lúc bắt đầu công việc.
Như vậy, nội dung này được thiết kế thành khoản 4 Điều 404, cụ thể như sau:
“4. Trong trường hợp bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng bằng một hành vi cụ thể, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên được đề nghị bắt đầu thực hiện hành vi đó, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
Nếu hợp đồng được giao kết gián tiếp, hoặc tuy giao kết trực tiếp mà một hoặc các bên dành một thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được thông báo của bên được đề nghị về việc bắt đầu thực hiện hành vi cụ thể đó. Nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận bằng việc thực hiện một công việc cụ thể nhưng không thông báo về việc này cho bên đề nghị biết, thì hợp đồng giao kết vào thời điểm hoàn thành công việc.
Nhưng nếu theo đề nghị giao kết hợp đồng, hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên, hoặc theo tập quán, bên được đề nghị có thể chấp nhận đề nghị bằng một hành vi cụ thể mà không cần phải thông báo cho bên đề nghị, thì hợp đồng được giao kết khi bên được đề nghị bắt đầu thực hiện hành vi này.”
4.1.5. Bổ sung qui định về thời điểm giao kết hợp đồng bằng sự im lặng
Im lặng tự nó không phải là sự trả lời chấp nhận. Nhưng có thể do các bên thỏa thuận trước (qui ước trước), do pháp luật qui định, hoặc do thói quen giữa các bên đã được xác lập với nhau, thì im lặng cũng được xem như trả lời chấp nhận, với điều kiện: (i) trong đề nghị của hợp đồng có ấn định thời hạn trả lời, (ii) hết thời hạn ấn định mà bên được đề nghị đã không trả lời, và cũng không hành động gì (không phản đối), thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm đó. Trong qui định này, không nên đưa tập quán vào làm căn cứ để xác định im lặng là giao kết hợp đồng, vì xác định tập quán trong trường hợp này khá phức tạp. Hơn nữa, đã có qui định chung về việc áp dụng tập quán trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự tại Điều 3 BLDS 2005.
Để tránh sự lạm dụng của các thương gia, hạn chế việc xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ quyền tự do kết ước, qui định này cần được loại trừ áp dụng đối với việc quảng cáo hàng hóa, hoặc đề nghị giao kết bằng cách gửi hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng. Như vậy, qui định tại khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 nên được sửa đổi, bổ sung và thiết kế thành khoản 5 Điều 404 (mới), với nội dung như sau:
“5. Theo thỏa thuận, hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên, hoặc pháp luật có qui định im lặng là sự trả lời, và đề nghị giao kết hợp đồng có ấn định thời hạn trả lời, thì hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng. Qui định này không áp dụng đối với việc doanh nghiệp bán hàng có gửi các thông tin quảng cáo hoặc gửi hàng đến địa chỉ giao dịch của người tiêu dùng.”
4.2. Sửa đổi, bổ sung Điều 405 Bộ luật Dân sự 2005 về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Cần bổ sung qui định về thời điểm có hợp đồng lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận. Nguyên tắc tự do hợp đồng cho phép các bên tự do thỏa thuận nội dung của hợp đồng, nhưng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội [BLDS 2005, Điều 128, và khoản 1 Điều 389]. Điều 405 BLDS 2005 cũng qui định các bên có quyền thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy vậy, việc thỏa thuận này cụ thể như thế nào thì lại có nhiều ý kiến tranh cãi. Thực tiễn xét xử về vấn đề này cũng chưa có sự nhất quán. Để có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng qui định này, thiết nghĩ cần làm rõ các vấn đề: các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm do pháp luật qui định hay không, và nếu có thì giới hạn này là tới đâu (?). Tôi cho rằng, nên qui định các bên có quyền thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo nguyên tắc tự do hợp đồng, nhưng cần phân biệt sự khác nhau giữa các trường hợp sau:
– Thứ nhất, thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng muộn hơn thời điểm giao kết, hoặc muộn hơn thời điểm có hiệu lực do pháp luật qui định: trường hợp này về nguyên tắc là được, vì pháp luật không cấm. Thực tiễn pháp lý cho thấy, các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng lùi về sau thời điểm hợp đồng được giao kết hoặc sau thời điểm có hiệu do pháp luật qui định với loại hợp đồng đó. Thời điểm này có thể được cách xác định bằng một mốc thời gian, hoặc bằng một sự kiện pháp lý có thể xảy ra trong tương lai, hoặc bằng một điều kiện nhất định, trừ trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật.
– Thứ hai, thỏa thuận lùi thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về trước, sớm hơn thời điểm giao kết. Ví dụ: hợp đồng được giao kết thực tế vào ngày 10/10/2008, nhưng các bên thỏa thuận trong hợp đồng ngày 10/10/2007 là ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng. Trường hợp này là không thể chấp nhận vì ba lý do sau: (i) Điều này mâu thuẫn với bản chất pháp lý của hợp đồng vì hợp đồng chỉ được xác lập khi các bên thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng, và vì quan hệ hợp đồng giữa các bên chỉ tồn tại khi hợp đồng đã được giao kết; (ii) Việc cho phép các bên tham gia thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng lùi lại trước ngày giao kết hợp đồng có thể phát sinh nhiều hậu quả pháp lý phức tạp, như tạo kẻ hở cho các bên “lẩn tránh” pháp luật (trốn thuế, hợp thức hóa tài sản có nguồn gốc phạm pháp, hợp pháp hóa chứng từ, hóa đơn, rút ngắn thời hiệu khởi kiện, lẩn tránh áp dụng pháp luật Việt Nam hiện hành…), xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của người thứ ba (gây thiệt hại cho người thứ ba ngay tình), trục lợi bất chính từ hợp đồng (ví dụ: trục lợi từ bảo hiểm); (iii) Thực tiễn pháp luật của các nước theo hệ thống Anh – Mỹ cũng không chấp nhận các hợp đồng có thỏa thuận về các nghĩa vụ đối ứng thuộc về quá khứ, mà thực chất là sự thỏa thuận giao kết hợp đồng nhằm tái xác nhận về công việc đã xảy ra trước đó. Ví dụ: A đã rửa xe cho B. Sau đó, B đưa ra cam kết nếu A rửa xe cho B thì B sẽ trả cho A 10 USD. Trường hợp này, B không phải trả cho A 10 USD như đã hứa vì trên thực tế, A đã rửa xe cho B trước khi B hứa trả tiền. Đây là nghĩa vụ đối ứng đã qua (past consideration) nên không có hiệu lực ràng buộc đối với các bên.[72] Đây là một trong những kinh nghiệm rất đáng quan tâm khi xem xét sửa đổi các qui định liên quan nói trên.
Cần phân biệt thỏa thuận dời ngày có hiệu lực của hợp đồng về trước với việc ghi lùi ngày ký hợp đồng. Ví dụ: A thỏa thuận cho B thuê nhà bằng miệng và giao nhà cho B sử dụng ngày 01/01/2008. Đến 30/10/2008, các bên mới làm hợp đồng thuê nhà bằng văn bản, và các bên đã ghi lùi ngày ký hợp đồng về trước đúng thời điểm giao nhà trên thực tế. Mục đích của việc ghi lùi ngày có thể chỉ nhằm xác nhận những giao dịch thực tế đã xảy ra hoặc đang được thực hiện, hoặc để hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục, giấy tờ trong việc thực hiện hợp đồng. Nếu các bên không tranh chấp và không xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người thứ ba, thì thực tế này có thể được chấp nhận, và pháp luật cũng không cần phải điều chỉnh. Nhưng nếu việc ghi lùi ngày ký hợp đồng sớm hơn về trước ngày thực tế ký hợp đồng nhằm để giả tạo, “lẩn tránh” pháp luật, hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật mà các bên có tranh chấp, thì hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu theo qui định chung.[73]
– Thứ ba, việc thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm do pháp luật ấn định: đây là vấn đề pháp lý phức tạp và hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Thiết nghĩ nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng là nguyên tắc tự do hợp đồng. Nhưng cho dù pháp luật có thừa nhận quyền tự do thỏa thuận thì các bên cũng không được đưa ra những thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, hoặc xâm phạm tới lợi ích của nhà nước, lợi ích của công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hơn nữa, đối với các cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực hợp đồng, thì việc kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng có thỏa thuận lùi ngày phát sinh hiệu lực trở về trước thời điểm công chứng, chứng thực là vượt quá khả năng nghiệp vụ, cũng như làm tăng nặng trách nhiệm nghề nghiệp của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực và gây ra các hậu quả pháp lý phức tạp, khó lường. Bởi vậy, luật có thể để các bên tự do thỏa thuận về nội dung hợp đồng, nhưng không nên cho phép thỏa thuận lùi thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về sớm hơn thời điểm mà pháp luật đã ấn định cho loại hợp đồng đó. Ví dụ: hợp đồng tặng cho nhà ở giữa cá nhân với nhau được công chứng vào ngày 10/8/2008, thì không thể thỏa thuận lùi ngày có hiệu lực là 01/01/2008 vì đây là yêu cầu pháp lý tối thiểu để hợp đồng tặng cho nhà có hiệu lực; hoặc hợp đồng cầm cố tài sản được xác lập vào ngày 01/01/2009 (ngày giao tài sản cầm cố), thì không thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực là ngày 01/10/2008.
Từ nhận thức trên, tôi xin đề xuất bổ sung qui định cho phép các bên được thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thiết kế thành khoản 2 (bổ sung) Điều 405, với nội dung cụ thể như sau:
“2. Các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là một thời điểm xác định, nhưng không được sớm hơn thời điểm giao kết hợp đồng theo qui định tại Điều 404 của Bộ luật này. Nếu pháp luật có qui định hợp đồng có hiệu lực tại một thời điểm xác định, thì các bên không được thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sớm hơn thời điểm đó. ”
Như vậy, qui định này cũng cho phép các bên được thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng khác với thời điểm có hiệu lực mà pháp luật đã ấn định cho loại hợp đồng đó, nhưng không được thỏa thuận hiệu lực hồi tố của hợp đồng về sớm hơn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do pháp luật qui định.
Ngoài ra, trong các phân tích về thực trạng pháp luật ở mục 2, tôi còn nêu một số bất cập khác liên quan đến việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp hợp đồng bị vô hiệu tương đối và có tranh chấp, nhưng vẫn được tòa án công nhận, thì hợp đồng có hiệu lực từ khi nào (?), hoặc đối với hợp đồng có điều kiện thì hợp đồng phát sinh hiệu lực khi nào (?). Do dung lượng đề tài không cho phép, nên những vấn đề này sẽ được tiếp tục làm rõ trong các đề tài khác khi điều kiện cho phép.
5.1. Vấn đề thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được BLDS 2005 qui định khá cụ thể và tương đối hoàn chỉnh. BLDS 2005 cũng đã đưa ra nguyên tắc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng: hợp đồng được giao kết hợp pháp thì có hiệu lực đối với các bên từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoặc pháp luật có qui định khác. Ngoài ra, để xác lập căn cứ pháp lý cho việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, BLDS 2005 cũng qui định chi tiết về trình tự giao kết hợp đồng, và đặc biệt là xác định rõ thời điểm giao kết hợp đồng, dựa trên các hình thức khác nhau của hợp đồng.
5.2. Nghiên cứu thực trạng pháp luật về thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cũng cho thấy, các qui định này vẫn còn bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập như: việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng dựa trên yếu tố hình thức của hợp đồng là chưa khoa học, chưa chặt chẽ; nội dung điều luật chưa dự liệu hết các tình huống của thực tiễn đời sống và bố cục điều luật cũng chưa hợp lý; qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo thỏa thuận của các bên vẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.v.v. Thực tiễn xét xử liên quan đến việc xác định thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong một số vụ án vẫn còn lúng túng và chưa có sự nhất quán giữa các cấp tòa án. Từ đó, đòi hỏi cần phải xem xét lại một số qui định liên quan đến việc xác định thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong pháp luật hiện hành, nhất là các qui định trực tiếp trong BLDS 2005, tại các điều 404 và 405 và các qui định khác có liên quan.
5.3. Trên cơ sở nhận thức về một số điểm bất cập như vừa trình bay, trong mục 3 của chuyên đề, tôi đã nêu ra một số ý kiến đề xuất liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung toàn diện qui định tại Điều 404 BLDS 2005, và sửa đổi, bổ sung một phần qui định tại Điều 405 BLDS 2005, với những gợi ý cụ thể về nội dung của từng điều khoản kèm theo. Trong đó, có những đề xuất mà tôi tâm đắc như kiến nghị sửa đổi và bổ sung khoản 2 Điều 404 về giao kết hợp đồng trong trường hợp bên được đề nghị im lặng, bổ sung qui định mới về giao kết hợp đồng thông qua việc bên được đề nghị trả lời bằng hành vi cụ thể và thiết kế qui định này thành khoản 5 (mới) của Điều 405 BLDS 2005.
5.4. Tôi cũng nhận thức rõ ràng rằng, việc bảo đảm hiệu lực ràng buộc của hợp đồng nếu chỉ dựa vào việc qui định chặt chẽ vấn đề thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là chưa đủ, mà còn cần phải tăng cường bổ sung các qui định về nghĩa vụ tiền hợp đồng, như nghĩa vụ bảo mật thông tin và nghĩa vụ giao kết thiện chí. Đây là nội dung chưa được quan tâm đúng mức trong pháp luật hiện hành, rất cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
NCS. Lê Minh Hùng
Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh
- LIÊN HỆ :FANPAGE: https://www.facebook.com/viennghiencuukinhtevaphapluatCẢM ƠN QUÝ BẠN ĐỌC ĐÃ GHÉ THĂM WEDSITE!