Lưu ý: Bạn cần dành khoảng 5 giờ để nghiên cứu học phần này. Nếu bạn không đủ thời gian để nghiên cứu liên tục, bạn có thể tạm dừng sau khi nghe đoạn băng thứ ba.
Học phần 2: Quyền tác giả
Mục tiêu
Sau khi hoàn thành học phần này, bạn có thể:
- Đưa ra được khái niệm về quyền tác giả và lấy một số ví dụ về các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
- Giải thích các quyền được bảo hộ theo quyền tác giả trong khoảng 250 từ (Quyền sao chép, quyền biểu diễn, dịch thuật và phóng tác).
- Mô tả những giới hạn có thể có đối với các quyền nêu ở mục tiêu thứ hai trong khoảng 250 từ.
- Nêu rõ thời hạn bảo hộ quyền tác giả nói chung được quy định trong Công ước Berne, ở Châu Âu và ở Hoa Kỳ.
- Giải thích được cách thức xác lập và chuyển giao quyền tác giả.
- Nêu ra được 5 biện pháp thực thi quyền tác giả.
- Trên cơ sở một tình huống thực tiễn liên quan đến các vấn đề về quyền tác giả, trước hết xác định được các vấn đề và sau đó chỉ ra được những điều ước quốc tế phù hợp điều chỉnh các vấn đề đó.
Giới thiệu
Học phần về quyền tác giả giải thích các đối tượng được bảo hộ theo quyền tác giả, các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả cũng như cách thức sử dụng chúng nhằm mục đích thương mại. Hầu hết các luật liên quan đến quyền tác giả của các nước tham gia ký kết các điều ước quốc tế và các thỏa thuận thương mại là tương tự nhau. Tuy nhiên, để có được câu trả lời chính xác đối với bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến quyền tác giả, bạn cần phải tham khảo các quy định pháp luật của nước bạn. Trong học phần này, bạn sẽ nghiên cứu và nghe giới thiệu về Công ước Berne và Hiệp định TRIPS và các điều ước này sẽ được giảng giải tương đối chi tiết ở cuối học phần này. Còn bây giờ, hãy tạm chấp nhận rằng đây là hai điều ước quốc tế có liên quan nhiều nhất đến quyền tác giả.
Đồng thời, các biện pháp chế tài mà chủ sở hữu quyền tác giả có thể sử dụng để chống lại các hành vi xâm phạm quyền của họ cũng được trình bày. Hầu hết các nước
đều có quy định về các biện pháp chế tài này nhưng bạn cần tìm hiểu luật quốc gia của bạn để biết được các quy định cụ thể liên quan ở nước bạn.
Những đối tượng nào được bảo hộ theo quyền tác giả?
Giống như tất cả các lĩnh vực khác của quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đề cập tới việc bảo hộ các sản phẩm của trí tuệ của con người. Phạm vi quyền tác giả là bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Các tác phẩm này bao gồm tác phẩm văn học, âm nhạc, các tác phẩm mỹ thuật như hội họa, điêu khắc, các tác phẩm dựa trên công nghệ như chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu điện tử.
Lưu ý rằng quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm, đó là sự thể hiện ý tưởng chứ không phải nội dung ý tưởng đó. Vì vậy, nếu bạn tưởng tượng ra một cốt truyện, thì bản thân cốt truyện đó sẽ không được bảo hộ. Ví dụ, cốt truyện của một câu chuyện kể về một đôi nam nữ yêu nhau bất chấp sự khác nhau về thân thế và địa vị xã hội sẽ không được bảo hộ. Các nhà văn khác nhau có thể xây dựng các câu chuyện khác nhau dựa trên cùng một cốt truyện. Nhưng một khi bạn thể hiện cốt truyện đó trong một bản tóm tắt hoặc trong một truyện ngắn hoặc một vở kịch thì sự thể hiện cốt truyện đó sẽ được bảo hộ. Như vậy, vở kịch Romeo và Juliet của Shakespeare chẳng hạn sẽ được coi là một cách thể hiện mang tính sáng tạo cốt truyện đó. Tuy nhiên, các nhà văn khác cũng có thể xây dựng những câu chuyện mới dựa trên cốt truyện tương tự.
Điều 2 của Công ước Berne (1886) – công ước quốc tế lâu đời nhất về quyền tác giả – quy định như sau:
“Thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật” bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kể được thể hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, cuốn sách nhỏ, và các bài viết khác; các bài giảng, bài diễn văn, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch hoặc nhạc kịch, các tác phẩm múa ba-lê hoặc kịch câm; các bản nhạc có lời hoặc không lời; các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, tác phẩm đồ hoạ, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ và in thạch bản; tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh họa, bản đồ, đồ án, bản phác hoạ và các tác phẩm ba chiều về địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học[…..]. Các tác phẩm dịch, mô phỏng, soạn nhạc
hoặc các hình thức chuyển thể khác từ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ như các tác phẩm gốc miễn là không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc. Tuyển tập các tác phẩm văn học và nghệ thuật như các bộ bách khoa toàn thư và các bộ hợp tuyển mà do việc chọn lọc hay sắp xếp nội dung tạo nên sự sáng tạo mang tính trí tuệ cũng được bảo hộ như tác phẩm gốc miễn là không gây phương hại đến quyền tác giả của mỗi tác phẩm tạo nên tác phẩm hợp tuyển hoặc bách khoa toàn thư này.”
Các tác phẩm văn học, nghệ thuật không bắt buộc phải là các tác phẩm hay hoặc có tính nghệ thuật. Tuy nhiên, các tác phẩm phải có tính nguyên gốc. Mỗi nước có quy định khác nhau về nội dung của yêu cầu này và thường được xác định theo luật án lệ. Có thể nói một cách khái quát rằng những nước theo truyền thống luật án lệ có yêu cầu rất đơn giản về vấn đề này, chỉ cần tác phẩm đó không phải là bản sao từ một tác phẩm khác và chứng tỏ là tác giả đã đầu tư một số kỹ năng, công sức và nhận xét, đánh giá tối thiểu để tạo ra tác phẩm đó.
Đối với những nước theo truyền thống luật dân sự thì yêu cầu này thường khắt khe hơn, ví dụ yêu cầu một tác phẩm phải có dấu ấn cá nhân của tác giả. Sự nỗ lực mang tính sáng tạo của tác giả cũng cần phải có và nỗ lực đó có thể không phải là kỹ năng, lao động hay sự nhận xét, đánh giá đơn thuần.
Có phải là chỉ những tác phẩm được liệt kê tại Điều 2 của Công ước Berne mới có thể được bảo hộ?
Cần lưu ý rằng các tác phẩm có khả năng được bảo hộ theo Công ước Berne không bị giới hạn trong những ví dụ nêu trên. Đây không phải là một danh mục đầy đủ. Bạn cần lưu ý rằng Công ước Berne đã nêu rõ rằng “thuật ngữ “các tác phẩm văn học và nghệ thuật” bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kể được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như…”. Cụm từ “chẳng hạn như” đã để ngỏ cho các sáng tạo ngoài những đối tượng được nêu trong danh mục này. Ví dụ, ở nhiều nước, tòa án đã ra phán quyết rằng những đối tượng sau đây cũng được bảo hộ:
- thư riêng;
- tờ hướng dẫn ly hôn;
- kiểu cắt tóc;
- cách trang trí hoa cho một cây cầu;
- cuộc trình diễn bằng ánh sáng và âm thanh;
- đề thi.
Tác phẩm phái sinh là gì?
Một điểm quan trọng nữa trong Điều 2 Công ước Berne là cái thường được gọi là “các tác phẩm phái sinh” cũng được bảo hộ. Đây là các tác phẩm bắt nguồn từ các tác phẩm khác đang tồn tại. Ví dụ về các tác phẩm phái sinh bao gồm:
- bản dịch các tác phẩm sang một ngôn ngữ khác;
- bản phóng tác tác phẩm, ví dụ viết kịch bản một bộ phim dựa theo một cuốn tiểu thuyết;
- bản chuyển nhạc, ví dụ một bản nhạc dành cho dàn nhạc mà ban đầu được viết cho piano;
- các hình thức cải biên khác, ví dụ bản tóm tắt một cuốn tiểu thuyết;
- các tuyển tập các tác phẩm văn học và nghệ thuật, ví dụ các bộ bách khoa toàn thư, hợp tuyển. Trong trường hợp này, tính nguyên gốc nằm ở sự lựa chọn và cách sắp xếp các nội dung của tác phẩm.
Bạn nên lưu ý rằng trước khi cho ra đời một tác phẩm phái sinh, bạn phải tôn trọng quyền tác giả của tác phẩm gốc. Ví dụ, nếu một tác giả muốn dịch một cuốn tiểu thuyết sang một ngôn ngữ khác thì phải được sự cho phép của chủ sở hữu cuốn tiểu thuyết sẽ được dịch. Dịch một tác phẩm mà không có sự cho phép của chủ sở hữu sẽ khiến dịch giả đó rơi vào tình trạng xâm phạm quyền tác giả.
Đoạn băng 1: Những đối tượng nào được bảo hộ theo luật quyền tác giả?
Quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật như được nêu tại tiêu đề của Công ước Berne. Hai khái niệm này cần phải được hiểu theo nghĩa rất rộng. Ví dụ, thuật ngữ văn học không chỉ có nghĩa là gồm các tiểu thuyết, bài thơ hay truyện ngắn mà còn có thể bao gồm cả tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng xe ôtô hay thậm chí là những thứ được viết ra nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được, ví dụ phần mềm máy tính. Mấu chốt của thuật ngữ này nằm ở từ “tác phẩm”. Điều chúng tôi muốn nói là sự thể hiện của con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, nếu tôi có ý tưởng về bức tranh “hoàng hôn trên biển” thì bản thân bức tranh đó là sự thể hiện và sự thể hiện đó sẽ được bảo hộ.
Câu hỏi tự đánh giá
Câu hỏi 1: Sản phẩm trí tuệ quan trọng nào mà diễn giả đã đề cập ở trên không thuộc danh mục các tác phẩm văn học và nghệ thuật theo quy định của Công ước Berne?
Điền câu trả lời của bạn vào ô sau đây:
Nhấp chuột vào đây để biết đáp án
Đáp án câu hỏi 1:
Đối tượng quan trọng nhất không được đề cập trong danh mục được nêu ở đoạn băng trên là chương trình máy tính. Đó là sản phẩm của sáng tạo trí tuệ và được coi là các tác phẩm. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là danh mục trong Công ước Berne không phải là danh mục đầy đủ và hoàn thiện. Điều đó có nghĩa là danh mục này chỉ mang tính minh họa cho bản chất của các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Một thể loại tác phẩm mới xuất hiện gần đây không được nêu trong điều 2 của Công ước Berne, nhưng rõ ràng thuộc nội hàm của khái niệm về sự sáng tạo trong “lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật”, đó là các tác phẩm đa phương tiện. Trong khi chưa có một định nghĩa được chấp nhận về mặt pháp lý thì đã có sự thống nhất rằng sự kết hợp nguyên gốc của âm thanh, văn bản và hình ảnh dưới định dạng kỹ thuật số mà một chương trình máy tính có thể truy cập được là một sự thể hiện và đáp ứng điều kiện để các tác phẩm loại này được bảo hộ theo quyền tác giả.
Quyền tác giả bảo hộ những quyền nào?
Phần giới thiệu Khóa đào tạo đã giải thích rõ rằng đặc điểm quan trọng nhất của quyền tài sản là chủ sở hữu được độc quyền sử dụng quyền đó theo ý muốn của họ và không ai khác được sử dụng quyền đó nếu không có sự cho phép của chủ sở hữu. Tất nhiên, cụm từ “theo ý muốn của họ” không có nghĩa là họ có thể sử dụng quyền đó bất chấp các quyền và lợi ích được thừa nhận hợp pháp của các thành viên khác trong xã hội. Ví dụ, chủ sở hữu của một chiếc ô tô có thể sử dụng chiếc ô tô đó “theo ý muốn của họ” nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể lái chiếc xe đó một cách cẩu thả và gây nguy hiểm cho người khác, hoặc không tuân thủ luật lệ giao thông. Quyền tác giả là một nhánh của quyền sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu quyền tác giả đối với một tác phẩm được bảo hộ có thể sử dụng tác phẩm theo ý muốn của họ và có thể ngăn cấm người khác sử dụng khi chưa được phép. Vì thế, pháp luật quốc gia thường quy định các quyền của chủ sở hữu đối với tác phẩm được bảo hộ là “các độc quyền”: để sử dụng tác phẩm hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm, phù hợp với các quyền và lợi ích được công nhận hợp pháp của người khác.
Quyền tác giả bao hàm hai loại quyền: quyền kinh tế (quyền tài sản), cho phép chủ sở hữu được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm của mình, và quyền nhân thân, cho phép tác giả có những động thái nhất định để bảo vệ mối liên hệ cá nhân giữa tác giả và tác phẩm đó. Bây giờ, chúng ta sẽ nghe đoạn băng tiếp theo và hãy cố gắng phân biệt những quyền kinh tế khác nhau được mô tả trong đó.
Đoạn băng 2: Chủ sở hữu quyền tác giả có những quyền gì?
Chủ sở hữu quyền tác giả có một tập hợp các quyền khác nhau được quy định một phần trong Công ước Berne, trong đó có các quyền tối thiểu và một phần được quy định trong pháp luật quốc gia mà các quyền này thường được quy định chi tiết hơn. Theo truyền thống thì quyền sao chép là quyền then chốt và ngẫu nhiên cũng được phản ánh trong từ chỉ quyền tác giả (copyright – quyền sao chép). Quyền sao chép có thể bao hàm hành vi như in sách – cũng như sao chụp – nhưng cũng có thể bao hàm các phương thức sao chép hiện đại hơn như thu băng đĩa hoặc sao chép băng đĩa. Quyền này bao hàm cả việc lưu giữ tác phẩm trong bộ nhớ máy tính và đương nhiên là bao hàm cả việc sao chép các chương trình máy tính trong ổ đĩa mềm, đĩa CD-ROMS, đĩa CD-ROMS ghi lại được, v.v..
Một loại quyền khác có lịch sử lâu đời là quyền biểu diễn. Bạn biểu diễn một tác phẩm, chẳng hạn khi bạn chơi một bản nhạc, bạn trình diễn trên sân khấu và theo thời gian quyền đó đã dẫn tới nhiều quyền khác, ví dụ quyền phát sóng và quyền truyền đạt tới công chúng. Quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng thường được quy định rất khác nhau theo luật quốc gia của các nước: thực tế thì việc phát sóng có thể là một dạng của truyền đạt tới công chúng, hoặc có thể là hai khái niệm ngang hàng có mối liên hệ với nhau, nhưng về cơ bản bao gồm tất cả các hình thức truyền đạt, trong đó có hình thức phát sóng và có thể bao gồm cả việc phân phối qua dây cáp cũng như phân phối qua Internet.
Câu hỏi tự đánh giá
Câu hỏi 2: Hai loại quyền nào được nêu trong đoạn băng trên? Hãy nêu ra một ví dụ về mỗi loại quyền đó
Điền câu trả lời của bạn vào ô sau đây:
Nhấp chuột vào đây để biết đáp án
Đáp án câu hỏi 2:
Hai loại quyền được nêu trong đoạn băng là:
Quyền sao chép – ví dụ, quyền đối với việc sao chụp, sao bằng hình thức in và sao băng từ.
Quyền liên quan đến việc biểu diễn, v.v – ví dụ, quyền biểu diễn tác phẩm, ví dụ một bài hát và quyền truyền đạt tác phẩm đó tới công chúng cũng như quyền
phát sóng.
Một nhóm các quyền quan trọng khác không được nêu trong đoạn băng trên là các quyền liên quan tới việc dịch và phóng tác.
Tất cả các quyền này sẽ được trình bày ở ba phần dưới đây
Quyền sao chép
Quyền ngăn cản người khác sao chép các tác phẩm của họ là quyền cơ bản nhất trong quyền tác giả. Ví dụ, việc làm các bản sao của một tác phẩm được bảo hộ là hành vi được thực hiện bởi một nhà xuất bản có mong muốn phân phối các bản sao một tác phẩm dưới dạng văn bản tới công chúng, cho dù đó là bản sao dưới dạng in hay dưới dạng phương tiện truyền thông kỹ thuật số như CD-ROMS. Tương tự, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm để sản xuất và phân phối đĩa compắc (CD) có chứa các chương trình biểu diễn âm nhạc đã được ghi âm một phần dựa trên sự cho phép của tác giả của những tác phẩm âm nhạc đó để sao chép tác phẩm của họ dưới dạng ghi âm. Vì thế, quyền kiểm soát hành vi sao chép là cơ sở pháp lý đối với mọi hình thức khai thác các tác phẩm được bảo hộ.
Ngoài quyền cơ bản là quyền sao chép còn có các quyền khác được thừa nhận trong pháp luật quốc gia. Ví dụ, một số luật quy định quyền cho phép phân phối bản sao tác phẩm; đương nhiên quyền sao chép sẽ chỉ mang lại giá trị kinh tế rất nhỏ nếu chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền đối với việc phân phối các bản sao được làm ra trên cơ sở sự cho phép của họ. Quyền phân phối thường liên quan tới tình trạng hết quyền sau lần bán đầu tiên hoặc chuyển giao quyền sở hữu bản sao được làm ra với sự cho phép của chủ sở hữu quyền. Điều đó có nghĩa là sau khi chủ sở hữu quyền tác giả đã bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu theo cách khác một bản sao cụ thể của một tác phẩm thì chủ sở hữu bản sao đó có quyền định đoạt nó mà không cần có sự cho phép tiếp theo của chủ sở hữu quyền tác giả đó, chẳng hạn như bằng cách vứt bỏ hoặc thậm chí là bán lại.
Tuy nhiên, đối với việc cho thuê các bản sao này, ngày càng có nhiều luật quốc gia về quyền tác giả cũng như Hiệp định TRIPS thừa nhận một loại quyền riêng biệt đối với chương trình máy tính, các tác phẩm nghe nhìn và bản ghi âm. Quyền cho thuê được biện minh là vì sự tiến bộ của công nghệ đã làm cho việc sao chép các tác phẩm này trở nên rất dễ dàng; kinh nghiệm của một số nước đã cho thấy khách hàng của các cửa hàng cho thuê thường tiến hành sao chép và do vậy quyền kiểm soát các hoạt động cho thuê là vô cùng cần thiết để bảo vệ quyền sao chép của chủ sở hữu quyền tác giả. Cuối cùng, một số luật về quyền tác giả quy định quyền kiểm soát việc nhập khẩu các bản sao như một phương tiện nhằm hạn chế sự xói mòn của nguyên tắc lãnh thổ của quyền tác giả, đó là các lợi ích kinh tế của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị đe dọa nếu họ không thể thực thi quyền sao chép và quyền phân phối theo nguyên tắc lãnh thổ.
Một số hành vi sao chép tác phẩm thuộc ngoại lệ của quy định chung, vì những hành vi này không cần đến sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền, hay còn gọi là “các giới hạn” quyền. Ví dụ, theo truyền thống, nhiều luật quốc gia cho phép các cá nhân được làm một bản sao duy nhất phục vụ cho mục đích cá nhân và phi thương mại. Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số tạo ra khả năng làm các bản sao trái phép các tác phẩm với chất lượng rất cao, khó kiểm soát, và gần như không thể phân biệt được với bản gốc (vì thế có thể là đối tượng thay thế hoàn hảo cho việc mua bản sao hợp pháp hoặc cách tiếp cận hợp pháp khác với bản sao hợp pháp) đã đặt ra câu hỏi là cần phải tiếp tục chứng minh cho tính hợp lý của giới hạn quyền sao chép.
Quyền biểu diễn, phát sóng và truyền đạt tới công chúng
Thông thường, theo luật pháp quốc gia, biểu diễn trước công chúng được coi là hình thức biểu diễn tác phẩm bất kỳ tại nơi công chúng có mặt hoặc có thể có mặt hoặc không phải là địa điểm công cộng nhưng có một số lượng người đáng kể không phải là những người trong phạm vi gia đình hoặc quan hệ xã hội thân thiết có mặt.
Trên cơ sở quyền biểu diễn trước công chúng, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể cho phép biểu diễn trực tiếp tác phẩm, ví dụ như trình diễn một vở kịch ở nhà hát hoặc trình diễn một bản nhạc giao hưởng trong phòng hòa nhạc. Biểu diễn trước công chúng cũng bao gồm cả việc trình diễn thông qua hình thức ghi âm, ghi hình; vì vậy, các tác phẩm âm nhạc được ghi trong các bản ghi âm cũng được coi là “được biểu diễn trước công chúng” khi bản ghi âm đó được mở trên các thiết bị khuyếch đại ở những nơi như phòng nhảy disco, máy bay hay các trung tâm mua sắm.
Quyền phát sóng bao gồm hình thức truyền đạt bằng phương tiện không dây tới công chúng nằm trong phạm vi phủ tín hiệu mà với thiết bị của họ (radio, tivi hoặc vệ tinh) sẽ cho phép nhận âm thanh hoặc âm thanh và hình ảnh.
Khi một tác phẩm được truyền đạt tới công chúng, một tín hiệu được khuyếch tán qua dây điện hoặc cáp và chỉ những người truy cập vào thiết bị nối với hệ thống dây điện và cáp đó mới nhận được.
Theo Công ước Berne, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền cho phép biểu diễn, phát sóng và truyền đạt tác phẩm của họ tới công chúng. Một số luật quốc gia quy định, trong những trường hợp nhất định, độc quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền đó có thể được thay thế bằng quyền được nhận một khoản đền bù hợp lý, mặc dù giới hạn về quyền phát sóng này là không phổ biến.
Quyền dịch và phóng tác
Việc dịch và phóng tác một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đó. Dịch có nghĩa là việc thể hiện một tác phẩm bằng một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của tác phẩm gốc. Phóng tác thường được hiểu là sự chuyển thể từ tác phẩm này thành tác phẩm khác, ví dụ chuyển thể một cuốn tiểu thuyết thành một tác phẩm điện ảnh, hoặc thay đổi một tác phẩm sao cho phù hợp với các điều kiện khai thác khác nhau, ví dụ cải biên một cuốn sách hướng dẫn được soạn dành cho bậc học cao hơn thành cuốn sách hướng dẫn cho sinh viên ở bậc học thấp hơn.
Các tác phẩm dịch và phóng tác cũng được bảo hộ quyền tác giả. Vì vậy, để sao chép và công bố một tác phẩm dịch hoặc tác phẩm phóng tác thì phải có sự cho phép của cả chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc cũng như chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm dịch hoặc tác phẩm phóng tác.
Các quyền kinh tế được đề cập ở trên có thể được chuyển giao hoặc chuyển nhượng cho chủ sở hữu khác để có một khoản tiền trọn gói hoặc phí chuyển giao, tuỳ thuộc vào cách sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, quyền nhân thân không bao giờ có thể chuyển nhượng được. Quyền này luôn được gắn liền với tác giả của tác phẩm.
Bây giờ, chúng ta hãy nghe đoạn băng tiếp theo nói về quyền nhân thân.
Đoạn băng 3: Vậy thực chất thì quyền nhân thân là gì?
Các quyền tôi vừa đề cập ở trên được gọi là quyền kinh tế. Quyền nhân thân thì khác: quyền nhân thân bao gồm 2 quyền, trong đó quyền thứ nhất là quyền được đứng tên là tác giả. Đó là quyền khẳng định địa vị tác giả đối với một tác phẩm và được thừa nhận là tác giả. Về cơ bản, đó là quyền được nêu tên của bạn, ví dụ khi tác phẩm được sao chép. Nếu bạn viết ra một cuốn sách, thì khi đó pháp luật cho phép bạn có quyền được đứng tên trên tác phẩm đó và được nêu tên với tư cách là tác giả khi tác phẩm được sử dụng, ít nhất là trong giới hạn có thể chấp nhận được. Chúng ta không thể hi vọng một người giới thiệu đĩa hát (DJ) trong phòng nhảy disco giới thiệu người sáng tác, người viết lời, người soạn nhạc, v.v., trong mỗi lần mở đĩa; nhưng nếu bạn chơi một bản nhạc trong phòng hòa nhạc – một buổi hòa nhạc cổ điển về những bản nhạc hiện đại – thì rõ ràng tác giả sẽ được nêu danh trong chương trình. Chắc chắn đây là một thông lệ đối với những tác phẩm quan trọng hơn như những tác phẩm được biểu diễn ở nhà hát hoặc phòng hòa nhạc mặc dù về nguyên tắc chúng ta phải nêu tên tác giả đối với mọi loại tác phẩm. Điều này cũng đúng trong một số trường hợp liên quan tới phát sóng, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Quy định chi tiết về những vấn đề này được điều chỉnh theo luật quốc gia và thường có sự tham khảo từ thực tiễn hoặc tiền lệ.
Quyền nhân thân là quyền được tôn trọng, đó là quyền phản đối sự xuyên tạc một tác phẩm hoặc sử dụng tác phẩm theo cách có thể gây phương hại tới danh dự và uy tín về văn học và nghệ thuật của tác giả. Ví dụ, tác giả có thể phản đối việc sử dụng tác phẩm của mình vì mục đích khiêu dâm, nếu bản thân tác phẩm đó không mang tính khiêu dâm. Tác giả cũng có thể phản đối sự xuyên tạc tác phẩm theo cách làm ảnh hưởng xấu đến tính toàn vẹn về văn hoá và nghệ thuật của tác phẩm.
Câu hỏi tự đánh giá
Câu hỏi 3: Giả sử bạn trở thành một nghệ sĩ xuất chúng vì một tác phẩm của bạn đã được ca ngợi trên toàn thế giới, một tác phẩm được coi như một sự cống hiến cho việc bảo tồn thiên nhiên và sau đó bạn phát hiện tác phẩm của mình đang bị một nhóm chính trị ủng hộ cho việc phát triển các sinh vật biến đổi gen bôi nhọ và sử dụng mà không được bạn cho phép. Bạn sẽ làm gì?
Điền câu trả lời của bạn vào ô sau đây:
Nhấp chuột vào đây để biết đáp án:
Đáp án câu hỏi 3:
Nếu bạn còn giữ các quyền kinh tế liên quan, bạn có thể ngăn cấm việc sử dụng trên cơ sở những quyền này. Nếu bạn đã chuyển nhượng các quyền này trước khi hành vi sử dụng trái phép này diễn ra thì bạn vẫn có thể yêu cầu dừng việc sử dụng này bằng quyền nhân thân liên quan tới quyền được tôn trọng.
Bây giờ, bạn cần biết những loại hình tác phẩm văn học và nghệ thuật nào được bảo hộ quyền tác giả và các quyền mà chủ sở hữu quyền tác giả có được và có thể bạn sẽ thắc mắc là làm thế nào để tác giả của tác phẩm đó có được quyền tác giả. Hãy lắng nghe đoạn băng tiếp theo để tìm hiểu về vấn đề này.
Đoạn băng 4: Bạn có thể cho chúng tôi biết đôi điều về việc làm thế nào để có được quyền tác giả không?
Đương nhiên rồi, thực tế thì điều này rất đơn giản. Theo Công ước Berne, bạn không phải làm gì, nghĩa là về nguyên tắc không có thủ tục nào cả. Về cơ bản, tác phẩm của bạn được bảo hộ nhờ sự sáng tạo. Tuy nhiên, một số luật quốc gia, đặc biệt là một số nước theo truyền thống luật án lệ, quy định rằng tác phẩm của bạn phải được định hình trước khi được bảo hộ.
Được định hình, nghĩa là như thế nào?
Nghĩa là được viết ra hoặc được ghi lại. Thậm chí bạn không phải tự mình ghi
lại: nếu bạn sáng tác một giai điệu, ngân nga giai điệu đó trên phố và tôi cố gắng thu
âm giai điệu đó thì như vậy là nó đã được định hình. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là
giai điệu đó sẽ được bảo hộ, và sau đó nếu tôi sử dụng bản ghi âm giai điệu của bạn
hoặc sao chép tiếp bản ghi âm đó thì coi như tôi đã xâm phạm quyền tác giả của bạn.
Sự khác nhau ở đây thực sự không quan trọng lắm; về cơ bản, vấn đề là loại chứng cứ
mà bạn cần phải đưa ra trước tòa đối với một số tác phẩm không được định hình theo
cách thông thường, ví dụ như cuộc trình diễn ba lê. Ngày nay, bạn có thể định hình
một bản múa balê trong cuốn video và thậm chí sử dụng cách viết đặc biệt để xây
dựng một vở ba lê, nhưng vấn đề này vẫn chưa có được một kết luận chính thức. Vấn đề nảy sinh là nếu bạn tuyên bố rằng bạn đã sáng tạo ra phong cách múa ba lê đó và ai đó đã trình diễn nó. Trong trường hợp đó thẩm phán sẽ tuyên bố rằng, “Vậy thì hãy chứng minh cho tôi rằng tác phẩm của anh có tồn tại”. Nếu tác phẩm đó không được thể hiện ở dạng vật chất nào đó thì sẽ khó có được chứng cứ. Còn ở các nước theo hệ thống luật dân sự, tác phẩm sẽ được bảo hộ ngay từ thời điểm tác phẩm đó được tạo ra. Ngay cả khi bạn mới chỉ nghĩ ra một bài thơ trong đầu, thì bài thơ cũng đã được bảo hộ. Vấn đề là bạn phải chứng minh bài thơ bạn đã nghĩ ra, bạn đã sáng tác như thế nào v..v… Mặt khác, theo luật án lệ, bạn phải định hình tác phẩm đó theo một cách thức nào đó, có thể là viết ra hoặc thu vào một cuốn băng.
Có nơi nào trên thế giới quy định rằng bạn phải tuân theo những thủ tục nhất định để có được quyền tác giả không?
- các nước thành viên Công ước Berne, tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tác giả nước ngoài thuộc các nước thành viên khác của Công ước Berne đáp ứng điều kiện để được bảo hộ theo Công ước Berne đều không phải thực hiện bất cứ yêu cầu nào về mặt thủ tục, do vậy không cần phải đăng ký. Một số nước áp đặt các thủ tục này đối với công dân của họ và họ có thể làm như vậy vì các điều ước quốc tế chỉ đề cập đến vấn đề đối xử với công dân nước khác như thế nào. Về nguyên tắc, một quốc gia có thể đối xử với công dân của mình theo cách mà họ cho là hợp lý, ví dụ Hoa Kỳ trước đây có quy định một mặt yêu cầu phải đăng ký tác phẩm với Cơ quan Bản quyền thuộc Thư viện của Quốc hội, mặt khác yêu cầu phải tuyên bố về quyền tác giả thông qua hình thức thông báo về giữ bản quyền, đó chính là chữ cái “c” nằm trong vòng tròn (©) mà bạn có thể bắt gặp ở hầu hết các cuốn sách, kèm theo năm xuất bản tác phẩm lần đầu tiên.
Những quy định này đặc biệt quan trọng đối với các tác phẩm của Hoa Kỳ. Vì thế, đối với các tác phẩm của Hoa Kỳ, cần phải xem xét kỹ các yêu cầu cụ thể của Hoa Kỳ; hơn nữa, các tác phẩm nước ngoài có thể đáp ứng điều kiện để có được sự bảo hộ vượt khỏi phạm vi của Công ước Berne, do vậy đối với những tác phẩm nhất định có sự quan tâm đặc biệt của thị trường Hoa Kỳ thì cần phải đặc biệt lưu ý những yêu cầu về việc đăng ký của nước này. Hãy làm việc đó trong chừng mực có thể vì dù sao sự bảo hộ cũng có ngay từ đầu, do vậy không cần phải làm bất kỳ việc gì và điều này được áp dụng cho mọi nước thành viên Công ước Berne.
Câu hỏi tự đánh giá
Câu hỏi 4: Tưởng tượng rằng bạn là công dân của một trong số các nước thành viên của Công ước Berne và bạn sáng tác ra một tác phẩm văn học. Bạn phải thực hiện những thủ tục nào để có được quyền tác giả đối với tác phẩm đó?
Điền câu trả lời của bạn vào ô sau đây:
Nhấp chuột vào đây để biết đáp án
Đáp án câu hỏi 4:
Nói chung là rất đơn giản: không cần phải làm gì cả. Công ước Berne dựa vào nguyên tắc phi thủ tục, sáng tạo ra đồng nghĩa với việc được bảo hộ.
Phần lớn các quốc gia theo hệ thống luật án lệ đặt ra yêu cầu về việc định hình tác phẩm: một tác phẩm phải được viết ra hoặc được ghi lại. Các điệu múa balê là một ví dụ, ban đầu được ghi ký hiệu trong bản ghi ký hiệu khiêu vũ và bây giờ thường chỉ cần thu băng video.
- các nước theo hệ thống luật dân sự, các tác phẩm được bảo hộ kể từ khi được tạo ra và tất nhiên điều này sẽ đặt ra vấn đề là phải chứng minh trước tòa về sự sáng tạo đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật quốc gia có thể có các quy định về thủ tục để được bảo hộ đối với công dân của nước đó. Ở các nước tham gia Công ước Berne, tất cả các chủ sở hữu quyền nước ngoài thuộc các quốc gia thành viên khác của Công ước Berne đều được bảo hộ mà không phải thực hiện thủ tục nào (không cần đăng ký).
Chuyển giao quyền tác giả
Đối với nhiều tác phẩm sáng tạo được bảo hộ quyền tác giả, cần phải có đầu tư kinh phí và các kỹ năng chuyên nghiệp để sản xuất, phổ biến cũng như phân phối rộng rãi. Các hoạt động như xuất bản sách, thu âm hoặc sản xuất phim thường do các tổ chức hoặc công ty kinh doanh chuyên nghiệp thực hiện mà không phải do tác giả trực tiếp thực hiện. Thông thường, tác giả và người sáng tạo ra tác phẩm chuyển giao quyền cho các công ty này thông qua các thỏa thuận hợp đồng và nhận được khoản bồi thường. Có nhiều cách bồi thường khác nhau, ví dụ bồi thường dưới hình thức một khoản tiền trọn gói hoặc phí chuyển giao dựa trên phần trăm thu nhập từ tác phẩm.
Có thể chuyển giao (chuyển nhượng) tất cả hoặc một số các quyền kinh tế (gọi là chuyển nhượng một phần). Ví dụ, tác giả một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh có thể bán cho nhà xuất bản quyền nhân bản (sao chép) và quyền phân phối, cũng như quyền dịch và quyền phóng tác tiểu thuyết đó. Nhưng tác giả cũng có thể lựa chọn cách thức khác: anh ta có thể chuyển nhượng các quyền này cho nhiều người khác nhau. Vì vậy tác giả của một cuốn tiểu thuyết có thể chuyển nhượng quyền để công bố hoặc nhân bản tiểu thuyết gốc được viết bằng tiếng Anh cho một nhà xuất bản khác. Anh ta có thể chuyển nhượng quyền dịch một cuốn tiểu thuyết sang tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng
- rập chẳng hạn cho ba nhà xuất bản khác. Ngoài ra, anh ta có thể chuyển nhượng quyền phóng tác (chuyển thể) cuốn tiểu thuyết đó thành một bộ phim (hoặc một vở opera hoặc vở kịch) cho người khác.
Có thể chuyển nhượng quyền cho một khoảng thời gian và trong một phạm vi lãnh thổ nhất định hoặc trong toàn bộ thời hạn bảo hộ quyền tác giả và trên toàn thế giới. Vì vậy, chủ sở hữu quyền tác giả của một cuốn tiểu thuyết có thể chuyển nhượng cho một nhà xuất bản quyền xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Anh ở một lãnh thổ nhất định, ví dụ Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian là 20 năm. Hoặc anh ta có thể quyết định chuyển nhượng quyền xuất bản cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh trên toàn thế giới cho cùng một người và trong suốt thời hạn hiệu lực của quyền tác giả đối với tiểu thuyết đó. Ở đây có nhiều cách kết hợp và điều này phụ thuộc vào sự thương lượng giữa các bên.
Như chúng ta đã thấy, việc chuyển nhượng quyền tác giả mang lại những hệ quả có ý nghĩa quan trọng đối với tác giả. Về mặt pháp lý, người được chuyển nhượng được hưởng quyền trên cơ sở thỏa thuận. Vì thế, người được chuyển nhượng trở thành chủ sở hữu mới của các quyền này trong khoảng thời gian và trong phạm vi lãnh thổ đã thoả thuận. Vì vậy, điều quan trọng là tác giả phải nhận thức được những hệ quả của việc này. Đó là lý do tại sao luật quyền tác giả của nhiều quốc gia quy định rằng để có hiệu lực, việc chuyển nhượng phải được làm thành văn bản và phải được bên chuyển nhượng ký. Quy định này đảm bảo rằng tác giả hiểu rõ được các quyền mà anh ta chuyển nhượng với giá chuyển nhượng và những điều kiện chuyển nhượng cụ thể nào đó.
Một câu hỏi tiếp theo mà bạn có thể đặt ra là một khi bạn đã có quyền tác giả đối với một tác phẩm thì tác phẩm của bạn sẽ được bảo hộ trong thời gian bao lâu?
Đoạn băng 5: Thực sự thì quyền tác giả được bảo hộ trong thời hạn bao lâu?
Về nguyên tắc, thời hạn bảo hộ quyền tác giả do pháp luật quốc gia quy định, nhưng theo Công ước Berne thì thời hạn này tối thiểu là 50 năm. Thời hạn này được tính từ thời điểm kết thúc năm mà tác giả qua đời mà cụ thể hơn là: bạn không cần phải để ý đến ngày tác giả mất mà chỉ cần biết năm tác giả mất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có xu hướng kéo dài thời hạn bảo hộ. Đối với Liên minh Châu Âu hay các nước nằm trong khu vực kinh tế Châu Âu thì hiện nay thời hạn bảo hộ là 70 năm kể từ khi kết thúc năm mà tác giả qua đời, pháp luật Hoa Kỳ cũng áp dụng quy định tương tự – vì thế thời hạn bảo hộ cũng là 70 năm. Vì vậy, có xu hướng là thời hạn bảo hộ được kéo dài từ 50 thành 70 năm.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng Công ước Berne quy định trong một số trường hợp, thời hạn bảo hộ ít hơn 50 năm kể từ năm tác giả mất. Ví dụ, đối với các tác phẩm nhiếp ảnh hay tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, thời hạn bảo hộ tối thiểu là 25 năm kể từ khi tạo ra tác phẩm.
Câu hỏi tự đánh giá
Câu hỏi 5: Thời hạn bảo hộ tối thiểu đối với quyền tác giả theo Công ước Berne là bao lâu? Cho đến nay, thời hạn này thay đổi như thế nào?
Điền câu trả lời của bạn vào ô sau đây:
Nhấp chuột vào đây để biết đáp án.
Đáp án câu hỏi 5:
Theo Công ước Berne, thời hạn bảo hộ tối thiểu là 50 năm tính từ thời điểm kết thúc năm mà tác giả qua đời. Ở một số nước, thời hạn này được kéo dài hơn, như các nước thuộc Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ quy định thời hạn bảo hộ là 70 năm tính từ thời điểm kết thúc năm mà tác giả mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thời hạn bảo hộ theo Công ước Berne ngắn hơn 50 năm khi tác giả mất.
Bây giờ là lúc để bạn xem xét một số giới hạn chung đối với quyền của chủ sở hữu quyền tác giả theo luật quốc gia của một số nước.
Giới hạn quyền
Nói đúng ra, giới hạn đầu tiên là việc loại một số loại hình tác phẩm khỏi phạm
- bảo hộ quyền tác giả. Như bạn đã biết, ở một số nước tác phẩm sẽ không được bảo hộ nếu chúng không được định hình dưới dạng hữu hình; ví dụ, một tác phẩm múa balê sẽ chỉ được bảo hộ nếu những động tác được viết thành ký hiệu múa hoặc ghi vào băng video. Ngoài ra, ở một số nước (không phải tất cả), các văn bản pháp luật, các quyết định hành chính và quyết định của tòa án không được bảo hộ quyền tác giả.
Loại giới hạn thứ hai đối với quyền của tác giả và các chủ sở hữu khác của quyền tác giả liên quan đến các hành vi khai thác cụ thể mà thường là cần phải có sự cho phép của chủ sở hữu quyền nhưng trong một số trường hợp được quy định trong luật lại có thể được thực hiện mà không cần xin phép. Có hai loại giới hạn cơ bản theo dạng này:
15
- Sử dụng tự do, đó là các hành vi khai thác tác phẩm có thể được thực hiện mà không cần xin phép và không phải trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền;
- Li-xăng bắt buộc, theo đó các hành vi khai thác có thể được thực hiện mà không cần xin phép, nhưng có nghĩa vụ trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền.
Các ví dụ về việc sử dụng tự do bao gồm: trích dẫn một tác phẩm được bảo hộ, với điều kiện phải nêu nguồn của đoạn trích, bao gồm cả tên tác giả và mức độ trích dẫn phù hợp với thông lệ; sử dụng các tác phẩm để minh họa cho bài giảng; và sử dụng tác phẩm để đưa tin. Đối với quyền sao chép, Công ước Berne đưa ra một nguyên tắc chung chứ không nêu ra các giới hạn cụ thể: Điều 9(2) quy định rằng các nước thành viên có thể quy định việc tự do sao chép trong “một số trường hợp cụ thể nhất định” nếu sự sao chép đó không làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của tác giả. Như đã đề cập ở trên, luật của nhiều nước cho phép sao chép một tác phẩm dành riêng cho việc sử dụng cá nhân và phi thương mại của các cá nhân. Tuy nhiên, khả năng có thể tạo ra các bản sao một cách dễ dàng và với chất lượng cao thông qua phương thức ghi âm hoặc ghi hình và thậm chí là những tiến bộ kỹ thuật mới đây đã dẫn đến việc một số nước thu hẹp phạm vi của những quy định này. Một số hệ thống pháp luật cho phép sao chép nhưng kết hợp chặt chẽ với một cơ chế trả thù lao cho chủ sở hữu quyền vì gây ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế của họ thông qua khoản phí được tính vào tiền bán băng đĩa ghi âm và đĩa ghi hình trắng.
Ngoài các hành vi sử dụng tự do cụ thể được liệt kê trong luật quốc gia, luật pháp của một số nước thừa nhận khái niệm sử dụng hợp lý hoặc đối xử hợp lý, cho phép sử dụng các tác phẩm không cần xin phép chủ sở hữu quyền, có tính đến các yếu tố như: bản chất và mục đích của việc sử dụng, kể cả việc liệu việc sử dụng đó có vì mục đích thương mại hay không; phần tác phẩm được sử dụng so với tổng thể toàn bộ tác phẩm; và tác động có thể có của việc sử dụng đến giá trị thương mại tiềm năng của tác phẩm.
Như đã nêu ở trên, các li-xăng bắt buộc cho phép sử dụng tác phẩm trong một số trường hợp nhất định không phải xin phép chủ sở hữu quyền nhưng theo quy định của luật pháp thì phải trả tiền thù lao cho việc sử dụng đó. Các li-xăng này được gọi là “bắt buộc” bởi vì chúng được luật pháp cho phép nhưng không phải là kết quả của việc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện độc quyền của mình cho phép thực hiện các hành vi đó. Thông thường, li-xăng bắt buộc xuất hiện trong những trường hợp khi một công nghệ mới để phổ biến tác phẩm đến công chúng xuất hiện, và khi cơ quan lập pháp quốc gia lo ngại rằng các chủ sở hữu quyền có thể ngăn cản việc phát triển công nghệ mới thông qua việc từ chối cho phép sử dụng các tác phẩm. Điều này là phù hợp với Công ước Berne, trong đó thừa nhận hai hình thức li-xăng bắt buộc: thứ nhất là, cho phép sao chép một cách cơ học đối với tác phẩm âm nhạc và thứ hai là đối với phát sóng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngày càng có nhiều ý kiến đòi hỏi phải có sự biện hộ thoả đáng cho quy định về li-xăng bắt buộc vì hiện nay đã có những phương thức lựa chọn thay thế có hiệu quả cho việc đưa tác phẩm đến với công chúng dựa trên sự cho phép của chủ sở hữu quyền, trong đó có hình thức quản lý tập thể đối với các quyền.
Bất kể tình trạng liên quan đến quyền tác giả ở nước bạn như thế nào thì cũng không thể tránh khỏi các tình huống trong đó quyền tác giả bị xâm phạm, do đó điều quan trọng là phải xem xét các biện pháp chế tài mà chủ sở hữu quyền tác giả có thể áp dụng.
Thực thi quyền
Công ước Berne có rất ít quy định về thực thi quyền, nhưng những tiêu chuẩn thực thi quốc gia và quốc tế mới đã bùng nổ mạnh trong những năm gần đây do hai nhân tố cơ bản. Nhân tố thứ nhất là những tiến bộ vượt bậc của những phương tiện kỹ thuật để tạo ra và sử dụng (cả hợp pháp và phi pháp) đối tượng được bảo hộ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số tạo khả năng truyền và tạo các bản sao có chất lượng cao đối với mọi “thông tin” dưới dạng kỹ thuật số, bao gồm cả các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, ở mọi nơi trên thế giới. Nhân tố thứ hai là sự gia tăng tầm quan trọng về mặt kinh tế của sự di chuyển của hàng hóa và dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế; hoạt động thương mại các sản phẩm chứa quyền sở hữu trí tuệ hiện tăng vọt và mang tính toàn cầu. Hiệp định TRIPS bao gồm các quy định cụ thể về thực thi quyền là bằng chứng rõ ràng về mối liên kết mới giữa sở hữu trí tuệ và thương mại. Những nội dung dưới đây nhận diện và tóm tắt một số quy định về thực thi trong luật pháp quốc gia hiện nay mà có thể được phân chia thành các loại sau: các biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp tạm thời; các chế tài dân sự; các chế tài hình sự; các biện pháp được áp dụng ở biên giới; và các thủ tục, biện pháp, chế tài chống lại việc lạm dụng các phương tiện kỹ thuật.
Các biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp tạm thời có hai mục đích: thứ nhất là ngăn chặn không để xảy ra hành vi xâm phạm, đặc biệt là ngăn chặn việc đưa hàng hóa xâm phạm vào các kênh lưu thông thương mại, trong đó có việc đưa hàng hóa nhập khẩu vào lưu thông sau khi hoàn thành thủ tục hải quan; và thứ hai là bảo vệ chứng cứ liên quan đến hành vi bị nghi ngờ là xâm phạm. Do đó, ở một số nước, các cơ quan tư pháp có thẩm quyền ra lệnh áp dụng biện pháp tạm thời không cần thông báo cho người bị nghi ngờ là xâm phạm. Bằng cách này ngăn chặn được người bị nghi ngờ là xâm phạm tẩu tán hàng hoá, nguyên liệu bị nghi là xâm phạm để tránh bị phát hiện. Biện pháp tạm thời phổ biến nhất là khám xét cơ sở sản xuất của người bị nghi ngờ là xâm phạm và tịch thu hàng hóa bị nghi ngờ là xâm phạm, máy móc sử dụng để sản xuất hàng hóa đó và mọi tài liệu có liên quan và các hồ sơ giấy tờ khác về hoạt động của doanh nghiệp bị nghi ngờ là xâm phạm.
Các chế tài dân sự bồi thường cho chủ sở hữu quyền những thiệt hại về kinh tế do việc xâm phạm gây ra, thông thường dưới hình thức bồi thường bằng tiền, và tạo ra một sự ngăn chặn hữu hiệu việc tiếp tục xâm phạm – thường dưới dạng một lệnh của toà án về việc tiêu hủy hàng hóa xâm phạm, nguyên liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất hàng hóa xâm phạm; trong trường hợp có nguy cơ tiếp diễn hành
- xâm phạm, tòa án cũng có thể ra lệnh yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó và nếu người xâm phạm không tuân thủ lệnh đó thì có thể sẽ bị phạt tiền.
Các chế tài hình sự có mục đích trừng phạt những người cố ý xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan với quy mô thương mại, và, giống như mục đích của các chế tài dân sự, chế tài hình sự có mục đích nhằm ngăn chặn việc xâm phạm tiếp theo. Mục đích trừng phạt được thực hiện bằng cách đặt ra các hình phạt tiền lớn, và bằng các án phạt tù tương ứng với mức độ hình phạt áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng, đặc biệt trong các trường hợp tái phạm. Mục đích ngăn chặn này được thực hiện bằng các lệnh thu giữ, tịch thu và tiêu hủy hàng hóa xâm phạm, cũng như các nguyên liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất hàng hóa xâm phạm.
Các biện pháp được áp dụng ở biên giới khác với các biện pháp thực thi được mô tả trên đây ở chỗ chúng liên quan đến hoạt động của các cơ quan hải quan chứ không liên quan đến các cơ quan tư pháp. Các biện pháp biên giới cho phép chủ sở hữu quyền yêu cầu cơ quan hải quan đình chỉ thông quan hàng hóa bị nghi ngờ là xâm phạm quyền tác giả. Mục đích của việc đình chỉ thông quan này là tạo cho chủ sở hữu quyền có một khoảng thời gian hợp lý để khởi kiện chống lại người bị nghi ngờ là xâm phạm, tránh nguy cơ đưa hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm vào lưu thông sau khi hoàn thành thủ tục hải quan. Thông thường chủ sở hữu quyền phải cung cấp cho cơ quan hải quan bằng chứng rằng có chứng cứ hiển nhiên về sự xâm phạm, phải cung cấp một bản mô tả hàng hóa chi tiết để có thể nhận biết được hàng hóa đó và phải nộp một khoản bảo đảm để đền bù cho người nhập khẩu, chủ sở hữu hàng hóa và cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa sau khi kiểm tra được xác định là không xâm phạm.
Loại quy định về thực thi cuối cùng và đã chứng tỏ là rất quan trọng từ khi xuất hiện công nghệ kỹ thuật số, bao gồm các biện pháp, chế tài và hình phạt chống lại việc lạm dụng các phương tiện kỹ thuật. Trong những trường hợp nhất định, biện pháp thực tiễn ngăn chặn việc sao chép duy nhất là thông qua cái gọi là các hệ thống “bảo vệ sao chép” hoặc “quản lý sao chép” bao gồm các thiết bị kỹ thuật ngăn chặn hoàn toàn việc tạo ra các bản sao hoặc làm cho chất lượng các bản sao kém đến mức không dùng được. Các biện pháp kỹ thuật cũng được sử dụng để ngăn chặn việc tiếp nhận các chương trình truyền hình thương mại được mã hóa trừ khi sử dụng bộ giải mã. Tuy nhiên, khả năng kỹ thuật cho phép sản xuất ra các thiết bị có thể phá vỡ các hệ thống bảo vệ sao chép hoặc quản lý sao chép, cũng như các hệ thống được mã hóa. Lý thuyết phía sau các quy định chống lại sự lạm dụng các thiết bị này là việc sản xuất, nhập khẩu và phân phối chúng phải bị xem là xâm phạm quyền tác giả để bị phạt dưới các hình thức tương tự với các xâm phạm khác.
Các điều ước quốc tế về quyền tác giả
Hãy nghe đoạn băng sau đây trình bày về các điều ước quốc tế chính trong lĩnh vực quyền tác giả.
Đoạn băng 6: Các công ước và hiệp ước quốc tế chính nào điều chỉnh lĩnh vực quyền tác giả?
Điều ước đầu tiên là Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Công ước này được ký kết năm 1886 và được sửa đổi một số lần, thường là sau 20 năm một lần. Phiên bản mới nhất được thông qua ở Paris năm 1971.
Công ước Berne điều chỉnh việc bảo hộ quyền tác giả. Công ước dựa trên các nguyên tắc như đối xử quốc gia, có nghĩa là theo luật quốc gia, bạn không thể phân biệt đối xử đối với các tác phẩm có nguồn gốc từ các nước thành viên khác của Công ước. Công ước đưa ra các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu vô cùng quan trọng mà luật quốc gia phải tuân thủ, tất nhiên là luật quốc gia có thể quy định nhiều hơn – và đặt ra nhiều nguyên tắc khác.
Hiện nay, chúng ta có Hiệp định TRIPS. Đó là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, một trong các Hiệp định xuất hiện từ Vòng đàm phán Uruguay về thương mại và do Tổ chức Thương mại thế giới quản lý.
Ngoài những quy định khác, Hiệp định TRIPS có dẫn chiếu đến các quy định nội dung của Công ước Berne, trừ các quyền nhân thân vì không được xem là liên quan đến thương mại. Để tuân thủ Hiệp định TRIPS, trước hết các quốc gia phải tuân thủ các quy định của Công ước Berne, sau đó có một số tiêu chuẩn bảo hộ bổ sung được Hiệp định TRIPS đưa ra, quan trọng nhất là việc quy định các loại tác phẩm mới (chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu gốc) và các hình thức khai thác mới (quyền cho thuê).
Vì thế các quốc gia tham gia hoặc phê chuẩn Hiệp định TRIPS cũng phải tuân thủ Công ước Berne (mặc dù Điều 6bis của Công ước Berne về quyền nhân thân bị loại trừ một cách rõ ràng theo ngôn ngữ của Hiệp định TRIPS vì điều này không liên quan đến thương mại do bản chất không thể chuyển nhượng được của quyền nhân thân); ngoài ra Hiệp định TRIPS yêu cầu giải quyết các khía cạnh về quyền tác giả liên quan đến các công nghệ mới.
Để phát triển đoạn băng mà bạn vừa nghe, tháng 12 năm 1996, một Hội nghị Ngoại giao được tổ chức để thông qua điều ước quốc tế mới nhất về bảo hộ quyền tác giả: Hiệp ước quyền tác giả của WIPO (WCT). Hiệp ước này đáp ứng nhu cầu bảo hộ các tác phẩm được truyền đi bởi các phương tiện kỹ thuật số, trong đó có truyền qua Internet. Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo WCT bao gồm các chương trình máy tính, bất kể hình thức hoặc phương thức thể hiện của chúng, và các sưu tập dữ liệu hoặc tài liệu khác (gọi là cơ sở dữ liệu) dưới mọi hình thức bởi lý do sự lựa chọn hoặc sắp xếp chúng tạo thành sáng tạo trí tuệ. Quyền của tác giả bao gồm những quyền đã được đề cập trên đây, đó là quyền phân phối, quyền cho thuê, và truyền đạt tới công chúng, và nêu rõ rằng quyền truyền đạt tới công chúng bao gồm việc truyền tác phẩm thông qua các mạng kỹ thuật số như là Internet. Hiệp ước cũng quy định rằng quyền sao chép nêu trong Công ước Berne cũng hoàn toàn được áp dụng trong môi trường kỹ thuật số. Do đó, việc lưu giữ một tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số trong môi trường điện tử (ví dụ như lưu giữ trong bộ nhớ của một máy tính cá nhân) sẽ cấu thành hành vi sao chép tác phẩm đó. Theo thông lệ thì có những giới hạn hoặc ngoại lệ nhất định đối với những quyền này.
(LƯU Ý: một hiệp ước khác cũng được thông qua tại Hội nghị Ngoại giao này là Hiệp ước về biểu diễn và ghi âm của WIPO (WPPT). Hiệp ước này sẽ được đề cập tại học phần về các quyền liên quan).
Câu hỏi tự đánh giá
Câu hỏi 6: ‘WCT’ điều chỉnh những vấn đề gì?
Điền câu trả lời của bạn vào ô sau đây:
Nhấp chuột vào đây để biết đáp án.
Đáp án câu hỏi 6:
WCT được thông qua do các nước thành viên thừa nhận nhu cầu phải quy định các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh từ những phát triển mới về kinh tế, xã hội, văn hóa và công nghệ. Cụ thể, điều này đề cập đến nhu cầu bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được truyền qua Internet. Các tác phẩm được đề cập cụ thể trong WCT bao gồm cả các chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu. WCT mở rộng phạm vi bảo hộ quyền tác giả đến những sự thể hiện và không bảo hộ đối với các ý tưởng, thủ tục, phương pháp vận hành hoặc các khái niệm toán học. Tác giả của các tác phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của WCT cũng có quyền phân phối, quyền cho thuê và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.
Cuối cùng, để kết thúc học phần về quyền tác giả, hãy xem xét vấn đề tầm quan trọng của luật quyền tác giả ở các nước đang phát triển.
Các nước đang phát triển có lợi ích gì từ việc bảo hộ quyền tác giả?
Có các lợi ích về văn hóa cũng như về kinh tế. Trên thực tế, chúng ta không được quên rằng quyền tác giả cũng gắn liền với văn hóa. Tất cả các nước đang phát triển có các cộng đồng nghệ thuật rất mạnh. Không có ai trên trái đất này không sáng tạo, và tất nhiên nếu không có bảo hộ quyền tác giả, cộng đồng nghệ thuật sẽ bị gian lận và bị ngăn cản không kiếm được tiền từ những cố gắng của họ. Ngày nay, các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã trở thành một khái niệm rất rộng, tất nhiên bao gồm cả phần về văn hóa, cộng đồng nghệ thuật, cũng như ngành công nghiệp công nghệ thông tin, và đặc biệt thêm cả ngành công nghiệp về chương trình máy tính.
Một số tiền lớn có thể đã được đầu tư vào một chương trình máy tính, hoặc một bộ phim hay một chương trình truyền hình. Nhưng nếu ngay sau khi một bản sao được đưa ra thị trường mà bất kỳ người nào cũng được phép sao chép nó thì khả năng kiếm tiền sẽ biến mất và không có sự khuyến khích cho việc tạo ra hay đầu tư tiếp theo. Do vậy, sự sáng tạo sẽ không được khuyến khích và sản phẩm văn hóa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Đó chỉ là một khía cạnh. Có thể nói rằng câu trả lời cho vấn đề này là các tác phẩm trong nước phải được bảo hộ, trong khi không có sự bảo hộ cho các tác phẩm nước ngoài, bởi vì sau đó tiền bạc sẽ chảy ra nước ngoài làm cho các nước đang phát triển khó có thể cáng đáng nổi.
Tuy nhiên đây là một cách nhìn thiển cận. Có thể nêu ra nhiều lập luận vững chắc liên quan đến việc bảo hộ quốc tế đối với tác phẩm.
Thứ nhất, nếu việc bảo hộ chỉ giới hạn đối với các tác phẩm trong nước thì các tác phẩm nước ngoài sẽ được phép thâm nhập thị trường nội địa mà không phải trả bất kỳ chi phí về quyền tác giả nào. Chúng sẽ được bán giảm giá. Tất nhiên là người tiêu dùng có thể được hưởng lợi từ giá thấp này. Nhưng điều đó có thể gây ảnh hưởng bất lợi đối với việc bán các sản phẩm sản xuất trong nước phải cạnh tranh với các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài được bán với giá hấp dẫn hơn. Hiểm họa sau đó là người tiêu dùng có thể quay lưng lại với các sản phẩm sản xuất trong nước và mua các sản phẩm nước ngoài có giá thấp hơn. Do đó, văn hóa quốc gia, cho dù là âm nhạc, sách hay ngành công nghiệp khác đều có thể trở nên tồi tệ.
Thứ hai, không thể nói hết được những lợi ích mà các nghệ sĩ và tác giả địa phương, dù thuộc các nước phát triển hay không, có thể nhận được từ việc bảo hộ các tác phẩm của mình ở nước ngoài. Các thị trường trong nước có thể bị giới hạn và có một nhu cầu thu lợi nhuận từ các tác phẩm văn hóa có thể xuất khẩu và tiếp thị ở nước ngoài. Ngày nay, nhờ vào các phương tiện thông tin hiện đại, các tác phẩm có thể được nghe, được đọc, hoặc được xem không chỉ bởi cộng đồng địa phương hay quốc gia nơi tác phẩm được tạo ra mà còn vượt ra khỏi phạm vi đó. Có rất nhiều trường hợp mà lợi nhuận thu được từ việc khai thác một tác phẩm ở nước ngoài có thể cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được từ việc khai thác trong nước. Có thể quan sát thấy hiện tượng này một cách thường xuyên trong các lĩnh vực âm nhạc, các chương trình truyền hình, phần mềm, phim ảnh, sách, v.v.. Do vậy, việc bảo hộ quốc tế ở các thị trường nước ngoài là đặc biệt quan trọng đối với các tác giả và các nhà sáng tạo. Và cần phải nhận thức một điều rằng rất có thể một nghệ sĩ hoặc một nhà sáng tạo ở một nước cụ thể sẽ không được hưởng sự bảo hộ ở nước ngoài nếu như tại đất nước của người đó bản thân các tác giả và các nhà sáng tạo cũng không nhận được sự bảo hộ.
Tóm tắt
Học phần này đề cập đến cấu trúc chung của luật về quyền tác giả và đưa ra một sự khái quát về:
- ‘các tác phẩm văn học và nghệ thuật’ được bảo hộ theo quyền tác giả;
- các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả;
- chủ sở hữu và việc chuyển giao quyền tác giả;
- thời hạn bảo hộ;
- những giới hạn quyền;
- thực thi quyền, và
- các thoả thuận quốc tế liên quan đến quyền tác giả.
Công ước Berne đã liệt kê “các tác phẩm văn học và nghệ thuật” theo cách để ngỏ, theo đó bao gồm “tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kể được thể hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào”. Cũng thuộc khái niệm rộng này là mọi tác phẩm gốc của tác giả, bất kể giá trị văn học hoặc nghệ thuật của nó.
Chủ sở hữu quyền tác giả của một tác phẩm được bảo hộ có thể sử dụng tác phẩm theo ý muốn của mình, và có thể ngăn chặn người khác sử dụng trái phép tác phẩm của mình. Vì thế, do chủ sở hữu có thể ngăn chặn người khác xâm phạm lợi ích của chủ sở hữu nên những quyền này được đề cập đến như là “các độc quyền”. Quyền tác giả bao gồm hai loại: các quyền kinh tế và quyền nhân thân. Trong khuôn khổ các quyền kinh tế có một số quyền và một số giới hạn và các quyền này có thể chuyển giao được từ chủ sở hữu ban đầu. Các quyền nhân thân luôn thuộc về chủ sở hữu ban đầu cho dù các quyền về kinh tế đã được chuyển giao.
Ngoài các loại tác phẩm được đề cập ở trên, xuất hiện một loại tác phẩm mới cũng được bảo hộ quyền tác giả. Đó là tác phẩm đa phương tiện và mặc dù chưa có định nghĩa pháp lý nhưng có một sự đồng thuận rằng đó là sự kết hợp của âm thanh, nội dung và hình ảnh dưới dạng kỹ thuật số, có thể truy cập được bằng một chương trình máy tính, được xem là một sự thể hiện nguyên gốc của tác giả và do đó thuộc đối tượng điều chỉnh của quyền tác giả.
Các văn bản pháp lý:
- Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật
- Hiệp định TRIPS
- Hiệp ước về biểu diễn và ghi âm của WIPO (WPPT)
- Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO (WCT)
CẢM ƠN QUÝ BẠN ĐỌC ĐÃ GHÉ THĂM WEDSITE!