BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM

CHỦ ĐỀ: BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM

BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM
BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM

Phần thứ nhất: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

I. VỊ TRÍ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BIỂN ĐÔNG ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC TRONG VÀ NGOÀI KHU VỰC

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 3o đến 26o vĩ bắc và từ 100o đến 121o kinh đông. Ngoài Việt Nam, còn có tám nước khác tiếp giáp với biển Đông là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan. Theo ước tính sơ bộ, biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước này. Biển Đông là một trong các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới. 

Biển Đông nằm trên tuyến được giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150-200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là loại có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải tử 30.000 tấn trở lên. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực, nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên trở qua kênh đào Pa-ra-ma. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó eo biển Ma-lắc-ca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Các đảo và quần đảo trong Biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biền Đông, thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè…. phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.

Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. 

Biển Đông còn được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunei-Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Kông, sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan… trong đó Indonesia là thành viên của OPEC.

II. VỊ TRÍ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BIỂN ĐÔNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Đối với Việt Nam, biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km từ Bắc vào Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/1km bờ biển (mức trung bình trên thế giới là 600km2 đất liền/1km bờ biển) và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Biển Đông không những cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng ngàn năm, mà còn là cửa ngõ để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế có quan hệ trực tiếp với các miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập với nhiều nền văn hóa.

1. Về kinh tế, chính trị – xã hội

Xét về khía cạnh kinh tế, biển Đông đã tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Điều kiện tự nhiên của bờ biển Việt Nam đã tạo ra tiềm năng vô cùng to lớn cho ngành giao thông hàng hải Việt Nam. Dọc bờ biển Việt Nam có mười điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng trung bình với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển có thể đạt 50 triệu tấn/năm.

Biển Đông là vùng biển có một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua. Giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới (sau Địa Trung Hải). Hàng ngày có khoảng 200-300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại (không kể dưới 5.000 tấn) chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Là tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch mang tính chiến lược của các nước trong khu vực và thế giới; nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Âu, Trung Đông với châu Á và giữa các nước châu Á với nhau; chuyên chở 1/2 sản lượng dầu thô và các sản phẩm toàn cầu. Với Mỹ: Là tuyến hoạt động chính của Hạm đội 7, có 90% hàng hóa của Mỹ và đồng minh chuyên chở qua Biển Đông; với Trung Quốc hàng năm nhập 160 triệu tấn dầu thì 50% dầu nhập và 70% hàng hóa qua Biển Đông; với Nhật Bản 70% lượng dầu nhập khẩu và 42% lượng hàng hóa xuất khẩu chuyên chở qua Biển Đông.

Ngoài ra sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc một cách nhanh chóng và thuận lợi. Vùng biển nước ta là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một thị trường có sức mua khá lớn, một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động, đó là nơi rất hấp dẫn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và cũng là nơi rất nhạy cảm trước các biến chuyển trong đời sống chính trị thế giới.

Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bề trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỉ tấn, đặc biệt khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Hiện nay, chúng ta đã phát hiện hàng chục mỏ dầu khí có trữ lượng khai thác công nghiệp, trong đó đã đưa vào khai thác gần một chục mỏ, hàng năm cung cấp hàng chục triệu tấn dầu và hàng tỷ mét khối khí phục vụ cho phát triển kinh tế và dân sinh. Ngoài ra còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, băng cháy, cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác. 

Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm cua, mực, hải sâm, rong biển,… Theo các điều tra về nguồn lợi thủy hải sản, tính đa dạng sinh học, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loại thực vật phù du, 225 loài tôm biển… Trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng 3,1 – 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác là 1,4 – 1,6 triệu tấn. Nguồn lợi hải sản phong phú đã góp phần đưa ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ đạo với giá trị xuất khẩu đứng thứ ba cả nước. Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế cao. Đến nay đã xác định có 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó có 12 bãi cá phân bổ ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển còn có hơn 80 vạn héc-ta bãi triều và các eo vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng hải sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá song, cá mú, rong câu… Với tiềm năng trên, trong tương lai chúng ta có thể phát triển ngành nuôi trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại tạo ra nguồn xuất khẩu có kim ngạch lớn và khả năng cạnh tranh cao.

Dọc bờ biển nước ta đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải,… Riêng khu vực Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có khả năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ. Hiện nay nước ta có trên 100 cảng biển và 10 khu chuyển tải hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống các cảng biển.

Biển Việt Nam đã cho thấy nhiều điều kiện để phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước. Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát biển đã tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng.

Các thắng cảnh trên đất liền nổi tiếng như Phong Nha, Bích Động, Non Nước…, các di tích lịch sử và văn hóa như cố đô Huế, phố cổ Hội An, tháp Chàm, nhà thờ đá Phát Diệm… đều được phân bố ở vùng ven biển.

Tiềm năng du lịch kể trên rất phù hợp để Việt Nam phát triển và đa dạng các loại hình du lịch hiện đại như nghỉ ngơi; dưỡng bệnh; tắm biển; du lịch sinh thái; nghiên cứu khoa học vùng ven bờ, hải đảo, đáy biển; du lịch thể thao: bơi, lặn sâu, lướt ván, nhảy sóng, đua thuyền…; có thể tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế quanh năm; dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, vùng ven biển Việt Nam chứa đựng một tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, zircon, thiếc, vàng, sắt, mangan, thạch cao, đất hiếm trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá, chúng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, sa khoáng titan, sa khoáng ilmenit, sa khoáng cát đen.

BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM
BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM

2. Về quốc phòng – an ninh

Xét về mặt an ninh quốc phòng, biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có ý nghĩa phòng thủ chiến lược rất quan trọng

Biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 cuộc chiến tranh kẻ thù đã sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Những chiến công hiển hách của cha ông ta trên chiến trường sông biển đã minh chứng: ba lần đại thắng quân thù trên sông Bạch Đằng (năm 938, 981 và 1288; chiến thắng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077; chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785 và những chiến công vang dội của quân và dân ta trên chiến trường sông biển trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những minh chứng ghi đậm dấu ấn không bao giờ mờ phai trong lịch sử dân tộc.

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Do đặc điểm lãnh thổ đất liền nước ta có hình chữ S, trải dài ven biển từ Bắc vào Nam, chiều ngang hẹp (nơi rộng nhất khoảng 600km, nơi hẹp nhất khoảng 50km), nên chiều sâu phòng thủ đất nước bị hạn chế. Nếu các quần đảo xa bờ, gần bờ được củng cố xây dựng thành những căn cứ, vị trí trú đậu, triển khai của các lực lượng Hải quân Việt Nam và sự tham gia của các lực lượng khác thì biển, đảo có vai trò rất quan trọng làm tăng chiều sâu phòng thủ hiệu quả cho đất nước.

Từ nhiều năm nay, nhất là vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay đang tồn tại những tranh chấp về biển, đảo trên biển Đông rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, đẩy tới xu hướng tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của các nước trong khu vực, nhất là những nước có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự tận dụng ưu thế của mình trên biển đe dọa chủ quyền trên vùng biển đảo, thềm lục địa của nước ta, gây ra những nhân tố khó lường về sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh đất nước.

Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Việt Nam là một quốc gia có biển, một nhân tố mà thế giới luôn xem như một yếu tố đặc lợi, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển, chúng ta phải có quyết tâm cao, tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh trên biển để tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển, đảo, nhất là ở vùng biển xa. Phải xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

III. HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VÀ QUYỀN CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG

1. Xây dựng các văn bản pháp lý về biển của Việt Nam

Liên quan đến vấn đề biển, đảo, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản pháp quy liên quan đến quy chế các vùng biển và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Đó là Tuyên bố năm 1997 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở của Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và một loạt luật, pháp lệnh, nghị định khác. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, một số Công ước đa phương khác liên quan giao thông hàng hải, an toàn trên biển và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về úng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thống qua ngày 21/6/2012.

2. Đàm phán phân định ranh giới các vũng biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng

Do điều kiện của Biển Đông, một số vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một số nước láng giềng. Đó là vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và một phần nhỏ ở phía Nam của đảo Cồn Cỏ, vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia, Thái Lan và Malaixia ở trong Vịnh Thái Lan và với Inđônêxia ở Nam Biển Đông.

Căn cứ vào các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam và một số nước láng giềng đã từng bước giải quyết và phân định ranh giới vùng biển chồng lấn, cụ thể là năm 1997 ký Hiệp định phân định ranh giới trên biển với Thái Lan, năm 2000 ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và năm 2003 ký Hiệp định phân định thềm lục địa với Inđônêxia ở phía Nam.

2.1. Phân định ranh giới trên biển với Thái Lan

Vịnh Thái Lan là một vùng biển nửa kín, với diện tích khoảng 300.000 km2, giới hạn bởi bờ biển 4 nước Thái Lan (1560 km), Việt Nam (230 km), Malaysia (150 km), Campuchia (460 km). Vịnh thông ra biển Đông ở phía Nam bằng một cửa duy nhất hợp bởi mũi Cà Mau và mũi Trenggranu cách nhau chừng 400 km (215 hải lý). Vịnh khá dài (chừng 450 hải lý) nhưng có diện tích nhỏ, chiều rộng trung bình là 385 km (208 hải lý), có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam về an ninh quốc phòng và kinh tế do có ngư trường rộng lớn và tiền năng dầu khí. Trong Vịnh có một số đảo quan trọng của hai nước, phía Việt Nam có đảo Phú Quốc, Đảo Thổ Chu…, phía Thái Lan có đảo Ko Phangun, Ko Samui…

Năm 1971, Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn đã công bố Nghị định về phân lô thăm dò và khai thác dầu khí, qua đó xác định ranh giới ngoài thềm lục địa phía Nam Việt Nam theo đường trung tuyến giữa bờ biển và các đảo xa bờ của Việt Nam (Thổ Chu và Wai – lúc đó chưa được Việt Nam thuộc chủ quyền của Campuchia) với bờ biển của Malaysia và Thái Lan.

Năm 1973, Thái Lan tuyên bố về ranh giới thềm lục địa của Thái Lan là đường trung tuyến giữa bờ biền và các đảo ven bờ của Thái Lan với bờ biển và đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Hai yêu sách về thềm lục địa này đã tạo thành một vùng chông lấn trong vịnh Thái Lan rộng hơn 6000 km2 cần được phân định.

Từ năm 1992 đến năm 1997 ta và Thái Lan tiến hành 09 vòng đàm phán và thống nhất phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước bằng một đường ranh giới duy nhất. Ngày 09 tháng 8 năm 1997, tại Băng – cốc, đại diện Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đại diện Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã ký Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Đây là Hiệp định phân định biển đầu tiên của Việt Nam, bao gồm 6 điều khoản và nội dung chính như sau:

– Đường phân chia thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan trong vịnh Thái Lan là một đường thẳng từ điểm C tời điểm K. Điểm C là điểm nhô ra nhất về phía bắc của khu vực phát triển chung Thái Lan – Malaysia được xác định trong Bản ghi nhớ giữa hai nước ngày 21/02/1979 và trùng với điểm 43 của đường yêu sách thềm lục địa Malaysia 1979. Điểm K nằm trên đường thẳng cách đảo Thổ Chu và đảo Wai của Campuchia, đây là đường “dàn xếp tạm thời” Việt Nam – Campuchia năm 1991. Với kết quả này, Việt Nam hưởng 1/3 diện tích và Thái Lan hưởng 2/3 diện tích vùng chồng lấn.

– Trong trường hợp có cấu trúc dầu khí hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang đường ranh giới thì hai bên có trách nhiệm trao đổi thông tin, cùng tìm kiếm thỏa thuận sao cho các cấu trúc hoặc mỏ này được khai thác một cách hiệu quả nhất và chi phí cũng như lợi tức từ việc khai thác sẽ được phân chia một cách công bằng.

– Hai bên cam kết sẽ tiến hành đàm phán với Malaysia về khu vực yêu sách thềm lục địa chồng lấn giữa ba nước, nằm trong vùng phát triển chung Thái Lan – Malaysia.

2.2. Phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ có diện tích khoảng 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km (176 hải lý), nơi hẹp nhất ở cửa Vịnh rộng khoảng 220 km (119 hải lý). Bờ biển của Vịnh có tổng chiều dài khoảng 1458 km, trong đó bờ biển Việt Nam dài khoảng 763 km và Trung Quốc có khoảng 695 km. Dọc theo bờ biển của vịnh, có khoảng 16 triệu người dân Việt Nam sinh sống tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam và khoảng 40 triệu người dân Trung Quốc sinh sống tại 02 tỉnh Quảng Tây, Hải Nam. Vịnh có hai cửa: eo biển Quỳnh Châu nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam với bề rộng khoảng 19 hải lý và cửa chính của Vịnh từ đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) tới đảo Hải Nam (Trung Quốc) rộng khoảng 112 hải lý. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 130 km. Phía Trung Quốc chỉ có một số ít đảo nhờ ở phía Đông Bắc Vịnh như đảo Vị Châu, đảo Tà Dương.

Do chiều rộng của Vịnh Bắc Bộ nơi rộng nhất không đến 200 hải lý và do bờ biển Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu nằm đối diện nên theo quy định của Công ước luật biển năm 1982 (Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên), vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh bị “chồng lấn” lên nhau. Ngoài ra, tại khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân, nơi bờ biển hai nước nằm tiếp liền nhau, lãnh hải hai nước cũng có sự “chồng lấn” cần được phân định. Như vậy, trong Vịnh Bắc Bộ hai nước phải tiến hành đàm phán để phân định lãnh hải nhằm xác định biên giới trên biển và phân định vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa nhằm xác định ranh giới các vùng biển này.

Ngày 25 tháng 12 năm 2000, hai nước đã ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ.

Hiêp định phân định vịnh Bắc Bộ gồm 11 điều khoản, quy định về một đường phân định nối tuần tự 21 điểm có tọa độ địa lý cụ thể để phân định rõ ràng lãnh hải (từ điểm số 1 đến điểm số 9) và ranh giới chung cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (từ điểm số 9 đến điểm số 21). Phạm vi phân định theo Hiệp định là toàn bộ vịnh Bắc Bộ với đường đóng cửa vịnh là đường thẳng nối giữa mũi Oanh Ca (đảo Hải Nam, Trung Quốc) qua đảo Cồn Cỏ (Việt Nam) đến một điểm trên bờ biển Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị. Hiệp định quy định mỗi bên tiến hành việc thăm dò, khai thác một cách độc lập các tài nguyên khoáng sản trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Đối với các mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên phải thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt thỏa thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được.

Theo đường phân định, phía Việt Nam hưởng 53,23%, phía Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực); đảo Cồn Cỏ được hưởng 50% hiệu lực trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là một số kết quả công bằng đạt được trên cở sở luật pháp quốc tế và điều kiện cụ thể của Vịnh.

2.3. Phân định ranh giới thềm lục địa với Inđônêxia

Việt Nam và Inđônêxia có vùng biển và thềm lục địa chồng lấn năm ở phía Đông Nam Việt Nam và Tây Bắc đảo lớn Borneo của Inđônêxia. Trong khu vực này, đảo xa bờ nhất của Việt Nam là Côn Đảo, cách bờ biển khoảng 90 km. Inđônêxia là quốc gia quần đảo với hơn 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ nằm rải rác trên một vùng biển rộng lớn. Đảo xa bờ nhất của Inđônêxia trong khu vực đối diện với Việt Nam là đảo Natuna Bắc, cách hòn đảo lớn Borneo của Inđônêxia khoảng 320 km về hướng Tây Bắc.

Năm 1969, Inđônêxia ra tuyên bố về ranh giới thềm lục địa dựa trên nguyên tắc không vượt quá đường trung tuyền cách đều đường cơ sở quần đảo của Inđônêxia và đường cơ sở của các quốc gia láng giềng.

Năm 1971, chính quyền Sài Gòn đã vạch ra ranh giới đặc nhượng dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, theo đó ranh giới biển giữa Việt Nam và Inđônêxia là đường cách đều bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Borneo của Inđônêxia.

Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam xác định thềm lục địa của Việt Nam là phần kéo dài tự nhiên lãnh thổ đất liền của Việt Nam ra đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến 200 hải lý tính từ cơ sở. Tiếp đó, ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam công bố hệ thống đường cơ sở của phần lãnh thổ lục địa Việt Nam, theo đó đảo Côn Đảo được sử dụng làm một điểm cở sở để vạch hệ thống đường cơ sở thẳng của Việt Nam.

Xuất phát tự sự khác nhau giữa các tuyên bố về ranh giới thềm lục địa của Inđônêxia năm 1969 và của chính quyền Sài Gòn năm 1971 nên ngay từ năm 1972 hai bên đã tiến hành đàm phán phân định thềm lục địa. Trong đàm phán, Inđônêxia đưa ra yêu sách đường trung tuyến giữa hai đường cơ sở (Inđônêxia sử dụng đường cơ sở quần đảo), thực chất là khoảng cách giữa đảo Natuna Bắc của Inđônêxia và Côn Đảo của Việt Nam (còn gọi là trung tuyến đảo – đảo). Chính quyền Sài Gòn đề nghị phân định theo đường trung tuyến giữa hai bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo lớn Borneo Bắc của Inđônêxia (gọi là trung tuyến bờ – bờ). Hai đường trung tuyến này tạo thành vùng chồng lấn khoảng 40.000 km2. Tuy nhiên hai bên không đạt được thỏa thuận nào.

Sau khi thống nhất đất nước, tháng 6/1978, Việt Nam và Inđônêxia bắt đầu đàm phán về phân định thềm lục địa với Inđônêxia. Đàm phán phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Inđônêxia là một quá trình dài xuất phát từ những yếu tố khách quan (Việt Nam là lãnh thổ lục địa, Inđônêxia là quốc gia quần đảo) lẫn chủ quan (lập luận và việc vận dụng luật biển quốc tế của hai bên).

Tử tháng 6 năm 1978 đến năm 2003 Việt Nam và Inđônêxia tiến hành 02 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 22 vòng đàm phán cấp chuyên viên và 04 cuộc họp hẹp giữa hai Trưởng đoàn cấp chuyên viên. Ngày 26 tháng 6 năm 2003, đại diện Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Inđônêxia đã ký Hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước. Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam – Inđônêxia có nội dung tương tự như những Hiệp định phân định biển trên thế giới cũng như hai Hiệp định phân định biển mà Việt Nam đã ký trước đó với Thái Lan và Trung Quốc. Hiệp định bao gồm 6 điều, với nội dung chủ yếu sau:

– Đường phân định được xác định bằng các đoạn thẳng nối tuần tự 6 điểm có tọa độ địa lý cụ thể, Hiệp định này chỉ phân định ranh giới thềm lục địa, không ảnh hưởng đến bất kỳ Hiệp định nào sẽ được ký trong tương lai về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

– Hai bên tham khảo ý kiến của nhau nhằm phối hợp chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường biển.

– Đối với các cấu tạo mỏ dầu khí hoặc mỏ khoáng sản khác dưới đáy biển nằm vắt ngang qua đường phân định thềm lục địa, hai bên sẽ thông báo cho nhau các thông tin liên quan cũng như thỏa thuận về cách thức khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ nói trên và việc phân chia công bằng lợi ích từ việc khai thác.

Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam – Inđônêxia sẽ có hiệu lực sau khi hai bên tiến hành trao đổi văn kiện phê chuẩn.

2.4. Các thỏa thuận quá độ

– Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaixia

Trong khu vực cửa Vịnh Thái Lan, giữa Việt Nam và Malaixia có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn rộng khoảng 2.800 km2. Vùng này hình thành bởi đường ranh giới thềm lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971 và đường ranh giới thềm lục địa thể hiện trên hải đồ của Malaysia công bố năm 1979. Sở dĩ có sự khác nhau đó là do chính quyền Sài Gòn có tính đến đảo Hòn Khoai, các đảo của cả hai bên, còn Malaysia chỉ tính đến các đảo ven bờ của mình mà bỏ qua đảo Hòn Khoai của Việt Nam (đảo Hòn Khoai cách bờ 6,5 hải lý).

Đây là khu vực chồng lấn có diện tích không lớn nhưng có tiềm năng về dầu khí. Xuất phát từ nhu cầu khai thác dầu khí phục vụ phát triển của hai nước và thực tế là diện tích vừng chồng lấn không lớn, ngày 05/6/1992, tại cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao tại Kuala Lampua, hai bên đã ký bản thỏa thuận về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn với nội dung:

– Hai bên chính thức xác nhận tọa độ khu vực chồng lấn theo đường ranh giới thềm lục địa do Tổng cục Dầu khí Việt Nam công bố năm 1977 (trùng với yêu sách thềm lục địa do chính quyền Sài Gòn công bố năm 1971) và đường ranh giới thềm lục địa thể hiện trên hải đồ của Malaysia công bố năm 1979.

– Hai bên đồng ý tạm gác vấn đề phân định thềm lục địa để hợp tác tay đôi thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực xác định này theo các nguyên tắc sau:

+ Chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia đồng đều lợi nhuận;

+ Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sẽ được Petronas (Malaysia) và PetroVietnam (Việt Nam) tiến hành trên cơ sở dàn xếp thương mại sau khi được Chính phủ hai bên phê chuẩn;

+ Thỏa thuận này không làm phương hại tới lập trường cũng như dòi hỏi của mỗi bên đối với khu vực chồng lấn.

– Mỏ dầu khí có một phần nằm vắt ngang sang khu vực xác định và một phần nằm bên thềm lục địa của Malaysia hoặc Việt Nam thì hai bên sẽ thỏa thuận để thăm dò khai thác.

Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, hai công ty dầu khí quốc gia của hai nước đã ký kết các dàn xếp thương mại và triển khai các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trong khu vực chồng lấn giữa hai nước. Từ năm 1997, những thùng dầu đầu tiên khai thác từ vùng chồng lấn đã được xuất khẩu và lợi nhuận bắt đầu được chia đều cho hai bên theo đúng thỏa thuận. Hiện nay, các giếng dầu trong vùng khai thác chung này vẫn đang tiếp tục hoạt động có hiệu quả.

– Hiệp định chung về vùng nước lịch sử với Campuchia

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng kế cận nhau. Hai nước cần phải phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế về thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Năm 1982 hai nước ký Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa hai nước với các nội dung chính là: hai bên thỏa thuận sẽ cùng tiến hành tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử, việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương hai nước trong vùng biển này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước tới nay, còn việc khai thác tài nguyên thiên nhiên khác do hai bên cùng nhau thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận không bên nào được đơn phương thiến hành. Thời gian qua, hải quân ta và hải quân Campuchia đã tiến hành một số chuyến tuần tra chung ở trong vùng nước lịch sử.

Theo Hiệp nước năm 1983 về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, vào thời gian thích hợp ta và Campuchia sẽ thương lượng để phân định ranh giới biển giữa hai nước trong vùng biển này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Như vậy, trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Công ước Luật biển năm 1982 có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề phân định biển với các quốc gia láng giềng. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt các quy định của Công ước luật biển năm 1982 cũng như thực tiễn quốc tế để có thể cùng các nước láng giềng tìm đến một giải pháp phù họp cho các vùng biển chồng lấn. Các Hiệp định được ký kết cũng thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc đàm phán trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp luật quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng. Có thể nói, các điều ước phân định biển được ký kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong thời gian qua đã góp phần vào việc ngăn ngừa xung đột, giúp duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực để Việt Nam và các nước khác phát triển. Xét về mặt pháp luật quốc tế, các giải pháp phân định biển đạt được giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng có những đóng góp nhất định đối với thực tiễn phân định biển trong khu vực là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đàm phán phân định biển với các nước láng giềng khác trong khu vực.

BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM
BIỂN VÀ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM

3. Thực thi và bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta ở Biển Đông

Năm 1989, Chính phủ ta ra quyết định xây dựng cụm kinh tế khoa học dịch vụ tại khu đá ngầm trên thềm lục địa Việt Nam thuộc địa phận đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), gồm các trạm nghiên cứu Ba Kè, trạm nghiên cứu Tư Chính, Trạm nghiên cứu Phúc Nguyên, trạm nghiên cứu Phúc Tần…. Tại đây, chúng ta đã xây dựng một số nhà nổi, hình thành tổ chức cơ sở quốc doanh vừa làm nhiệm vụ đánh bắt thu mua và sơ chế hải sản, trước khi chuyển vào đất liền, vừa làm chỗ trú đậu, tránh bão, cung ứng hậu cần cho các tàu thuyền đánh cá của các tổ chức kinh tế và ngư dân trong vùng.

Việt Nam đã phân lô dầu khí và hợp tác với nhiều công ty nước ngoài (Mỹ, Anh, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ…) thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Đối với việc nước ngoài gây khó khăn trên thực địa, phản đối các hoạt động của Việt Nam qua đường ngoại giao và thậm chí gặp đối tác nước ngoài đòi họ chấm dứt hợp tác với ta, ta luôn khẳng định rõ lập trường tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường vì các hoạt động này ở trong thềm lục địa Việt Nam. Cho đến nay, đại bộ phận các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và tiến hành hợp tác với ta trong lĩnh vực này. Năm 2008 sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đạt 22,5 triệu tấn.

Từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã tích cực ủng hộ các nỗ lực của các nước ASEAN thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Các nỗ lực này dẫn đến việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN – Trung Quốc năm 2002 với các nội dung chính là: cam kết tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; kiềm chế không tiến hành hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không chiếm đóng mới; tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin như tiến hành đối thoại quốc phòng, đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển, trao đổi thông tin liên quan; tìm kiếm khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, an toàn hàng hải, tìm kiến cứu nạn và chống các tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang, buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

4. Bảo vệ các hoạt động nghề cá của ngư dân Việt Nam

Bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia trên biển, Đảng và Chính phủ luôn hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta trong các vùng biển của Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành hữu quan triển khai nhiều biện pháp đồng bộ vừa để hỗ trợ, vừa để bảo vệ hoạt động của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam. Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh trên biển, ta đã kiên quyết đấu tranh với các bên liên quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Trong trường hợp tàu cá và ngư dân ta bị bắt giữ hoặc bị ngược đãi, Bộ Ngoại giao căn cứ tính chất, mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc để tiến hành các biện pháp đấu tranh ngoại giao phù hợp. Đối với các hành vi bắt giữ trái phép, ngược đãi ngư dân Việt Nam của các nước, ta kiên quyết phản đối, yêu cầu thả vô điều kiện tàu, ngư dân Việt Nam và bồi thường thiệt hại. Ta cũng yêu cầu họ xử lý nghiêm minh đối với những người đã có hành động thô bạo, đồng thời cam kết không để xảy ra các hành động tương tự trong tương lai. Đối với những trường hợp ngư dân ta bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài, ta yêu cầu nước bạn giải quyết vụ việc phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.

Bên cạnh những biện pháp đấu tranh ngoại giao, các ngành chức năng của ta luôn phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ hoạt động nghề cá của ngư dân ta trên thực địa. Chính phủ cũng đã tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quản lý trên biển của các ngành chức năng để bảo vệ hoạt động nghề cá của tàu cá và ngư dân Việt Nam trong vùng biển Việt Nam, kịp thời hỗ trợ ngư dân ta khi cần thiết.

Phần thứ hai

CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ CƠ BẢN VỀ BIỂN

CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỚC KHI LUẬT BIỂN VIỆT NAM ĐƯỢC BAN HÀNH

 

Do hoàn cảnh chiến tranh, Việt Nam chỉ thực sự có điều kiện ban hành quy định pháp lý về biển kể từ năm 1997. Với Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực thiếp lập vùng đặc quyền kinh thế 200 hải lý. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 (ngày 23/6/1982) trước khi Công ước có hiệu lực (ngày 16/11/1994).

Các văn bản pháp lý cơ bản về biển của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

* Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;

* Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982

* Các Bộ Luật như: Luật Hàng hải, Luật Dầu khí, Luật Biên giới quốc gia, các Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong các hoạt động liên quan đến biển như môi trường, thủy sản, hàng hải, dầu khí, đảm bảo an ninh quốc phòng trên các vùng biển Việt Nam.

I. TUYÊN BỐ NGÀY 12/5/1977 VỀ LÃNH HẢI, VÙNG TIẾP GIÁP, VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA

1. Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam. Vùng biển ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

2. Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo về các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, đảm bảo sự tôn trọng các quy định về ý tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

3. Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

4. Thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

II. TUYÊN BỐ NGÀY 12/11/1982 VỀ ĐƯỜNG CƠ SỞ DÙNG ĐỂ TÍNH CHIỀU RỘNG LÃNH HẢI VIỆT NAM

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam như sau: Thực hiện Điểm 1 trong Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn y. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam như sau:

1. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính theo Tuyên bố này.

2. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam từ điểm tiếp giáp 0 của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và PouLo Wai, đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ ghi trong phụ lục nói trên được vạch trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản đến 1979.

3. Vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp và nhà Thanh ký ngày 26 tháng 6 năm 1887.

Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề đường cửa vịnh được giải quyết.

4. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn kiện tiếp theo phù hợp với điểm 5 của bản Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Vùng nước phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề bất đồng về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.

Hai tuyên bố này đã tạo cơ sở pháp lý để xác định đường cơ sở dùng để tính chiền rộng các vùng biển của Việt Nam và là căn cứ để xác định đường biên giới, khẳng định chủ quyền quốc gia và an ninh của Việt Nam trên biển.

III. MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT KHÁC

1. Các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển

Điều 1 Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo”. Chủ quyền của Việt Nam trên biển tiếp tục được khẳng định tại Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi năm 2001) khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Đề cụ thể hóa Hiến pháp và từng bước chuyển hóa các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 vào trong các quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển của Việt Nam, nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật quan trọng về tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ chủ quyền biển cụ thể như sau:

– Nghị định số 30/CP ngày 29/01/1980 về quy chế pháp lý cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, việc kiểm soát trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được giao cho các lực lượng sau: Hải quân nhân dân Việt Nam và các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam; Cảnh sát nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển; Bộ đội biên phòng Việt Nam, các lực lượng nửa vũ trang trên các tàu thuyền vận tải và tàu thuyền đánh cá của Việt Nam; Các lực lượng kiểm soát chuyên môn của các ngành Hải quan, y tế, kiểm dịch của Việt Nam…

– Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam trên biển.

– Pháp lệnh cảnh sát biển năm 2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và cơ cấu tổ chức của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

– Nghị định 66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các văn bản pháp luật đảm bảo thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam

– Bộ luật hình sự năm 1999, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2009 đã đưa ra một số loại tội phạm có hành vi phạm pháp luật về biển, hàng hải cần được xử lý bằng pháp luật hình sự như: Tội phạm vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 212); Tội cản trở giao thông đường thủy (Điều 213); Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn (214)….

– Bộ luật hàng hải năm 2005; Luật Giao thông đường thủy nội thủy nội địa năm 2004; Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức….

– Các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như: Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 48/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2011 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; Nghị định số 137/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoán sản; Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản….

Ngoài ra còn có các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực về khai thác thủy sản, dầu khí biển, nghiên cứu khoa học biển, về du lịch biển đảo, môi trường biển….

Luật thủy sản năm 2003 có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng về hoạt động thủy sản, bao gồm việc khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thủy sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; dịch vụ trong hoạt động thủy sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của tổ chức, cá nhân người Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài trên đất liền, hải đảo, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thủy sản.

– Luật dầu khí năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2000 và 2008) tạo cơ sở pháp lý cho các bên Việt Nam và giữa các bên Việt Nam với các bên nước ngoài trong việc đầu tư, thăm dò, hợp tác, liên doanh, đầu tư khai thác các sản phẩm dầu khí trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam.

– Luật du lịch năm 2005 quy định về tài nguyên du lịch và hoạt động du lịch; quyền và nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến du lịch. Luật đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho các hoạt động đầu tư phát triển mạnh mẽ ngành du lịch biển, đảo phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có thể nói Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản để luật hóa, cụ thể hóa theo từng lĩnh vực của các điều ước quốc tế về biển. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển đảo của Việt Nam bước đầu đã tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quản lý nhà nước trên biển, làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động trên biển đối với các vấn đề xác định phạm vi và chế độ pháp lý của từng vùng biển cụ thể; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, các quyền và lợi ích quốc gia đối với từng vùng biển, thềm lục địa Việt Nam; tăng cường quản lý nhà nước về biển đảo…

Phần thứ ba

LUẬT BIỂN VIỆT NAM

I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, SỰ CẦN THIẾT VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH LUẬT BIỂN VIỆT NAM

1. Quá trình xây dựng Luật biển Việt Nam

Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, trong đó nêu rõ “Quốc hội giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết nêu trên của Quốc hội và để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, ngay từ năm 1998, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc Hội khóa X. Thực hiện chương trình đó, các Bộ, ngành hữu quan của Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng dự thảo Luật Biển Việt Nam. Dự thảo Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, có tham khảo các thông lệ quốc tế, trong đó có thực tiễn của các nước và các yêu cầu về phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của nước ta. Trải qua ba nhiệm kỳ Quốc hội các khóa X, XI, XII với nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII dự thảo Luật Biển Việt Nam đã tương đối hoàn thiện và đủ điều kiện để xem xét thông qua.

Dự thảo Luật Biển Việt Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII (tháng 12 năm 2011), tại kỳ họp này Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội hoàn thiện Luật Biển Việt Nam để quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Tại phiên họp ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành 495/496 phiếu, đạt tỷ lệ 99,8%.

2. Sự cần thiết ban hành Luật biển Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.200 km, kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Năm 1994, nước ta đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, chúng ta đã khẳng định sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của công ước và từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật của ta để phù hợp với các quy định của Công ước. Điều đó có nghĩa nước ta có quyền hưởng và thực hiện các quyền hợp pháp của một quốc gia ven biển đồng thời chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo các quy định của Công ước. Trên thực tế, các nước ven biển đều có các luật về biển, luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… Trong khi đó Việt Nam mới chỉ có một số văn bản pháp luật đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan đến biển. Mặt khác, để vận dụng hiệu quả những nguyên tắc, quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chúng ta cần xây dựng một bộ luật tổng quát về biển. Mục đích của việc xây dựng và ban hành Luật biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, tạo cơ sở pháp lý để xác định các vùng biển Việt Nam và quy chế pháp lý của các vùng biển đó; góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của Việt Nam.

3. Ý nghĩa của việc ban hành Luật biển Việt Nam

Việc ban hành Luật biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Luật biển Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về cả đối nội và đối ngoại.

3.1. Ý nghĩa về đối nội:

Việc thông qua Luật biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.

3.2. Ý nghĩa về đối ngoại:

Với việc thông qua Luật biển Việt Nam, chúng ta đã đạt kết quả là làm cho các quy định luật pháp quốc gia hài hòa với các quy định của luật biển quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982. Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, chúng ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982, thể hiện quyết tâm của nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

II. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA VIỆC XÂY DỰNG LUẬT BIỂN VIỆT NAM

1. Nguyên tắc xây dựng

Luật biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

1.1. Tạo cơ sở, khuôn khổ pháp lý cơ bản, có hiệu lực cao trong việc xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam, nhằm bảo vệ và thực hiện chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự, phát triển kinh tế xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế trên các vùng biển Việt Nam, tạo môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

1.2. Bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật quốc tế về biển.

1.3. Thể chế hóa và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong việc quản lý và phát triển các vùng biển, trong tình hình mới.

1.4. Thực hiện nội luật hóa các quy định cơ bản của Công ước Luật Biển năm 1982, xây dựng Luật Biển của Việt Nam làm khuôn khổ pháp luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao để áp dụng nhằm bảo vệ và thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển.

2. Căn cứ xây dựng Luật biển Việt Nam

Việc xây dựng Luật biển Việt Nam được xây dựng dựa trên căn cứ các văn bản mang tính pháp lý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và thực tiễn quản lý biên giới, lãnh thổ của đất nước; các công ước đa phương và điều ước quốc tế song phương mà nước ta tham gia hoặc ký kết với các nước láng giềng; đồng thời tham khảo kinh nghiệm quản lý và luật biển của các nước. Cụ thể là:

– Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982; Nghị quyết Đại hội lần thứ X, Đại hội lần thứ XI của Đảng; các Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Nhà nước về phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 30-5-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

– Các Tuyên bố của Chính phủ về chế độ và phạm vi các vùng biển Việt Nam bao gồm: Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; và các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành về biển.

– Tổng kết kinh nghiệm quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo và quá trình đổi mới việc quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia trong thời gian qua.

– Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, các điều ước song phương về phân định ranh giới các vùng biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Hiệp định năm 1997 về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan, Hiệp định năm 2000 phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định năm 2003 phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia.

– Tham khảo kinh nghiệm quản lý, bảo vệ vùng biển và luật pháp về biển của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Úc, Ca-na-đa, Ấn Độ…

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BIỂN VIỆT NAM

Luật biển Việt Nam bao quát các vấn đề quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam, bao gồm 7 chương và 55 điều, cụ thể:

Chương I: Những quy định chung

Chương II: Vùng biển Việt Nam

Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Chương IV: Phát triển kinh tế biển

Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển

Chương VI: Xử lý vi phạm

Chương VII: Điều khoản thi hành

1. Chương I: Những quy định chung

Chương này gồm 7 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, việc áp dụng pháp luật, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, chính sách quản lý và bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý nhà nước về biển.

– Về phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam (Điều 1)

Phạm vi điều chỉnh của Luật biển Việt Nam bao gồm: đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật biển Việt Nam đưa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào phạm vi điều chỉnh đã khẳng định lại lập trường nhất quán của Nhà nước ta về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Đây không phải là một quy định mới mà là sự tiếp nối của các quy định đã có trước đây. Nội dung liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được đề cập trong các văn bản pháp luật của Việt Nam trước đây như Tuyên bố của Chính phủ năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Nghị quyết năm 1994 của Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 và Luật biên giới quốc gia năm 2003.

– Về nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển (Điều 4, Điều 5)

Luật biển Việt Nam nêu rõ quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế biển. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động của ngư dân trên các vùng biển; đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển…

– Về đối ngoại (Điều 2, Điều 4, Điều 6)

Luật biển Việt Nam khẳng định chính sách đối ngoại hoà bình của Nhà nước ta và chủ trương nhất quán của ta là giải quyết các tranh chấp liên quan biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Trên thực tế chúng ta đang kiên trì thực hiện chủ trương này và cho đến nay đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Ví dụ, năm 1997 ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Thái Lan, năm 2000 cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và năm 2003 cùng In-đô-nê-xi-a phân định thềm lục địa ở Nam Biển Đông.

Luật biển Việt Nam quy định nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác so với các quy định của Luật biển Việt Nam thì áp dụng các quy định của các điều ước quốc tế đó.

Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó nêu nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương như điều tra, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo vệ đa dạng sinh học biển và hệ sinh thái biển; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; phòng chống tội phạm trên biển; phát triển du lịch biển…

– Quản lý Nhà nước về biển (Điều 7)

Quản lý biển là một công việc lớn và phức tạp, có liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Để đảm bảo nguyên tắc quản lý biển thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Luật biển Việt Nam quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biển trong phạm vi cả nước; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về biển.

2. Chương II: Vùng biển Việt Nam

Chương này bao gồm 14 Điều quy định về việc xác định đường cơ sở, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.

– Về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam (Điều 8)

Luật biển Việt Nam quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.

Năm 1982, Chính phủ đã ra Tuyên bố xác định đường cơ sở từ đảo Thổ Chu đến đảo Cồn Cỏ, gồm 10 đoạn thẳng gãy khúc nối giữa các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ và bờ biển Việt Nam được xác định theo phương pháp “đường cơ sở thẳng” quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và phù hợp với thực tiễn quốc tế. Thực tế là Công ước Luật Biển năm 1982 không quy định tiêu chí cụ thể cho việc vạch đường cơ sở mà chỉ nêu các nguyên tắc chung cho phương pháp xác định đường cơ sở mà thôi.

Căn cứ đường cơ sở năm 1982, chúng ta đã xác định các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế) và thềm lục địa Việt Nam; lấy đó làm cơ sở để xây dựng Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam trình Liên hợp quốc tháng 5/2009.

Các vùng biển và điểm cơ sở của Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân Việt Nam và từ lâu đã gắn mật thiết, không thể tách rời với các hoạt động trên đất liền. Do đó, đường cơ sở của Việt Nam phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 7 Công ước Luật Biển năm 1982: “…khi ấn định một số đoạn cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó (khu vực biển liên quan) mà thực tế và tầm quan trọng của vùng biển này đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng”. Trong 30 năm qua, ta đã triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt thủy hải sản, nghiên cứu khoa học biển, tiến hành các hoạt động tuần tra, bảo vệ môi trường biển, thực hiện quản lý nhà nước khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển này. Như vậy, đường cơ sở của ta đã được thừa nhận trên thực tế.

Một số khu vực hiện chưa có đường cơ sở như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì Chính phủ sẽ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

– Về phạm vi và chế độ pháp lý của nội thuỷ (Điều 9, Điều 10)

Nội thuỷ của nước ta là vùng nước nằm giữa bờ biển và đường cơ sở. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy.

– Về phạm vi và chế độ pháp lý của lãnh hải (Điều 11, Điều 12)

Lãnh hải của nước ta rộng 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m) kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Nhà nước ta thực hiện chủ quyền đối với lãnh hải Việt Nam, tuy nhiên tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải.

Về việc đi qua không gây hại trong lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài: Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải nước ta. Tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam.

Luật biển Việt Nam đã nội luật hóa các điều khoản thuộc Mục 3, Phần II trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải. Việc Luật quy định tàu quân sự nước ngoài thông báo trước khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam là phù hợp với thực tiễn quốc tế và không trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Cụ thể, quy định trên của Luật biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với khoản 1 (a) Điều 24 trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, theo đó đã quy định các quốc gia ven biển không được “áp đặt cho tàu thuyền nước ngoài những nghĩa vụ dẫn đến việc cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của các tàu thuyền này”. Luật biển Việt Nam chỉ quy định thông báo trước các thông tin liên quan, không yêu cầu phải xin phép như quy định của một số nước, do đó không phải là sự cản trở hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu quân sự nước ngoài. Trước đây, quy định của pháp luật Việt Nam yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước (Nghị định số 30/CP của Chính phủ năm 1980), nay Luật biển Việt Nam đã bỏ yêu cầu này và chỉ quy định cần thông báo để các cơ quan quản l‎ý biết, điều phối cho việc qua lại được thuận lợi.

Về phạm vi và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải (Điều 13, Điều 14)

Vùng tiếp giáp lãnh hải nằm ngoài lãnh hải và có chiều rộng 12 hải lý. Nhà nước ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác như đối với vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, ta có thêm một số quyền, cụ thể: tiến hành kiểm soát để ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Về phạm vi và chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Điều 15, Điều 16, Điều 17 và Điều 18)

Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Thềm lục địa của nước ta được xác định căn cứ vào phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài cùng của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài cùng của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Ở những khu vực mép ngoài cùng của lục địa rộng hơn 200 hải lý, ta có quyền mở rộng thềm lục địa Việt Nam đến 350 hải lý theo các điều kiện và thủ tục Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Nhà nước ta đã căn cứ vào quy định của Công ước tiến hành khảo sát thực tế đáy biển, xác định giới hạn thềm lục địa ở những khu vực rộng ra ngoài 200 hải lý. Năm 2009, Nhà nước ta đã gửi báo cáo về ranh giới thềm lục địa mở rộng của Việt Nam ở hai khu vực tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc xem xét.

Việc thực hiện các quyền và các hoạt động như: quyền tự do hàng hải, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm, tự do hàng không và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm trên thềm lục địa Việt Nam… phải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên và luật pháp của Việt Nam về biển. Luật biển Việt Nam cũng quy định vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển cũng thuộc chủ quyền của nước ta.

– Quy định về đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo, quần đảo (Điều 19, Điều 20 và Điều 21)

Luật biển Việt Nam khẳng định các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Nhà nước thực hiện chủ quyền trên các đảo, quần đảo này. Luật biển Việt Nam quy định đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; còn đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Quy định này tương tự như Điều 121 của Công ước Luật Biển năm 1982 và áp dụng chung cho tất cả các đảo, trong đó có các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đối với các bãi đá san hô ở hai quần đảo này không có điều kiện duy trì cuộc sống con người hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982).

3. Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam

Chương này bao gồm 20 Điều quy định về nội hàm của việc đi qua không gây hại trong lãnh hải; nghĩa vụ khi thực hiện quyền này; hoạt động của các loại tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta (tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm); quyền tài phán quân sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài; quy định tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; các hoạt động bị cấm trong vùng biển của ta…

– Quy định chung (Điều 22)

Luật biển Việt Nam nêu rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan. Đồng thời, phù hợp với nghĩa vụ của Nhà nước ta theo Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam cũng khẳng định Nhà nước ta tôn trọng và bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Đi qua không gây hại trong lãnh hải (Điều 23)

Phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (các Điều 17, 18 và 19), Luật biển Việt Nam quy định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam (tức là đi từ vùng biển nước khác hoặc vùng biển quốc tế qua lãnh hải nước ta để sang vùng biển nước khác hoặc ra vùng biển quốc tế).

Luật quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải nước ta. Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế, hoặc xuất nhập cảnh; cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; đánh bắt hải sản trái phép; nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt nam; Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

– Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại (Điều 24)

Luật biển Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, đường dây cáp ngầm, bảo tồn tài nguyên biển, giữ gìn môi trường biển…

Do tính chất đặc biệt và độ nguy hiểm cao của tàu thuyền chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở các chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm nên luật pháp quốc tế đòi hỏi các tàu thuyền nước ngoài như trên cần phải tuân thủ một số yêu cầu nghiêm ngặt hơn so với các tàu khác. Do vậy, Luật biển Việt Nam quy định nghĩa vụ của thuyền trưởng tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại hoặc nguy hiểm, khi đi trong lãnh hải Việt Nam, phải mang đầy đủ tài liệu kỹ thuật liên quan tới tàu thuyền và hàng hóa trên tàu thuyền, tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc; sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam mọi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền cũng như của hàng hóa trên tàu thuyền; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên áp dụng đối với loại tàu thuyền này; tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời ngay khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng rõ ràng về khả năng gây rò rỉ hoặc làm ô nhiễm môi trường.

– Tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại (Điều 25)

Luật biển Việt Nam nêu rõ Chính phủ quy định công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải. Đối với tàu thuyền nước ngoài chở dầu hoặc chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chuyên chỏ chất phóng xạ, chất độc hại hay nguy hiểm có thể bị buộc phải đi theo tuyền hàng hải riêng cho từng trường hợp.

– Vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải (Điều 26)

Phù hợp quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định Chính phủ có thể thiết lập các vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải nước ta khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, thảm hoạ môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh v..v..

Đối với tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài (Điều 27, Điều 28 và Điều 29)

Tàu chiến và tàu thuyền công vụ của nước ngoài là đối tượng đặc biệt nên các tàu này chỉ được vào nội thuỷ, các công trình cảng, bến hay nơi trú đậu của ta ở bên ngoài nội thuỷ của ta theo lời mời của Chính phủ ta hoặc theo thoả thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của nước ta và quốc gia mà tàu mang cờ.

Khi ở trong nội thuỷ, cảng của ta, các tàu này phải hoạt động phù hợp với lời mời hoặc thoả thuận và phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan. Nếu các tàu này vi phạm pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ các yêu cầu, mệnh lệnh của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam bao gồm cả việc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay lập tức nếu đang ở trong lãnh hải Việt Nam và quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại do tàu thuyền đó gây ra cho Việt Nam.

Luật biển Việt Nam cũng quy định tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác khi ở trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải nổi trên mặt nước, phải treo cờ quốc tịch (trừ trường hợp được Chính phủ Việt Nam cho phép hoặc có thoả thuận với chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ).

– Quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài (Điều 30, Điều 31)

Quyền tài phán hình sự này không áp dụng đối với tàu chiến và tàu thuyền công vụ nước ngoài. Khi tàu thuyền nước ngoài rời khỏi nội thủy Việt Nam và đang đi trong lãnh hải nước ta, các cơ quan và lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của ta có quyền tiến hành bắt giữ người hay điều tra đối với vụ tội phạm hình sự xảy ra trên tàu thuyền đó.

Khi tàu thuyền nước ngoài đang đi trong lãnh hải nước ta nhưng không phải ngay sau khi rời khỏi nội thuỷ của ta thì trên tàu xảy ra tội phạm hình sự, cơ quan tuần tra, kiểm soát trên biển của ta chỉ được bắt giữ người hay điều tra liên quan vụ tội phạm hình sự đó nếu như hậu quả của vụ đó mở rộng đến ta, hoặc vụ đó có tính chất phá hoại hoà bình hoặc trật tự trong lãnh hải của ta, hoặc có yêu cầu giúp đỡ từ phía thuyền trưởng hoặc viên chức ngoại giao, lãnh sự của nước mà tàu mang cờ hoặc là các biện pháp đó là cần tiết để chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Trong trường hợp tàu thuyền nước ngoài từ cảng nước ngoài đang đi qua lãnh hải nước ta để đi sang vùng biển nước khác và tội phạm hình sự xảy ra trên tàu trước khi tàu đó vào lãnh hải nước ta, các cơ quan tuần tra, kiểm soát trên biển của ta không có quyền bắt giữ người và điều tra đối với vụ phạm tội hình sự đó.

Quyền tài phán dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải nước ta bị hạn chế hơn nhiều so với quyền tài phán hình sự. Cụ thể là cơ quan tuần tra, kiểm soát của ta chỉ được bắt giữ hay xử lý tàu thuyền nước ngoài để thực hiện quyền tài phán dân sự nếu tàu thuyền đó đang đậu trong lãnh hải hoặc đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thuỷ của ta.

– Thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam (Điều 32)

Luật biển Việt Nam quy định việc thông tin liên lạc trong cảng, bến hay nơi trú đậu ở trong hoặc bên ngoài nội thuỷ Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.

– Tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn (Điều 33)

Luật biển Việt Nam quy định nguyên tắc mọi cá nhân, tàu thuyền tiến hành cứu giúp người, tàu thuyền gặp nạn nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm đến tàu thuyền và người đang ở trên tàu thuyền của mình; cơ quan có thẩm quyền có quyền huy động tàu thuyền Việt Nam và yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển nước ta tham gia tìm kiếm, cứu nạn nếu điều kiện cho phép và không gây nguy hiểm cho cá nhân và tàu thuyền được huy động, yêu cầu.

Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển (Điều 34)

Phù hợp với quy định của Điều 60 Công ước Luật Biển năm 1982, Luật biển Việt Nam quy định trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, Việt Nam có quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình trên biển. Nhà nước ta cũng thực hiện quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển. Đảo nhân tạo và các thiết bị, công trình trên biển chỉ có vành đai an toàn 500 mét nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.

Gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển (Điều 35)

Luật biển Việt Nam khẳng định nguyên tắc là khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan đến gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Đồng thời phù hợp với quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật biển Việt Nam quy định cấm nhận chìm, thải hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân, và các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam, cũng như trách nhiệm làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của Chính phủ ta phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

Nghiên cứu khoa học biển (Điều 36)

Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982 và thực tiễn của ta, Luật biển Việt Nam tập trung nêu các nguyên tắc tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng biển Việt Nam, cụ thể là vì mục đích hoà bình, phương thức và phương tiện thích hợp, không được gây cản trở đối với các hoạt động hợp pháp tuân thủ theo quy định của pháp luật nước ta và pháp luật quốc tế có liên quan. Nhà nước ta có quyền tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của nước ngoài trong vùng biển nước ta và được chia sẻ các tài liệu và mẫu vật giá, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển nước ta phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, chịu sự giám sát của ta.

– Những quy định cấm hoạt động trong vùng biển Việt Nam (Điều 37, Điều 38, Điều 39 và Điều 40)

Điều 37 Luật biển Việt Nam quy định rõ khi thực hiện các quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được khai thác trái phép tài nguyên (sinh vật và phi sinh vật), xây dựng lắp đặt trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học trái phép, gây ô nhiễm môi trường biển, đe doạ chủ quyền, an ninh, quốc phòng của Việt Nam… và các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Về việc cấm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại (Điều 38): Trong thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng một số ngư dân khi hành nghề đánh cá trên biển đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan trong khai thác hải sản như dùng mìn, chất nổ, xung điện để đánh cá, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển nước ta, gây tác hại đối với môi trường biển và sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển. Do đó, việc đưa quy định cấm tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây hại, gây ô nhiễm đối với người, tài nguyên và môi trường biển là cần thiết. Quy định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong các vùng biển nước ta.

Điều 39 Luật biển Việt Nam quy định cấm mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Khi có căn cứ về hành vi này, các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền khám xét, bắt giữ, dẫn giải về cảng, bến Việt Nam hoặc dẫn giải, chuyển giao đến cảng, bến nước ngoài để xử lý.

Điều 40 Luật biển Việt Nam quy định cấm phát sóng trái phép hoặc tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam khi tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

– Quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài (Điều 41)

Luật biển Việt Nam đã nội luật hóa quy định của Điều 111 Công ước Luật Biển năm 1982 nhằm thực thi quyền tài phán đối với vùng biển của mình, theo đó các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Việt Nam có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam, kể cả các vi phạm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc truy đuổi được bắt đầu sau khi đã phát tín hiệu yêu cầu tàu dừng lại và phải tiến hành một cách liên tục đến khi tàu thuyền vi phạm đi vào lãnh hải của quốc gia mà tàu mang cờ hoặc quốc gia thứ ba.

4. Chương IV: Phát triển kinh tế biển

Chương này gồm 5 Điều quy định về các nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển. Luật biển Việt Nam là luật cơ bản về biển của nước ta. Ngoài Luật biển Việt Nam, chúng ta đã có các luật chuyên ngành như Luật dầu khí, Luật thủy sản… Những nội dung cụ thể của các ngành kinh tế biển được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành.

– Nguyên tắc phát triển kinh tế biến (Điều 42)

Các nguyên tắc phát triển kinh tế biển là phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; gắn với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo.

– Phát triển các ngành kinh tế biển (Điều 43)

Luật biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biển hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.

– Quy hoạch phát triển kinh tế biển (Điều 44)

Trước hết việc lập quy hoạch phát triển kinh tế biển phải căn cứ vào chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, định hướng chiến lược phát triển bền vững và chiến lược biển của ta; đặc điểm, vị trí địa lý, quy luật tự nhiên của các vùng biển, vùng ven biển, hải đảo; kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, nguồn lực để thực hiện.

Luật biển Việt Nam xác định những nội dung chính của quy hoạch phát triển kinh tế biển như phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, xác định phương hướng mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên; phân vùng sử dụng biển v.v…

Chính phủ sẽ triển khai xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển và tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển trình Quốc hội xem xét, quyết định.

– Xây dựng và phát triển kinh tế biển (Điều 45)

Trên cơ sở Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Luật biển Việt Nam quy định việc xây dựng và phát triển kinh tế biển dựa trên nguyên tắc Nhà nước đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh tế tổng hợp, cụm công nghiệp ven biển, kinh tế huyện đảo theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững và việc sử dụng biển của các cá nhân, tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.

– Khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển (Điều 46)

Những hoạt động của nhân dân trên các đảo, quần đảo và trên các vùng biển của nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo và thực hiện phát triển kinh tế biển. Do đó, Luật biển Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần, phát triển kinh tế biển, có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống của dân cư sinh sống trên các đảo; đồng thời, khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư trên các đảo và hoạt động của ngư dân trên biển.

5. Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển

Chương này gồm 3 Điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.

– Các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển (Điều 47)

Để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, các quốc gia ven biển tổ chức nhiều lực lượng khác nhau. Đối với nước ta, Luật biển Việt Nam nêu các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Khi cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền sẽ huy động sự tham gia của các lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng bảo vệ của các cơ quan.

Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển (Điều 48)

Nhiệm vụ của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trong vùng biển, đảo của nước ta; bảo đảm việc tuân thủ các quy định pháp luật cũng như các điều ước quốc tế mà nước ta tham gia; bảo vệ tài sản Nhà nước, tài nguyên và môi trường biển; bảo vệ, giúp đỡ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với người, tàu thuyền hoạt động trong vùng biển, đảo của ta; và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng biển nước ta.

– Cờ, sắc phục và phù hiệu (Điều 49)

Theo Nghị định số 30/CP ngày 29 tháng 01 năm 1980, tàu thuyền của các lực lượng kiểm soát trên biển của ta phải mang quốc kỳ Việt Nam cùng với cờ hiệu ngành chuyên môn, nhân viên phải mang huy hiệu, phù hiệu theo quy định. Quy định này cần thiết để thực thi thẩm quyền công vụ của mình. Do đó, quy định của Điều 49 là sự kế thừa các quy định hiện hành.

6. Chương VI: Xử lý vi phạm

Chương này gồm 4 Điều quy định về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm; biện pháp bảo đảm tố tụng, xử lý vi phạm, biện pháp đối với đối tượng là người nước ngoài nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đúng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm Luật biển Việt Nam.

Dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm (Điều 50)

Trong quá trình xử lý vi phạm trên biển, do mức độ vi phạm không nghiêm trọng hoặc xuất phát từ chính sách nhân đạo, bộ đội biên phòng và các lực lượng tuần tra kiểm soát khác của ta ra các quyết định xử lý tại chỗ, ví dụ như đối với việc ngư dân nước ngoài vào đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta. Đối với những trường hợp khác, người và tàu thuyền vi phạm được các lực lượng tuần tra kiểm soát dẫn giải về cảng, bến gần nhất để xử lý.

Đối với những trường hợp tàu thuyền vi phạm bị các lực lượng tuần tra của ta truy đuổi và chạy vào lãnh hải của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc lãnh hải của quốc gia thứ ba, thì các lực lượng tuần tra, kiểm soát yêu cầu cơ quan liên quan của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ hoặc quốc gia mà tàu thuyền đó đến xử lý vi phạm.

Biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm (Điều 51 và Điều 53)

Để ngăn chặn việc vi phạm pháp luật và bảo đảm việc xử lý các vi phạm, các lực lượng tuần tra, kiểm soát có thể bắt giữ, tạm giam người và tàu thuyền vi phạm. Các biện pháp này cũng như hoạt động khởi tố, điều tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền sau đó cần phải theo đúng trình tự do pháp luật quy định.

Thông báo cho Bộ Ngoại giao (Điều 52)

Theo quy định của Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự cũng như các Hiệp định lãnh sự ký kết giữa nước ta với các nước khác, khi bắt giữ công dân của các nước khác, ta có nghĩa vụ thông báo cho đại diện ngoại giao, lãnh sự của quốc gia đó biết để quốc gia đó thực hiện bảo hộ đối với công dân của mình. Do đó, quy định ở trong Luật biển Việt Nam về việc thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao việc bắt giữ, tạm giam người và tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật là cần thiết.

7. Chương VII: Điều khoản thi hành

Chương này gồm 2 Điều quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

IV. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BIỂN VIỆT NAM SO VỚI CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ BIỂN TRƯỚC ĐÂY

Với việc ban hành Luật biển Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có một văn bản pháp lý tổng hợp có hiệu lực cao quy định một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến biển. Bên cạnh một số nội dung là sự kế thừa, tiếp nối các quy định đã có trước đây (như khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, phạm vi các vùng biển Việt Nam…), Luật Biển Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.

So với các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến biển của Việt Nam, Luật Biển Việt Nam có một số điểm mới quan trọng sau:

          1. Luật biển Việt Nam quy định một cách đầy đủ hơn về phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với quy định tương ứng trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

          2. Luật biển Việt Nam quy định rõ về quyền tự do hàng hải, hàng không trên vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam năm 2012 ngay tại Điều 1 đã quy định: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”. Mặc dù nội dung khẳng định này không phải là mới, nó đã được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện pháp lý trước đó và trong các Tuyên bố ngoại giao của Việt Nam. Tuy nhiên, khẳng định này vẫn thật sự có ý nghĩa và không thể thiếu trong một văn bản có giá trị pháp lý cao như luật; đồng thời nó củng cố thêm chứng cứ pháp lý cho Việt Nam khi xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

          3. Luật biển Việt Nam quy định chi tiết về việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam. Với quy định này của Luật biển Việt Nam, ta đã bỏ quy định trước đây yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam.

          4. Luật biển Việt Nam quy định các nguyên tắc lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước, hợp tác quốc tế về biển, quản lý và bảo vệ biển, phát triển kinh tế biển, tuần tra kiểm soát trên biển. Các quy định này một mặt khẳng định lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp về biển, đảo, đồng thời tạo khung pháp lý quan trọng để triển khai các công tác quản lý, bảo vệ biển và phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

          5. Luật biển nước ta đưa ra chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam. Luật Biển Việt Nam được thông qua với các quy định tại Chương IV thật sự đã tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế biển Việt Nam. Luật đã đề ra các nguyên tắc phát triển kinh tế biển; định hướng các ngành kinh tế biển được Nhà nước ưu tiên; nguyên tắc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển; khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển. Những quy định mang tính chất định hướng vừa nêu của Luật Biển, cùng với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là động lực để Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia “giàu từ biển, mạnh lên từ biển”.

          6. Thông qua Luật biển Việt Nam ở thời điểm hiện tại góp phần nâng cao hiệu quả quản lý biển, đảm bảo an toàn, an ninh trên biển. Luật Biển Việt Nam với một chương riêng quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển, nêu rõ lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển bao gồm: các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm sát chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, Luật còn quy định cụ thể nhiệm vụ của lực lượng này. Đây là cơ sở quan trọng góp phần ngăn chặn mọi hành vi của lực lượng thù địch, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.

          Như vậy, có thể khẳng định, Luật Biển Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay là một căn cứ pháp lí quan trọng, tiếp tục góp phần cũng cố, thể hiện sự tuyên bố mạnh mẽ trong bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một bước đi đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế giúp giải quyết vấn đề Biển Đông đang nóng bỏng trở nên hài hòa, cân đối dựa trên cơ sở pháp luật, không chỉ đảm bảo lợi ích quốc gia của Việt Nam mà còn là căn cứ xác định chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ pháp lí trên Biển Đông của  các quốc gia, dân tộc trong khu vực và thế giới.

Phần thứ tư

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC

CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982;

TUYÊN BỐ VỀ ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG

VÀ LUẬT BIỂN CỦA CANAĐA[1]

I. NỘI DUNG CƠ BẢN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982

Cách đây vừa đúng 30 năm, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Vịnh Mông-tê-gô (Gia-mai-ca), đánh dấu thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3, với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ. 

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước) là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX và là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên, tính đến thời điểm hiện nay. 

Công ước đã trù định toàn bộ các vấn đề liên quan đến các vùng biển của các quốc gia ven biển cũng như những vấn đề liên quan đến việc sử dụng, khai thác vùng biển quốc tế và đáy đại dương.

Những vấn đề cơ bản được đưa vào nội dung Công ước bao gồm: 

1. Phần I: Mở đầu, có 01 điều quy định về Sử dụng các thuật ngữ và phạm vi áp dụng;

2. Phần II: Lãnh hải và vùng tiếp giáp

– Mục I: Các quy định chung, có 01 điều quy định về Chế độ pháp lý của lãnh hải và vùng trời ở trên lãnh hải cũng như đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải;

– Mục II: Rang giới của lãnh hải, (từ điều 3 đến điều 16) quy định về: Chiều rộng của lãnh hải; Ranh giới phía ngoài của lãnh hải;Đường cơ sở thông thường; Các mỏm đá (recifs); Đường cơ sở thẳng; Nội thủy ; Cửa sông ; Vịnh ; Cảng ; Vũng tàu ; Bãi cạn lúc chìm lúc nổi; Sự kết hợp các phương pháp để vạch các đường cơ sở; Việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau; Hải đồ và bản kê các tọa độ địa lý.

– Mục III: Đi qua không gây hại trong lãnh hải

+ Tiểu mục A: Các quy tắc áp dụng cho tất cả các loại tàu thuyền, (từ điều 17 đến điều 26) quy định về: Quyền đi qua không gây hại; Nghĩa của thuật ngư “Đi qua” (Passage); Nghĩa của thuật ngữ “đi qua không gây hại” (Passage inoffensif); Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác; Các luật và quy định của quốc gia ven biển liên quan đến việc đi qua không gây hại; Các tuyến đường và cách bố trí phân chia luồng giao thông ở trong lãnh hải; Tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu thuyền chuyên chở các chất phóng xạ hay các chất vốn nguy hiểm hoặc độc hại; Các nghĩa vụ của quốc gia ven biển; Quyền bảo vệ các quốc gia ven biển; Lệ phí đối với tàu thuyền nước ngoài.

+ Tiểu mục B: quy tắc áp dụng cho tàu buôn và tàu nhà nước dùng vào mục đích thương mại, (điều 27 và điều 28) quy định về: Quyền tài phán hình sự ở trên một tàu nước ngoài; Quyền tài phán dân sự đối với các tàu thuyền nước ngoài.

+ Tiểu mục C: quy tắc áp dụng cho các tàu chiến và các tàu thuyền khác của nhà nước được dùng vào những mục đích không thương mại, (từ điều 29 đến điều 32) quy định về: Định nghĩa “tàu chiến” (navire de guerre); Tàu chiến không tuân thủ các luật và quy định của quốc gia ven biển; Trách nhiệm của quốc gia mà tàu mang cờ đối với hành động của một tàu chiến hay một tàu khác của Nhà nước; Các quyền miễn trừ của các tàu chiến và các tàu khác của Nhà nước dùng vào những mục đích không thương mại

– Mục IV: Vùng tiếp giáp, (điều 33) quy định về Vùng tiếp giáp

3. Phần III: Eo biển dùng cho hàng hải quốc tế

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 34 đến điều 36) quy định về: Chế độ pháp lý của vùng nước các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế; Phạm vi áp dụng của phần này Không một quy định nào của phần này được đụng chạm đến; Các đường ở biển cả hay đường qua một vùng đặc quyền kinh tế nằm trong các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế.

– Mục II: Quá cảnh, (từ điều 37 đến điều 44) quy định về: Phạm vi áp dụng của mục này; Quyền quá cảnh; Các nghĩa vụ của tàu thuyền và phương tiện bay trong khi quá cảnh; Nghiên cứu và đo đạc thủy văn; Các tuyến đường và các cách bố trí phân chia luồng giao thông trong các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế; Các luật và quy định của quốc gia ven eo biển liên quan đến việc quá cảnh; Các thiết bị an toàn, bảo đảm hàng hải và các thiết bị khác, và việc ngăn ngừa hạn chế, chế ngự ô nhiễm môi trường; Các nghĩa vụ của các quốc gia ven eo biển.

– Mục III: Đi qua không gây hại (điều 45) quy định về: Đi qua không gây hại

4. Phần IV: Các quốc gia quần đảo, (từ điều 46 đến điều 54) quy định về: Sử dụng các thuật ngữ; Đường cơ sở quần đảo; Đo chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa; Chế độ pháp lý của các vùng nước quần đảo và vùng trời ở trên cũng như đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển đó; Hoạch định ranh giới nội thủy; Các điều ước hiện hành, các quyền đánh bắt hải sản truyền thống và các dây cáp ngầm đã được lắp đặt; Quyền đi qua không gây hại; Quyền đi qua vùng nước quần đảo; Các nghĩa vụ của tàu thuyền và phương tiện bay trong khi đi qua, nghiên cứu và đo đạc thủy văn, các nghĩa vụ của quốc gia quần đảo, các luật và quy định của quốc gia quần đảo liên quan đến việc đi qua quần đảo

5. Phần V: Vùng đặc quyền kinh tế, (từ điều 55 đến điều 75) quy định về: Chế độ pháp lý riêng của vùng đặc quyền về kinh tế; Các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế; Chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế; Các quyền và các nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền về kinh tế; Cơ sở giải quyết các tranh chấp trong trường hợp Công ước không quy định rõ các quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền về kinh tế; Các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền về kinh tế; Bảo tồn các nguồn lợi sinh vật; Khai thác tài nguyên sinh vật ; Các đàn cá (stocks) ở trong vùng độc quyền về kinh tế của nhiều quốc gia ven biển hoặc đồng thời ở trong vùng đặc quyền về kinh tế và trong một khu vực tiếp liền với vùng đặc quyền về kinh tế; Các loài cá di cư xa (Grands migranteurs) ; Loài có vú ở biển (Mammiferes marins) ; Các đàn cá vào sông sinh sản (Stocks de poissons anadromes) ; Các loài cá ra biển sinh sản (espèces catadromes) ; Các loài định cư (espèces sédentaires) ; Quyền của các quốc gia không có biển ; . Quyền của các quốc gia bất lợi về địa lý ; Trường hợp các Điều 69 và 70 không thể áp dụng được đối với các quốc gia ven biển có nền kinh tế lệ thuộc rất nặng nề vào việc khai thác tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền về kinh tế của mình; Những hạn chế về chuyển giao các quyền; Thi hành các luật và quy định của quốc gia ven biển ; Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau ; Các hải đồ và các bản kê tọa độ địa lý.

6. Phần VI: Thềm lục địa, (từ điều 76 đến điều 85) quy định về : Định nghĩa thềm lục địa; Các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa; Chế độ pháp lý của vùng nước và vùng trời ở phía trên, và các quyền và các tự do của các quốc gia khác; Các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa; Các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Điều 60 áp dụng mutatis mutandis (với những sửa đổi cần thiết và chi tiết) đối với các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa; Việc khoan ở thềm lục địa ; Những khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật vào việc khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý ; Hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau ; Các hải đồ và bản kê các tọa độ địa lý ; Việc đào đường hầm.

7. Phần VII: Biển cả

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 86 đến điều 115) quy định về : Phạm vi áp dụng của phần này; Tự do trên biển cả; Sử dụng biển cả vào mục đích hòa bình; Tính bất hợp pháp của những yêu sách về chủ quyền đối với biển cả; Điều kiện pháp lý của tàu thuyền; Các tàu thuyền treo cờ của Tổ chức Liên hợp quốc, của cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc hay của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế; Các nghĩa vụ của quốc gia mà tàu thuyền mang cờ; Quyền miễn trừ của các tàu chiến trên biển cả; Quyền miễn trừ của các tàu thuyền chỉ dùng cho một cơ quan Nhà nước không có tính chất thương mại; Quyền tài phán hình sự về tai nạn đâm va hoặc bất cứ sự cố hàng hải nào; Nghĩa vụ giúp đỡ; Cấm chuyên chở nô lệ; Nghĩa vụ hợp tác để trấn áp nạn cướp biển; Định nghĩa cướp biển; Hành động cướp biển của một tàu chiến, một tàu Nhà nước hay một phương tiện bay của Nhà nước mà đoàn thủy thủ hay đội bay đã nổi loạn gây ra; Định nghĩa một tàu hay một phương tiện bay cướp biển ; Giữ hay mất quốc tịch của một con tàu hay một phương tiện bay cướp biển; Bắt giữ một chiếc tàu hay phương tiện bay cướp biển ; Trách nhiệm trong trường hợp bắt giữ một cách độc đoán ; Các tàu và phương tiện bay có đủ tư cách để thực hiện việc bắt giữ vì lý do cướp biển; Buôn bán trái phép các chất ma túy và các chất kích thích ; Phát sóng không được phép từ biển cả; Quyền khám xét ; Quyền truy đuổi ; Quyền đặt các dây cáp hay ống dẫn ngầm ; Về việc một dây cáp hay một ống dẫn ngầm bị đứt đoạn hay bị hư hỏng; Về việc một dây cáp hay một ống dẫn ngầm bị đứt đoạn hay hư hỏng do người chủ của một dây cáp hay một ống dẫn khác gây ra; Bồi thường những thiệt hại gây ra do việc tránh làm hư hỏng một dây cáp hay ống dẫn ngầm.

– Mục II: Bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của biển cả, (từ điều 116 đến điều 120) quy định về: Quyền đánh bắt ở biển cả; Nghĩa vụ của các quốc gia có các biện pháp bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển cả đối với các công dân của mình ; Sự hợp tác của các quốc gia trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển ; Việc bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển cả; Các loài có vú ở biển.

8. Phần VIII: Chế độ các đảo, điều 121 quy định về Chế độ các đảo.

9. Phần IX: Biển kín hay nửa kín, (điều 122 và điều 123) quy định về: Định nghĩa ;Sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển kín hay nửa kín.

10. Phần X: Quyền của các quốc gia không có biển đi ra biển và từ biển vào, và tự do quá cảnh, (từ điều 124 đến điều 132) quy định về: Sử dụng các thuật ngữ; Quyền đi ra biển và từ biển vào, và tự do quá cảnh; Loại trừ việc áp dụng điều khoản tối huệ quốc; Các thuế quan, thuế và các khoản lệ phí khác; Vùng miễn thuế và các điều kiện thuận lợi khác về hải quan; Sự hợp tác trong việc đóng và cải tiến các phương tiện vận chuyển; Các biện pháp nhằm tránh tình trạng chậm trễ hay những khó khăn có tính chất kỹ thuật trong việc vận chuyển quá cảnh, hay nhằm để loại trừ các nguyên nhân gây ra tình trạng đó; Việc đối xử bình đẳng ở trong các cảng biển; Việc dành những điều kiện thuận lợi rộng rãi hơn cho việc quá cảnh.

11. Phần XI: Vùng

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 133 đến điều 135) quy định về: Sử dụng các thuật ngữ; Phạm vi áp dụng của phần này; Chế độ pháp lý của vùng nước và vùng trời nói trên.

– Mục II: Các nguyên tắc quản lý vùng, (từ điều 136 đến điều 149) quy định về: Di sản chung của loài người; Chế độ pháp lý của Vùng và các tài nguyên của nó; Cách xử sự chung của các quốc gia liên quan đến Vùng; Nghĩa vụ chăm lo đến việc tôn trọng Công ước và trách nhiệm trong trường hợp có thiệt hại; Lợi ích của loài người; Sử dụng vùng vào những mục đích hoàn toàn hòa bình; Các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển; Việc nghiên cứu khoa học biển; Chuyển giao kỹ thuật; Bảo vệ môi trường biển; Bảo vệ sự sống của con người; Sự phù hợp của các biện pháp được tiến hành ở trong Vùng và các hoạt động khác đang thực hiện trong môi trường biển; Sự tham gia của các quốc gia đang phát triển vào các hoạt động tiến hành trong Vùng; Các di vật khảo cổ và lịch sử.

– Mục III: Khai thác các tài nguyên của Vùng, (từ điều 150 đến điều 155) quy định về: Chính sách chung liên quan đến các hoạt động tiến hành trong Vùng; Chính sách về sản xuất; Việc thi hành các quyền hạn và chức năng; Hệ thống thăm dò và khai thác; Xem xét định kỳ; Hội nghị xét duyệt lại 1. 15 năm sau ngày mùng 01 tháng Giêng của năm bắt đầu sản xuất hàng hóa.

– Mục IV: Cơ quan quyền lực

+ Tiểu mục A: Những quy định chung, (từ điều 156 đến điều 158) quy định về việc: Thành lập Cơ quan quyền lực; Tính chất của Cơ quan quyền lực và các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh hoạt động của cơ quan này; Các cơ quan của Cơ quan quyền lực.

+ Tiểu mục B: Đại Hội đồng, (điều 159 và điều 160) quy định về: Cơ cấu, thủ tục và biểu quyết; Các quyền hạn và chức năng.

+ Tiểu mục C: Hội đồng, (từ điều 161 đến điều 165) quy định về: Cơ cấu, thủ tục và bỏ phiếu; Các quyền hạn và chức năng; Các cơ quan của Hội đồng; Ủy ban kế hoạch hóa kinh tế; Ủy ban pháp lý và kỹ thuật.

+ Tiểu mục D: Ban Thư ký, (từ điều 166 đến điều 169) quy định về: Ban thư ký; Nhân viên của Cơ quan quyền lực; Tính chất quốc tế của Ban thư ký; Tham khảo ý kiến và hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

+ Tiểu mục E: Xí nghiệp, điều 170 quy định về Xí nghiệp.

+ Tiểu mục F: Tổ chức hành chính của cơ quan quyền lực (từ điều 171 đến điều 175) quy định về: Các nguồn tài chính của Cơ quan quyền lực; Ngân sách hàng năm của Cơ quan quyền lực; Chi phí của Cơ quan quyền lực; Quyền vay vốn của Cơ quan quyền lực; Kiểm tra tài chính hàng năm.

+ Tiểu mục G: quy chế pháp lý, các đặc quyền và quyền miễn trừ (từ điều 176 đến điều 183) quy định về: Quy chế pháp lý; Các đặc quyền và quyền miễn trừ; Quyền miễn trừ về mặt tài phán và tịch thu tài sản ; Quyền miễn trừ khám xét và miễn mọi hình thức sai áp khác; Quyền miễn trừ mọi sự kiểm soát, hạn chế, quy định hay lệnh tạm hoãn nợ; Hồ sơ và các thông tin chính thức của Cơ quan quyền lực; Các đặc quyền và quyền miễn trừ đối với các nhân viên hoạt động trong khuôn khổ của Cơ quan quyền lực ; Miễn thuế hay lệ phí và miễn thuế quan.

+ Tiểu mục H: đình chỉ việc hưởng các quyền và đặc quyền của các thành viên , (điều 184 và điều 185) quy định về: Đình chỉ quyền bỏ phiếu; Đình chỉ việc hưởng các quyền và đặc quyền vốn có của các thành viên.

– Mục V: Giải quyết các tranh chấp và ý kiến tư vấn (từ điều 185 đến điều 191) quy định về : Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển của Tòa án quốc tế về luật biển; Thẩm quyền của Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển; Việc đưa những vụ tranh chấp ra trước một Viện đặc biệt của Tòa án quốc tế về luật biển hay ra trước một viện ad-hoc (đặc biệt) của Viện giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển hay ra trước một trọng tài thương mại bắt buộc; Giới hạn thẩm quyền liên quan đến các quyết định của Cơ quan quyền lực; Sự tham gia tố tụng và ra trước tòa của các quốc gia thành viên đã nhận bảo trợ; Ý kiến tư vấn.

12. Phần XII: Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 192 đến điều 196) quy định về: Nghĩa vụ chung ; Quyền thuộc chủ quyền của các quốc gia khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình ; Các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển ; Nghĩa vụ không được đùn đẩy thiệt hại hay các nguy cơ và không được thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác ; Sử dụng các kỹ thuật hay du nhập các loài ngoại lai hoặc mới.

– Mục II: Hợp tác trên phạm vi thế giới và khu vực (từ điều 197 đến điều 201) quy định về: Hợp tác trên phạm vi thế giới hoặc khu vực; Thông báo về một nguy cơ gây thiệt hại sắp xảy ra hay thông báo về một thiệt hại thực sự; Kế hoạch khẩn cấp chống ô nhiễm; Công tác nghiên cứu, các chương trình nghiên cứu và trao đổi thông tin và các dữ kiện ; Tiêu chuẩn khoa học để soạn thảo các quy định.

– Mục III: Giúp đỡ kỹ thuật (điều 202 và điều 203) quy định về: Giúp đỡ cho các quốc gia đang phát triển trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật ; Việc đối xử ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển.

– Mục IV: Giám sát liên tục và đánh giá về sinh thái (điều 204 đến điều 206) quy định về: Giám sát liên tục các nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng của ô nhiễm; Việc công bố các báo cáo; Đánh giá những tác dụng tiềm tàng của các hoạt động.

– Mục V: Quy định quốc tế và luật trong nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, (từ điều 207 đến điều 212) quy định về: Ô nhiễm do các hoạt động tiến hành trong Vùng gây ra ; Ô nhiễm do sự nhận chìm ; Ô nhiễm do tàu thuyền gây ra ; Ô nhiễm có nguồn gốc từ bầu khí quyển hay qua bầu khí quyển.

– Mục VI: Việc áp dụng, (từ điều 213 đến điều 222) quy định về: Việc áp dụng quy định liên quan đến ô nhiễm xuất phát từ đất; Việc áp dụng các quy định liên quan đến ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển gây ra ; Việc áp dụng quy định quốc tế liên quan đến ô nhiễm do các hoạt động tiến hành trong Vùng gây ra ; Việc áp dụng quy định liên quan đến ô nhiễm do việc nhận chìm ; Các quyền hạn của các quốc gia mà tàu mang cờ; . Các quyền hạn của quốc gia có cảng ; Các biện pháp kiểm tra khả năng đi biển nhằm tránh ô nhiễm ; Các quyền hạn của quốc gia ven biển ; Các biện pháp nhằm ngăn chặn ô nhiễm tiếp theo sau một tai nạn xảy ra trên biển ; Việc áp dụng quy định liên quan đến ô nhiễm có nguồn gốc từ bầu khí quyển hay qua bầu khí quyển.

– Mục VII: Các bảo đảm, (từ điều 223 đến điều 233) quy định về: Các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai một vụ kiện; Việc thi hành các quyền cảnh sát; Nghĩa vụ đối với các quốc gia tránh các hậu quả tai hại có thể xảy ra trong khi thi hành các; quyền cảnh sát của họ ; Các cuộc điều tra có thể được tiến hành đối với tàu thuyền nước ngoài; Việc không phân biệt đối xử với tàu thuyền nước ngoài; Việc đình chỉ các cuộc truy tố và các hạn chế đối với việc truy tố; Việc kiện về trách nhiệm dân sự; Các hình thức sử phạt bằng tiền và việc tôn trọng quyền bào chữa; Việc tôn trọng thông báo cho quốc gia mà tàu mang cờ và cho các quốc gia hữu quan khác; Trách nhiệm của các quốc gia về biện pháp thi hành ; Các bảo đảm liên quan đến các eo biển dung cho hàng hải quốc tế.

– Mục VIII: Những khu vực bị băng bao phủ, điều 234 quy định về Các khu vực bị băng bao phủ.

– Mục IX: Trách nhiệm, điều 235 quy định về Trách nhiệm của các quốc gia.

– Mục X: Việc miễn trừ có tính chất chủ quyền, điều 236 quy định về việc miễn trừ có tính chất chủ quyền.

– Mục XI: Nghĩa vụ phát sinh từ các công ước khác về việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, điều 237 quy định về Các nghĩa vụ phát sinh từ các công ước khác về việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

13. Phần XIII: Viện nghiên cứu khoa học biển

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 238 đến điều 241), quy định về: Quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển; Nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học biển; Các nguyên tắc chung chi phối việc chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển; Việc không thừa nhận công tác nghiên cứu khoa học biển với tư cách là cơ sở pháp lý cho một yêu sách nào đó.

– Mục II: Sự hợp tác quốc tế, (từ điều 242 đến điều 244), quy định về: Nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế; Việc tạo ra các điều kiện thuận lợi; Việc công bố và phổ biến các thông tin và kiến thức.

– Mục III: Sự chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển và hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công việc này, (từ điều 245 đến điều 257), quy định về: Việc nghiên cứu khoa học biển ở trong lãnh hải; Việc nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa; Các dự dán nghiên cứu do các tổ chức quốc tế thực hiện hay duới sự bảo trợ của các tổ chức này; Nghĩa vụ cung cấp các thông tin cho quốc gia ven biển; Nghĩa vụ tuân thủ một số điều kiện; Các thông tin liên lạc liên quan đến các dự án nghiên cứu khoa học biển; Các tiêu chuẩn chung và các nguyên tắc chỉ đạo; Việc đinh chỉ hoặc chấm dứt công việc nghiên cứu khoa học biển; Các quyền của các quốc gia láng giềng không có biển và các quốc gia láng giềng có hoàn cảnh địa lý bất lợi; Những biện pháp nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu khoa học biển và giúp đỡ cho các tàu thuyền nghiên cứu; Việc nghiên cứu khoa học biển trong Vùng; Việc nghiên cứu khoa học biển trong phần nuớc nằm ngoài ranh giới của vùng đặc quyền về kinh tế.

– Mục IV: Các thiết bị và dụng cụ nghiên cứu khoa học trong môi trường biển, (từ điều 258 đến điều 262), quy định về: Việc đặt và sử dụng; Chế độ pháp lý; Khu vực an toàn; Nghĩa vụ không đuợc gây trở ngại cho hàng hải quốc tế; Dấu hiệu nhận dạng và phương tiện báo hiệu.

– Mục V: Trách nhiệm, điều 263 quy định về: Trách nhiệm.

– Mục VI: Giải quyết các tranh chấp và các biện pháp bảo đảm, (điều 264 và điều 265), quy định về việc: Việc giải quyết các tranh chấp; Các biện pháp bảo đảm.

14. Phần XIV: Phát triển và chuyển giao kỹ thuật biển

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 266 đến điều 269), quy định về: Việc xúc tiến phát triển và chuyển giao các kỹ thuật biển; Việc bảo vệ các lợi ích chính đáng; Các mục tiêu cơ bản; Các biện pháp được thi hành để đạt tới các mục tiêu cơ bản.

– Mục II: Về hợp tác quốc tế, (từ điều 270 đến điều 274) quy định về: Khuôn khổ và hợp tác quốc tế; Các nguyên tắc chỉ đạo, các tiêu chuẩn và quy phạm; Việc phối hợp các chương trình quốc tế; Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và Cơ quan quyền lực; Các mục tiêu của Cơ quan quyền lực.

– Mục III: Các trung tâm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật biển của quốc gia và khu vực, (từ điều 275 đến điều 277) quy định về: Việc thành lập các trung tâm quốc gia; Việc thành lập các trung tâm khu vực; Những chức năng của các trung tâm khu vực.

– Mục IV: Việc hợp tác giữa các tổ chức quốc tế, điều 278 quy định về Việc hợp tác giữa các tổ chức quốc tế.

15. Phần XV: Giải quyết các tranh chấp

– Mục I: Các quy định chung, (từ điều 279 đến điều 285) quy định về : Nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình; Giải quyết các tranh chấp bằng bất kỳ phương pháp hòa bình nào do các bên lựa chọn; Thủ tục phải tuân theo khi các bên không đạt tới một cách giải quyết ; Các nghĩa vụ xuất phát từ các hiệp định chung, khu vực hay hai bên; Nghĩa vụ tiến hành các cuộc trao đổi về quan điểm; Việc hòa giải; Việc áp dụng mục này cho các vụ tranh chấp đã được đưa ra theo phần XI.

– Mục II: Các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc, (từ điều 286 đến điều 296) quy định về: Phạm vi áp dụng mục này; Việc lựa chọn thủ tục; Thẩm quyền; Các chuyên viên; Những biện pháp bảo đảm; Việc sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp; Giải phóng ngay cho tàu thuyền bị cầm giữ hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó; Luật có thể áp dụng; Các thủ tục sơ bộ; Trường hợp các biện pháp tố tụng nội bộ đã được sử dụng hết; Tính chất tối hậu và bắt buộc của các quyết định.

– Mục III: Các giới hạn và ngoại lệ đối với việc áp dụng, (từ điều 297 đến điều 299) quy định về: Các giới hạn áp dụng mục 2; Những ngoại lệ không bắt buộc đối với việc áp dụng Mục 2; Quyền của các bên trong việc thỏa thuận các thủ tục.

16. Phần XVI: Các quy định chung, (từ điều 300 đến điều 304) quy định về: Thiện chí và lạm quyền; Việc sử dụng biển vào những mục đích hòa bình; Việc tiết lộ các thông tin; Các hiện vật khảo cổ và lịch sử được phát hiện ở biển ; Trách nhiệm trong trường hợp xảy ra thiệt hại.

17. Phần XVII: Các quy định cuối cùng, (từ điều 305 đến điều 320) quy định về: Ký kết; Việc phê chuẩn và việc xác nhận chính thức; Việc tham gia; Có hiệu lực; Các bảo lưu và ngoại lệ; Các tuyên bố; Mối quan hệ với các công ước và điều ước quốc tế khác; Sửa đổi; Việc sửa đổi bằng thủ tục đơn giản hóa; Những điều sửa đổi đối với các qui định của Công ước chỉ liên quan đến các hoạt động tiến hành trong Vùng; Những điều sửa đổi: ký, phê chuẩn, tham gia và các văn bản chính thức; Các điều sửa đổi có hiệu lực; Việc từ bỏ; Quy chế của các phụ lục; Người lưu chiểu; Các văn bản chính thức.

Công ước được đánh giá là bản Hiến pháp về đại dương. Những quy định của Công ước là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị – xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau. 

Việt Nam là một trong số 107 quốc gia tham gia ký Công ước ngay trong ngày văn bản này được mở và để ký. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 của Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển 1982, nước CHXHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”. 
Việc Việt Nam trở thành thành viên của Công ước có ý nghĩa rất to lớn vì Công ước là cơ sở pháp lý quốc tế xác nhận các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển. Việc tham gia Công ước chính thức hóa cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Gia nhập Công ước, nước ta được quốc tế thừa nhận có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. 

Công ước còn là cơ sở pháp lý quốc tế cho việc phân định vùng biển chồng lấn giữa nước ta với các nước ven Biển Đông, góp phần tạo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Vận dụng Công ước, trong những năm qua chúng ta đã tiến hành đàm phán, phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa nước ta với các nước xung quanh Biển Đông như: phân định ranh giới biển với Thái lan (năm 1997); phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (năm 2000); phân định ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xia (năm 2003). 

18 năm sau khi phê chuẩn Công ước, ngày 21/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên, Luật Biển Việt Nam đã quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo đúng nội dung của Công ước. Luật Biển Việt Nam là cơ sở quan trọng cho việc thống nhất quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta. Qua việc thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã làm cho thế giới thấy rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn luôn tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. 

Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và tuân thủ Công ước, vận dụng Công ước để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, không làm gì để tình hình phức tạp thêm, phù hợp với các quy định của Công ước. 

Kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng sức mạnh tổng hợp; kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông và các vấn đề nảy sinh trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của Công ước, tích cực vận dụng Công ước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia.

II. TUYÊN BỐ VỀ ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG (DOC)

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 01/10/2002 tại Campuchia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Nội dung cơ bản của DOC 2002

Một là, các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông – Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế. Cam kết này mang tính chủ đạo. Một mặt nó gắn với nghĩa vụ của các bên theo các văn kiện quốc tế mang tính toàn cầu là Hiến chương LHQ và Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó cam kết này cũng gắn với nghĩa vụ của các bên theo điều ước quốc tế mang tính khu vực liên quan các nước là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.

Hai là, các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Căn cứ luật pháp quốc tế cũng như quy định tại Ðiều 33 của Hiến chương LHQ thì các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp gồm có thương lượng, môi giới, trung gian, hòa giải, trọng tài và tòa án quốc tế. Ðiều này có nghĩa là các bên có rất nhiều sự lựa chọn và các bên hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn các biện pháp hòa bình này. Ðiều mấu chốt là các bên không được đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Ðông.

Ba là, các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Ðông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Theo các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982, tàu thuyền của mọi quốc gia (bất kể ở trong khu vực hay ngoài khu vực) đều được quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Ðông cũng như vùng biển quốc tế ngoài phạm vi 200 hải lý; tàu bay của mọi quốc gia được quyền tự do bay trên vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven Biển Ðông và ở vùng trời trên các vùng biển quốc tế. Mục đích của việc các nước ASEAN và Trung Quốc đưa quy định này vào DOC chính là tái khẳng định lại nghĩa vụ của họ theo Công ước Luật Biển năm 1982.

Bốn là, các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở. Thực hiện cam kết này vừa tạo điều kiện cho việc tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước trong khu vực vừa tạo tiền đề cần thiết cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông từng bước tìm kiếm các giải pháp cho các tranh chấp. Hoà bình và ổn định ở Biển Đông cũng gắn với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Do đó việc thực hiện cam kết này cũng chính là để đóng góp tích cực cho việc duy trì hoà bình của khu vực và trên thế giới.

Năm là, các bên đồng ý căn cứ vào các nguyên tắc Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông – Nam Á, 5 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin. Từ cam kết mang tính nguyên tắc đó, ASEAN và Trung Quốc nhất trí là trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các bên cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như:

  • Tiến hành đối thoại quốc phòng;
  • Đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển;
  • Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự;
  • Trao đổi thông tin liên quan trên cơ sở tự nguyện.

Sáu là, các bên đồng ý trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Ðông, các bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như

  • Bảo vệ môi trường biển,
  • Nghiên cứu khoa học biển,
  • An toàn và an ninh hàng hải,
  • Tìm kiếm, cứu nạn trên biển,
  • Đđấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia (buôn bán ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và buôn lậu vũ khí).

Các bên sẽ thỏa thuận phương thức, địa điểm và phạm vi của các hoạt động hợp tác này trước khi triển khai.

Bảy là, các bên long trọng cam kết tôn trọng các quy định của DOC và hành động phù hợp với các nội dung của DOC. ASEAN và Trung Quốc đồng ý sẽ cùng nhau hợp tác trên cơ sở đồng thuận để đạt mục tiêu cuối cùng cao hơn là thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Các bên đều nhất trí rằng việc thông qua Bộ Quy tắc đó sẽ tăng cường hơn nữa hòa bình và ổn định của khu vực. Ðồng thời ASEAN và Trung Quốc cũng khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng các nguyên tắc trong DOC.

III. LUẬT BIỂN CỦA CANAĐA[2]

Về cơ bản, Luật biển Canađa là một đạo luật toàn diện bao gồm từ những quy định về các vùng biển, thẩm quyền của các cơ quan liên quan cho đến cơ chế quản lý biển, Luật biển Canađa đã quy định một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho việc quản lý biển hiện đại. Cụ thể, Luật biển Canađa được cơ cấu thành 3 phần: Phần I – Các vùng biển của Canađa; Phần II – Chiến lược quản lý biển; và Phần III – Quyền hạn, nghĩa vụ và chức năng của Bộ trưởng.

– Phần I: Luật biển Canađa chủ yếu xác định các vùng biển của Canađa cùng với các quy chế pháp lý của chúng theo những nguyên tắc của Công ước năm 1982. Theo đó, đạo luật khẳng định các vùng biển của Canađa bao gồm: Vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa theo những tiêu chí về nguyên tắc, chiều rộng mà Công ước Luật biển 1982 đã quy định. Chẳng hạn Điều 6 Luật biển Canađa năm 1997 quy định:

“Vùng nội thủy của Canađa là những vùng nước nằm phía trong đường cơ sở về phía bờ dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Canađa”.

Về chiều rộng của các vùng biển, Điều 4 Luật biển Canađa xác định:

“Vùng lãnh hải của Canađa là vùng biển có giới hạn phía trong là đường cơ sở và giới hạn phía ngoài là đường nối những điểm cách đường cơ sở một khoảng là 12 hải lý”.

Hoặc Điều 10 Luật biển Canađa năm 1997 quy định: “Vùng tiếp giáp của Canađa là vùng biển có giới hạn phía bên trong là vùng lãnh hải của Canađa và có giới hạn bên ngoài là đường nối những điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Canađa và cách đường cơ sở một khoảng là 24 hải lý, nhưng không bao gồm vùng biển thuộc lãnh hải hoặc thuộc chủ quyền của quốc gia khác”.

Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng được Điều 13 Luật biển Canađa xác định tuận theo những nguyên tắc của Công ước Luật biển năm 1982 lấy tiêu chí 200 hải lý làm cơ sở: “Vùng đặc quyền kinh tế của Canađa bao gồm vùng biển ra xa từ phía bờ, tiếp liền với vùng lãnh hải của Canađa và có giới hạn phía ngoài là đường nối các điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Canađa và cách đường cơ sở một khoảng là 200 hải lý”. Tất nhiên, các tiêu chí 12, 24, hoặc 200 hải lý dùng để xác định các vùng biển trong những trường hợp thông thường. Còn ở những vùng biển liền kề hoặc đối diện với lãnh thổ hoặc vùng biển của quốc gia khác mà chiều rộng nhỏ hơn 24. hoặc 200 hải lý thì việc xác định chiều rộng các vùng biển phải theo những nguyên tắc khác.

Ngoài ra, Phần I của Luật biển Canađa cũng có những quy định về quy chế pháp lý của các vùng biển, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước về biển như: Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật của liên bang và pháp luật của các bang cũng như thẩm quyền của Tòa án cũng được xác định tại phần I của Luật biển Canađa.

– Phần II: Luật biển Canađa chủ yếu tập trung vào vấn đề xây dựng một số chiến lược quản lý biển ở tầm quốc gia nhằm nâng cao quản lý bền vững các vùng biển Canađa. Đạo luật quy định Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương là người có quyền lãnh đạo quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược biển Canađa trong mối quan hệ hợp tác với các chủ thể liên quan khác.

Điều 29 Luật biển Canađa năm 1997 quy định:

“Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương, trong mối quan hệ hợp tác với các bộ, ban ngành liên quan khác của Chính phủ Canađa, với chính phủ các bang và vùng lãnh thổ và các tổ chức bản địa, các cộng đồng ven biển và tổ chức cá nhân liên quan khác, bao gồm cả các tổ chức hình thành trong các thỏa thuận về yêu sách đất đai, sẽ lãnh đạo và hỗ trợ phát triển và tổ chức thực hiện một chiến lược quốc gia về quản lý các hệ sinh thái ven biển và đại dương ở những vùng nước thuộc một phần lãnh thổ của Canađa hoặc ở nơi mà Canađa có quyền chủ quyền theo luật pháp quốc tế”.

Một vấn đề cũng khá quan trọng khác của phần II Luật biển Canađa là những quy định về việc phát triển các chương trình quản lý biển cụ thể trong Chiến lược biển của Canađa. Cụ thể, đạo luật đã đưa ra ba hình thức chương trình có thể xây dựng và phát triển, đó là: xây dựng các khu bảo tồn biển, chương trình chất lượng môi trường biển; và các chương trình quản lý biển tổng hợp. Các hình thức chương trình này được xem là công cụ chủ đạo trong việc thực thi các mục tiêu của chính sách biển quốc gia: hiều biết và bảo vệ môi trường biển; hỗ trợ các cơ hội kinh tế bền vững; và chứng tỏ vị thế đi đầu trên thế giới trong quản lý biển.

– Phần III: Luật biển Canađa quy định về quyền, nghĩa vụ và chức năng của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương trong vấn đề quản lý các vùng biển của Canađa. Theo đó, với tư cách là người đứng đầu cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về các vấn đề quản lý biển Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương Canađa có quyền hạn và nghĩa vụ tương đối rộng. Khoản 1 Điều 40 Luật biển Canađa năm 1997 quy định:

“Với tư cách là Bộ trưởng phụ trách về biển, quyền lực, nghĩa vụ và chức năng của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương được mở rộng đến và bao gồm tất cả các vấn đề mà Nghị viện có thẩm quyền liên quan đến chính sách và chương trình biển, những vấn đề mà luật pháp Canađa không quy định thẩm quyền cho các ban, ngành hoặc cơ quan khác của Chính phủ”.

Bên cạnh đó, đạo luật cũng quy định quyền lực, trách nhiệm và chức năng của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Đại dương Canađa ở các lĩnh vực cụ thể như: cảnh sát biển, khoa học biển kể cả việc nghiên cứu khoa học biển của tàu thuyền nước ngoài, quyết định về thu lệ phí sử dụng biển và các lĩnh vực khác.

Nhìn chung, Luật biển Canađa là một đạo luật tương đối toàn diện, tạo khung pháp lý chung cho hoạt động quản lý, sử dụng biển ở Canađa. Điểm quan trọng thứ nhất mà đạo luật mang lại là đã xác định một cách cơ bản các vùng biển của Canađa theo những nguyên tắc của Công ước luật biển năm 1982, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý biển và giải quyết các vấn đề về lãnh thổ, biên giới giữa Canađa với các quốc gia láng giềng. Thứ hai, Luật biển Canađa cũng đã hình thành nên một cơ chế quản lý biển của Canađa. Cơ chế ngày là cơ chế quản lý tổng hợp dựa trên sự hợp tác, hỗ trợ của các ngành, các chủ thể liên quan kể cả cộng đồng người dân ven biển và người bản địa. Bước tiến bộ của cơ chế này là dựa trên một cơ quan đầu mối – Bộ Thủy sản và Đại dương để tập hợp lực lượng, xây dựng chính sách, chương trình và tổ chức thực hiện. Bộ Thủy sản và Đại dương là một cơ quan được thành lập từ trước thuộc Chính phủ Canađa. Tuy nhiên, việc Luật biển Canađa quy định cho cơ quan này nhiều quyền lực và trách nhiệm đã nâng tầm quan trọng và vai trò của nó trong xây dựng và thực hiện chương trình biển. Cuối cùng, Luật biển Canađa cũng đã đưa ra cơ sở pháp lý, định hướng cho việc xây dựng một Chiến lược biển toàn diện ở tầm quốc gia. Chiến lược này được xem là chính sách biển quốc gia của Canađa dựa trên những nguyên tắc đã định trong Luật biển.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *