THƯ TƯ VẤN VỀ QUYỀN TÁC GIẢ THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ HIỆN HÀNH

THƯ TƯ Vấn

VỀ QUYỀN TÁC GIẢ THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ HIỆN HÀNH

THƯ TƯ VẤN VỀ QUYỀN TÁC GIẢ THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ HIỆN HÀNH

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2021

Kính gửi: Anh Trần Ngọc Tuyên

Theo đề nghị của anh, hôm nay MYS-LAW (“chúng tôi”), xin gửi đến anh Thư Tư Vấn liên quan đến quyền tác giả của tác phẩm “PHẦN MỀM IMPASTOR WAR – RESCUE TASK” do anh sáng tạo ra dựa trên mã nguồn mà anh đã viết khi đang còn là nhân viên tại Công ty cổ phần Smartmove Việt Nam.

A. BỐI CẢNH CỦA THƯ TƯ VẤN

Ngày 15/01/2021 anh được Công ty cổ phần sở hữu trí tuệ Boss và Cộng sự gửi thư cảnh báo về hành vi xâm phạm quyền tác giả và xâm phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin.

Từ những nội dung anh trình bày, thông tin trong thư cảnh báo và những giấy tờ, hợp đồng anh cung cấp bao gồm:

(1) Hợp đồng lao động số 005.2019/HĐLĐ-SM, ngày 01/09/2019 giữa Công ty Cổ phần Smartmove Việt Nam và anh Trần Ngọc Tuyên;

(2) Thoả thuận bảo mật thông tin ký ngày 01/09/2019 giữa Công ty Cổ phần Smartmove Việt Nam và anh Trần Ngọc Tuyên;

(3) Thư cảnh báo;

(4) Hình ảnh giao diện và nội dung của Phần mềm.

B.  CĂN CỨ PHÁP LÝ

Khi đưa ra các ý kiến pháp lý trong Thư Tư Vấn này, chúng tôi đã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Luật sở hữu trí tuệ (Được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019);

2. Bộ Luật Dân Sự năm 2015;

3. Bộ Luật Lao Động 2020;

4. Luật bảo hiểm xã hội 2014;

C.   Ý KIẾN PHÁP LÝ

Dựa trên các căn cứ pháp lý trên, MYS-LAW sẽ đưa ra các ý kiến pháp lý sau:

Thứ nhất, về sản phẩm là “Mã Nguồn” (Tác phẩm mà anh đã hoàn thành khi còn là nhân viên của công ty). Đây là tác phẩm do anh tạo ra, thì anh đương nhiên là tác giả của tác phẩm “Mã Nguồn” này. Bởi lẽ:

(1) Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật Sở Hữu Trí Tuệ thì Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác phẩm này do chính anh tạo ra, thì đương nhiên anh là tác giả của tác phẩm nói trên;

(2) Về chủ sở hữu tác phẩm, thì căn cứ theo Khoản 1 Điều 39 Luật Sở Hữu Trí Tuệ quy định:

“Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. ………”

Trường hợp này anh tạo ra tác phẩm “Mã nguồn” bởi nhiệm vụ từ công ty Smartmove, thì Công ty Cổ phần Smartmove sẽ là Chủ sở hữu của tác phẩm.

Nhưng ở trường hợp này, Công ty Cổ phần Smartmove chỉ có quyền sở hữu đối với tác phẩm “Mã Nguồn” chứ không phải là tác giả của tác phẩm. Bởi vì, trong tất cả hợp đồng, cam kết bảo mật, hay bất kỳ văn bản nào do anh cung cấp đều không có văn bản thoả thuận hay bất cứ điều khoản nhắc đến việc chuyển giao quyền tác giả cho Công ty CP Smartmove. Chính vì vậy anh vẫn là tác giả của tác phẩm.

=> Từ (1) và (2) ta có thể kết luận rằng đối với tác phẩm “Mã Nguồn” mà anh nhắc đến này thì anh Trần Ngọc Tuyên là tác giả, còn Công ty CP Smartmove sẽ là chủ sở hữu.

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của Tác Giả và Chủ sở hữu như sau:

Căn cứ Điều 18,19 và 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Thì tác giả (ở đây là anh Trần Ngọc Tuyên) sẽ có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm này.

Cụ thể như sau:

“Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

1. Đặt tên cho tác phẩm;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”

Còn đối với chủ sở hữu (Công ty CP Smartmove) thì căn cứ theo Khoản 2 Điều 39 Luật Sở Hữu Trí Tuệ quy định:

“Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

…………..

2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Ở đây, giữa anh Tuyên và Công ty Smartmove không có bất kỳ thoả thuận nào khác. Cho nên Công ty sẽ có các quyền theo quy định tại Khoản 3 điều 19 và Điều 20 mà chúng tôi đã nêu ở phần trên.

Chúng tôi xin phân tích rõ ràng hơn về trường hợp của anh. Tức là sẽ rơi vào quyền của hai bên. Thì cả hai bên đều có quyền “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả

Nhưng trường hợp của anh thì là do chính anh Trần Ngọc Tuyên (Tác giả của tác phẩm) bằng những gì mình đã làm, sáng tạo ra một tác phẩm mới dựa trên tác phẩm “Mã Nguồn”. Thì anh Trần Ngọc Tuyên hoàn toàn có quyền làm việc này.

Hơn thế nữa chính Công ty CP Smartmove không được sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm “Mã Nguồn” dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại dến danh dự và uy tín của anh Trần Ngọc Tuyên.

Công ty CP Smartmove chỉ được sử dụng y nguyên tác phẩm “Mã Nguồn”, nếu muốn sửa chữa, hay cắt xén, hoặc làm bất cứ điều gì liên quan đến tác phẩm thì phải cần có sự đồng ý của anh Trần Ngọc Tuyên.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đi đến phân tích những nhận định trong thư cảnh báo từ Công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự như sau:

1. Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Cụ thể nếu là xâm phạm thì sẽ là xâm phạm quyền tác giả, những hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Sở Hữu Trí Tuệ.

“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”

Như đã phân tích phía trên, thì anh Trần Ngọc Tuyên là tác giả của tác phẩm. Vì vậy, anh Tuyên có quyền sửa chữa tác phẩm của mình. Cho nên, anh Trần Ngọc Tuyên không hề xâm phạm đến quyền tác giả đối với tác phẩm có tên “Mã Nguồn”.

Nếu như Công ty CP Smartmove sửa chữa, cắt xén tác phẩm “Mã Nguồn” trên mà không có sự đồng ý của anh Tuyên mà gây phương hại đến danh dự và uy tín của anh Tuyên thì Công Ty CP Smartmove mới là chủ thể xâm phạm quyền.

Tại thư Công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự có nhắc đến Điều 225 Bộ Luật Hình Sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Chúng tôi xin nêu lại điều 225 tại đây:

“Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1.180 Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đ

…………………”

Chúng tôi có thể khẳng định rằng điều này hoàn toàn không có bất kỳ tình tiết hay căn cứ để cấu thành tội phạm nào. Bởi lẽ, chủ thể của quyền tác giả là tác giả và chủ sở hữu. Anh Trần Ngọc Tuyên cũng là chủ thể của quyền này. Quyền của anh Tuyên đang được pháp luật bảo vệ tại Điều 225 này.

Việc nói anh Tuyên xâm phạm quyền tác giả của chính mình là hoàn toàn sai.

2. Về biên bản xử lý vi phạm Thoả thuận bảo mật mà anh Trần Ngọc Tuyên đã ký ngày 25/12/2020.

Đầu tiên, chúng tôi không biết rõ về nội dung được ghi trong Biên bản xử phạt này.

Nhưng đọc thoả thuận bảo mật giữa Công ty CP Smartmove và anh Tuyên thì chúng tôi có thể suy luận rằng trong Biên bản xử lý vi phạm Thoả thuận bảo mật này xử phạt hành vi tiết lộ thông tin bảo mật quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Thoả thuận trên.

Chúng tôi cho rằng, Biên bản xử lý vi phạm của Công ty CP Smartmove là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Công ty smartmove không hề có bất cứ thoả thuận nào khác với anh Tuyên về tác phẩm “Mã Nguồn” ngoài hợp đồng lao động và thoả thuận bảo mật thông tin. Cho nên Công ty CP Smartmove không cấm anh Tuyên sử dụng tác phẩm của mình tạo ra để sáng tạo ra tác phẩm phái sinh cho chính mình, hay chỉnh sửa, cắt xén.

Ở đây, anh Tuyên không hề để lộ bí mật thông tin của Công ty. Vì “để lộ” bí mật thông tin tức là cung cấp những thông tin được coi là bí mật công ty cho một bên thứ 3 (không phải thành viên trong Công ty, người không được biết về bí mật này theo quy định của Công ty). Nhưng anh Trần Ngọc Tuyên đã sử dụng tác phẩm của mình viết ra, bằng những quá trình sáng tạo trước đó để tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Sau đó mới đăng tải lên Apps Store. Cho nên tác phẩm “Mã Nguồn” chưa hề bị lộ ra ngoài. Chỉ có anh Tuyên (là tác giả của tác phẩm) và Công ty CP smartmove biết về tác phẩm “Mã Nguồn” này mà thôi.

Hơn nữa, Công ty CP Smartmove lợi dụng sự thiếu hiểu biết của anh Tuyên về pháp luật, sử dụng thủ đoạn lừa dối “nói với anh Tuyên là lên để lấy sổ bảo hiểm” và yêu cầu ký vào Biên bản trên với những căn cứ mà công ty đưa ra. Chính vì lúc này không có hiểu biết về pháp luật và cũng sợ hãi về những gì mà Công ty đưa ra cho nên anh Tuyên đã ký vào biên bản trong tình thế bị ép buộc. Căn cứ Điều 128 Bộ Luật Dân Sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, thì anh Trần Ngọc Tuyên có thể yêu cầu Toà Án tuyên bố Biên bản xử phạt trên là vô hiệu. Vì anh Tuyên đã ký Biên bản xử phạt này trong tình trạng sợ hãi, không hiểu rõ ràng về những gì mà Công ty đưa ra.

3. Về hành vi vi phạm thoả thuận Bảo Mật

Như chúng tôi đã phân tích ở phần 2, thì anh Trần Ngọc Tuyên không vi phạm Thoả Thuận Bảo Mật giữa Công ty Smartmove và anh. Vì anh Tuyên cơ bản là sử dụng chính tác phẩm của mình làm ra để sáng tạo ra một tác phẩm hoàn toàn mới.

4. Về giấy tờ pháp lý

Công ty CP Smartmove nói rằng tác phẩm “Mã Nguồn” là tác phẩm thuộc quyền sở hữu của Công ty. Nhưng chưa có chứng nhận của Cục bản Quyền tác giả để đối chiếu.

Nhưng đối với tác giả tạo ra tác phẩm thì nó là quyền đương nhiên, nếu tác giả không muốn một bên thứ 3 xâm phạm quyền thì mang đi để đăng ký bảo vệ.

Theo như những gì anh Tuyên kể lại, thì sản phẩm của Công ty anh cũng là lấy ý tưởng hình ảnh từ các loại game trôi nổi trên các chợ điện tử để làm ra một sản phẩm tương tự. Chính vì vậy, rất khó để chứng nhận rằng Công ty CP Smartmove chính thức là chủ sở hữu của tác phẩm nói trên. Vì chính Công ty cũng đang đi sao chép lại ý tưởng, cũng như nhân vật từ những tác phẩm đã được công bố khác trên thị trường game nói riêng và các chương trình máy tính nói chung.

Ở đây chúng ta có thể thấy rằng, Công ty này cũng đang là chủ thể đi xâm phạm quyền tác giả của bên thứ 3 nào đó, để mang lại lợi nhuận cho Công ty. Vì vậy, tất cả doanh thu của Công ty này cũng có thể có những khoản doanh thu bất hợp pháp.

5. Về hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động giữa Công ty CP Smartmove và anh Trần Ngọc Tuyên có thể coi là vô hiệu. Vì có sự gian dối, và làm trái với quy định của pháp luật. Vì Công ty CP Smartmove kê khai lương của anh Tuyên là 4,472,600 VNĐ. Nhưng lương thực nhận theo lời kể của anh Tuyên lại cao hơn so với lương được ghi trong hợp đồng. Căn cứ Điều 123 Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của Luật ở đây là: Có sự gian dối về lương; và về việc Công ty CP Smartmove trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động theo quy định tại Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014;

Như vậy, anh Tuyên có quyền yêu cầu Toà Án tuyên Hợp đồng lao động này vô hiệu.

Suy ra, giữa anh Tuyên và Công ty chưa hề xác lập mối quan hệ dân sự nào. Chính vì vậy công ty cũng đồng thời không có quyền sở hữu tác phẩm “Mã Nguồn”.

6. Về tác phẩm “Impostor War-Rescue Task” và “Impostor War – Rescue Crewmate among traitor” do anh Trần Ngọc Tuyên sáng tạo ra.

Đây là hai tác phẩm hoàn toàn khác, và không gây hại gì đến việc kinh doanh của Công ty Smartmove.

Minh chứng chứng minh là: Khi tác phẩm của Công ty đưa lên các chợ Apps Store thì doanh thu không cao mặc dù đã chạy quảng cáo cũng như sử dụng những hình thức Marketing phù hợp (Khoản thu nhập này có thể chứng minh bằng việc xác nhận lượt tải, lượt dùng, và yêu cầu Công ty cung cấp doanh thu từ tác phẩm trên).

Còn hai tác phẩm của anh Tuyên có thể vượt trội hơn là vì ý tưởng mới mà a Tuyên sáng tạo ra. Chính ý tưởng mới đó mang lại sự yêu thích cho người dùng.

Hơn thế nữa, những tác phẩm tương tự lại có rất nhiều trên các chợ điện tử, tất cả tác phẩm đều tương tự nhau, cho nên sản phẩm của anh Tuyên chỉ là một trong những tác phẩm như vậy. Điểm mấu chốt ở đây đó là ý tưởng của anh Trần Ngọc Tuyên đã mang lại cái mới lạ, sự thích thú cho người dùng.

Hai tác phẩm nói trên được tạo ra từ công sức, thời gian, tài chính, cơ sở vật chất-kỹ thuật của chính anh Tuyên để sáng tạo ra.

Như vậy, anh Tuyên đương nhiên là tác giả cũng chính là chủ sở hữu của hai tác phẩm nói trên.

Anh có thể mang tác phẩm của mình đi để đăng ký bản quyền tác giả tại những ý tưởng mới hoàn toàn do mình tạo ra. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình.

Trên là những tư vấn theo pháp luật về lao động hiện hành từ MYS-LAW.

Chúng tôi rất mong nhận được hồi âm của quý khách về vấn đề này và luôn sẵn sàng trao đổi với quý khách những thông tin cần thiết./.

Chuyên viên tư vấn

Bùi Thị Nguyệt

CẢM ƠN QUÝ BẠN ĐỌC ĐÃ GHÉ THĂM WEDSITE!

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *